Giá sắt thép "hạ nhiệt"

Thời gian gần đây, các doanh nghiệp trong nước đồng loạt điều chỉnh giảm giá thép xây dựng thêm khoảng 300 đồng/kg.

Như vậy, chỉ từ đầu tháng 5 cho đến nay, giá thép trong nước đã giảm lần thứ 7 liên tiếp và hiện đang đi ngang.

Hôm nay, khảo tại phố Đê La Thành - con phố bán vật liệu xây dựng tại Hà Nội, giá thép đã giảm khoảng 200 - 300 đồng/kg từ tuần trước và giữ ổn định đến tuần này.

Hiện giá thép cuộn bán lẻ ở mức khoảng 21.000 đồng/kg, còn giá thép ống hộp khoảng 24.500 đồng/kg.

Nguyên nhân giá thép trong nước quay đầu giảm mạnh sau thời gian tăng nóng được cho là giá nguyên vật liệu đầu vào có xu hướng đi xuống.

13-5-gia-thep-tang-1620885924-min-750x470-1656501540.jpg
Từ đầu tháng 5 cho đến nay, giá thép trong nước đã giảm lần thứ 7 liên tiếp.

Các chuyên gia nhận định, giá thép trong nước giảm sẽ kích thích nhu cầu trở lại sau khoảng thời gian trầm lắng do dịch COVID-19.

“Ngành sắt thép được coi là kim chỉ nam cho các hoạt động công nghiệp và đầu tư xây dựng phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trước áp lực về nguy cơ suy thoái và những vết nứt trong chuỗi cung ứng toàn cầu, giá vật liệu xây dựng đang phải đối diện với nhiều biến số khó lường. Trong bối cảnh đó, để giữ vững đà tăng trưởng, các doanh nghiệp Việt Nam cần duy trì tầm nhìn trong trung và dài hạn, kết hợp với sử dụng các công cụ bảo hiểm giá để hạn chế tối đa rủi ro từ thị trường”, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hoá Việt Nam đánh giá.

Trái ngược với sắt thép, giá một số vật liệu xây dựng khác vẫn đang trên đà tăng mạnh. Điển hình là xi măng đã có 3 lần tăng giá kể từ đầu năm 2022 sau khi giá than đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái do nguồn cung thắt chặt. Giá cát bê tông cũng tăng lên hơn 20% so với hồi đầu tháng 6/2021. Các vật liệu xây dựng khác như gạch, đá cũng biến động tăng nhẹ so với năm trước. Những diễn biến trái chiều đối với giá vật liệu xây dựng vẫn sẽ tạo ra thách thức lớn trong tiến trình phục hồi tăng trưởng của nước ta.

Bên cạnh đó, áp lực suy thoái kinh tế không chỉ ảnh hưởng tới các nền kinh tế đầu tàu mà còn gây ra hiệu ứng domino đối với các quốc gia đang phát triển. Nhu cầu suy yếu trên thế giới sẽ khiến xuất khẩu sắt thép gặp nhiều áp lực, và điều này đòi hỏi chất lượng thép trong nước phải được chú trọng nâng cao. Muốn vậy, việc đầu tư cho dây chuyền công nghệ sản xuất cần phải được thúc đẩy, và chính điều này cũng sẽ là chìa khoá giải quyết cho bài toán tự chủ nguồn nguyên liệu thô và mang lại hiệu quả kinh tế to lớn cho ngành vật liệu xây dựng tại Việt Nam.

Anh Vân (t/h)