Giải Báo chí Quốc gia thể hiện được tính chuyên nghiệp, hấp dẫn, mang hơi thở của báo chí hiện đại

Trong số 165 tác phẩm vào chung khảo, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã thảo luận, thẩm định và bỏ phiếu lựa chọn được 10 giải A, 26 giải B, 45 giải C, 41 giải Khuyến khích để trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023. Nhiều tác phẩm thể hiện được tính chuyên nghiệp, hấp dẫn, mang hơi thở của báo chí hiện đại.

Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII-năm 2023 diễn ra vào tối 21/6, tại Hà Nội.

giai-bao-chi-quoc-gia-3-1718965618.jpg
Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia họp báo nhằm thông tin về kết quả và Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII - năm 2023.

Dấu mốc 99 năm thực hiện sứ mệnh phụng sự Tổ quốc, nhân dân

Phát biểu bế mạc Vòng chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII-năm 2023, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội đồng chung khảo, nêu rõ các tác phẩm dự Giải đã đáp ứng được các tiêu chí xét chọn được nêu trong hướng dẫn tuyển chọn của Hội đồng Giải, phản ánh toàn diện, sâu sắc đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của đất nước trong năm 2023.

Nhiều tác phẩm được đầu tư nghiêm túc, công phu, nội dung có tính phát hiện vấn đề mới, phản biện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước; đề xuất nhiều giải pháp kiến tạo, cách làm hay, có sức lan tỏa, ảnh hưởng lớn trong xã hội. Nhiều tác phẩm thể hiện được tính chuyên nghiệp, hấp dẫn, mang hơi thở của báo chí hiện đại.

Giải Báo chí Quốc gia hàng năm là sự kiện lớn thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo giới cả nước, là giải thưởng cao quý nhất dành tặng cho các tác phẩm báo chí xuất sắc, đóng góp tích cực cho sự nghiệp báo chí nước nhà; là dịp tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất hằng năm, theo Quyết định 369 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Giải Báo chí quốc gia và Quyết định 1694 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Nâng cao chất lượng Giải Báo chí Quốc gia.

Theo Hội Nhà báo Việt Nam, qua 18 năm tổ chức, đến nay, Giải tiếp tục nhận được sự tham gia chủ động, tích cực, hào hứng của 18/21 Liên chi hội, 30/223 Chi hội trực thuộc, đặc biệt là 63/63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố... Số tác phẩm của tác giả không phải hội viên Hội Nhà báo Việt Nam là 127 tác phẩm. Điều này cho thấy sức hút mạnh mẽ của Giải, sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các hội viên và các cấp Hội Nhà báo trong cả nước.

giai-bao-chi-quoc-gia-2-1718965610.jpg
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, phát biểu tại Hội thảo “Công nghệ thúc đẩy đa dạng hóa nguồn thu cho báo chí,” do báo Điện tử VietnamPlus tổ chức ngày 18/6 vừa qua.

Nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng, báo chí cách mạng Việt Nam đã bước vào dấu mốc 99 và chỉ còn 1 năm nữa sẽ bước vào một dấu mốc rất quan trọng - 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam. Trải qua thời gian với rất nhiều biến động, khó khăn, thách thức, nhưng sứ mệnh của báo chí cách mạng Việt Nam chưa bao giờ thay đổi. Đó là sứ mệnh phụng sự Tổ quốc, nhân dân, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, cung cấp những thông tin, tri thức cho người dân để phục vụ cuộc sống cũng như công việc của họ.

Song hành cùng xã hội với những biến động không ngừng, báo chí hiện đại đòi hỏi những sự đổi mới và sáng tạo liên tục, trong bối cảnh đó cũng đặt ra những yêu cầu mới với Giải Báo chí quốc gia. Theo Nhà báo Lê Quốc Minh, Hội Nhà báo đã có nhiều cuộc trao đổi, thảo luận về nội dung đổi mới thể lệ giải, về việc những thể loại đã được đề ra từ nhiều năm trước nay có còn phù hợp hay không. Tuy nhiên, việc thay đổi các hạng mục của giải báo chí quốc gia đòi hỏi Hội đồng Giải sẽ phải họp và thông qua những thể lệ mới trước 1 năm.

