Đây là những lĩnh vực trọng tâm trong Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, để Gia Lai hướng tới mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh; là trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.
Gia Lai có vị trí chiến lược rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các tỉnh duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và với các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước Campuchia và Lào; có hệ thống giao thông đường bộ, cảng hàng không tương đối thuận lợi để kết nối với các thành phố lớn.
Đồng thời, Gia Lai có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển; có vùng đất rộng lớn, thổ nhưỡng phì nhiêu, địa hình đồi núi, cao nguyên và thung lũng đồng bằng xen kẽ, hình thành khí hậu đặc trưng riêng của mỗi khu vực; có nhiều lợi thế để phát triển ngành nông nghiệp với quy mô công nghiệp; các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch; nhất là công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo.
Ông Nguyễn Hữu Quế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: “Tỉnh Gia Lai mong muốn Thành phố Hồ Chí Minh với vị trí, vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng của cả nước, lãnh đạo, chỉ đạo, cùng với sự quan tâm, giúp đỡ, sự vào cuộc các cấp, các ngành của hai địa phương sẽ tiếp tục cụ thể hóa các nội dung bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Gia Lai”.
“Trên cơ sở đánh giá tổng kết kết quả hợp tác trong năm 2023, hướng tới xây dựng kế hoạch hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Gia Lai trong năm 2024 và 2025 cần bám sát với nhu cầu thực tế trong từng ngành, từng lĩnh vực của Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Gia Lai sẽ đảm nhận thực hiện; đảm bảo tính hiệu quả, thiết thực trên cơ sở nhu cầu hợp tác phát triển kinh tế - xã hội của hai bên; các nội dung triển khai phải xác định rõ sản phẩm cụ thể, thời hạn hoàn thành, đơn vị thực hiện, đơn vị phối hợp; có sự gắn kết phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước với các doanh nghiệp trong liên kết, hợp tác vùng; tạo sự đồng thuận, thống nhất về nội dung, phương thức triển khai giữa các các sở, ban ngành của từng địa phương”, ông Nguyễn Hữu Quế cho biết thêm.
“Đồng thời, 2 địa phương sẽ phát huy các lĩnh vực có tiềm năng hợp tác song phương nhưng chưa được khai thác như nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cây dược liệu; công nghiệp chế biến, công nghiệp phát triển năng lượng tái tạo; du lịch nhằm tạo động lực tăng trưởng kinh tế tỉnh Gia Lai; qua đó, các nội dung thoả thuận hợp tác đã ký kết giữa hai địa phương đi vào thực chất, đạt hiệu quả thiết thực và thành công”, ông Nguyễn Hữu Quế nhấn mạnh.
Gia Lai là tỉnh tiên phong trong vùng về chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với chuyển đổi số và kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Hình thành các mô hình nông nghiệp sinh thái, hiện đại, thông minh; nông nghiệp hữu cơ có thương hiệu. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, phục vụ nông nghiệp; phát triển dịch vụ logistics, khoa học công nghệ để xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp. Chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Phát triển kinh tế rừng gắn với phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, tạo sinh kế cho người dân.
“Tỉnh Gia Lai cam kết sẽ luôn đồng hành, với tinh thần ủng hộ cao, hỗ trợ tối đa; đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành, các đơn vị có liên quan của tỉnh Gia Lai phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các đơn vị có liên quan tương ứng của Thành phố Hồ Chí Minh trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ nhằm đảm bảo tiến độ và hiệu quả đã đề ra”, ông Nguyễn Hữu Quế chia sẻ./.