“Thực tế là với sự phát triển hiện nay của báo chí hiện đại, việc phân tách thể loại, lĩnh vực như trước đây cũng cho thấy một số bất cập. Tuy nhiên, để thay đổi một cách triệt để cũng có khá nhiều rủi ro. Như vậy, thay vì bỏ một số thể loại cũ, chúng tôi dự kiến vẫn sẽ giữ nguyên và bổ sung thêm một số hình thức báo chí mới, nhằm tạo điều kiện cho những sản phẩm báo chí mới có thể tham gia và có cơ hội đoạt giải. Tuy nhiên, tất cả những thay đổi về thể lệ giải sẽ cần được xem xét kỹ lưỡng”, nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Cần thêm những giải thưởng riêng dành cho báo chí sáng tạo

Nói về vấn đề đổi mới Giải Báo chí quốc gia, nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Ủy viên Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam, cũng đồng quan điểm cho rằng đã đến lúc cần thay đổi Giải Báo chí quốc gia từ cách lựa chọn, tôn vinh các tác phẩm.

“Giải Báo chí quốc gia từ trước tới nay có những loại hình như truyền hình, phát thanh, báo ảnh, báo điện tử… Song trong bối cảnh mới đã có sự thay đổi rất lớn đến từ báo chí số, báo chí dữ liệu. Thời gian qua Hội Nhà báo đã xin ý kiến về việc đổi mới Giải Báo chí quốc gia. Tôi cho rằng, ngoài những giải truyền thống, giờ đây cũng cần thêm những giải thưởng riêng dành cho báo chí sáng tạo, báo chí số, đa phương tiện.

Thực tế báo chí số đã bao gồm cả báo điện tử, đa phương tiện, song cần có giải riêng cho loại hình đa phương tiện (multimedia) bởi hiện nay cơ quan báo chí nào cũng chuyển dần sang hướng làm này, ngay cả báo in cũng chuyển sang môi trường điện tử hoặc làm những sản phẩm multimedia.

Hay như báo điện tử trước đây vốn không làm những sản phẩm của phát thanh, thì giờ đây họ cũng có thể sản xuất podcast. Có thể thấy những sản phẩm báo chí số đang dần chiếm vai trò chi phối dư luận xã hội, được công chúng tìm tới nhiều hơn. Việc ưu tiên cho những loại hình báo chí mới, báo chí sáng tạo cũng là sự ghi nhận những sáng tạo, cũng như dẫn dắt sự phát triển, trưởng thành của báo chí cách mạng”, nhà báo Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.

giai-bao-chi-quoc-gia-1-1718965739.jpg
Nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Ủy viên Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam.

Ngoài việc đổi mới về thể loại, nhà báo Phạm Mạnh Hùng cũng cho rằng, trong bối cảnh báo chí có nhiều thay đổi, cách tiếp cận thông tin nhanh, tức thời, cũng nên xem xét lại các tiêu chí khi đánh giá tác phẩm.

Giải báo chí đánh giá chất lượng, tính chuyên nghiệp, nhưng cũng cần đánh giá được tác động xã hội, nếu các tiêu chí chấm giải cụ thể hóa hơn sẽ giúp chọn được những tác phẩm báo chí tốt hơn để tôn vinh.

“Cũng cần xem những tác phẩm nào đáng để làm nhiều kỳ hay chỉ cần những tác phẩm báo chí 1 kỳ nhưng tạo ra tác động rất lớn cho xã hội, chất lượng rất tốt thì hoàn toàn có thể tôn vinh. Chúng ta không cần tổ chức các tuyến bài rất nhiều kỳ nhưng lượng người đọc lại không nhiều, không có tác động xã hội mạnh mẽ, đây cũng là vấn đề hội đồng chấm giải Báo chí quốc gia rất trăn trở. Chúng ta cần làm sao để không chỉ tôn vinh các tác giả, tác phẩm xuất sắc, mà qua giải báo chí phát hiện ra những xu hướng mới, cách làm mới hay các vấn đề thực sự có tính dẫn dắt công chúng, phát triển tương lai báo chí.

Cách nhìn nhận đánh giá sản phẩm cũng phải có đổi mới. Bên cạnh những giám khảo uy tín, có bản lĩnh chính trị, tuổi nghề dày, cũng cần mạnh dạn mời những giám khảo trẻ thường xuyên được giải để có thêm những góc nhìn tìm ra những sản phẩm tốt nhất”, nhà báo Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh./.

Trọng Đạt