Theo Thời báo Kinh tế, vào ngày 15/5 (giờ địa phương) trên Sàn giao dịch Chicago Mercantile Exchange (CBOT), giá lúa mì kỳ hạn tăng 5,9% lên 12,47 USD/giạ, cao nhất trong hai tháng gần đây. Giá đóng cửa ở mức 12,39 USD/giạ, phản ánh mức tăng hàng ngày cao nhất.
Giá lúa mì đã tăng hơn 60% trong năm nay do sự gián đoạn, chịu ảnh hưởng bởi việc Nga xâm lược Ukraine. Hai quốc gia châu Âu này chiếm gần một phần ba lượng lúa mì xuất khẩu trên toàn thế giới.
Ấn Độ - nhà sản xuất lúa mì lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc đã bù đắp cho sự thiếu hụt lúa mì của thế giới sau cuộc chiến Nga - Ukraine nhờ thu hoạch 7 triệu tấn vào năm ngoái, bất chấp thời tiết xấu đã cắt giảm vụ mùa từ các nhà xuất khẩu lớn khác. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng sản lượng sẽ giảm do đợt nắng nóng sớm xảy ra vào tháng 3 và tháng 4, hạn chế xuất khẩu.
Một ngày trước đó, Bộ Ngoại thương Ấn Độ đã thông báo lệnh cấm xuất khẩu ngay lập tức đối với lúa mì từ đêm ngày 13/5. Bộ Ngoại thương cho biết, họ sẽ thay đổi chính sách xuất khẩu lúa mì từ "tự do" sang "cấm" để đảm bảo an ninh lương thực và đáp ứng nhu cầu của các nước láng giềng và các nước dễ bị tổn thương khác.
Các chuyên gia phân tích, thông báo về lệnh cấm xuất khẩu đã gây chấn động thị trường trong thời điểm đáng lo ngại về tình trạng khan hiếm nguồn cung lúa mì do Nga xâm lược Ukraine. Cũng có những lo ngại rằng lệnh cấm xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ có thể kích thích thêm chủ nghĩa bảo hộ lương thực ở các nước sau chiến tranh Nga - Ukraine.
Robert Rennie, người đứng đầu chiến lược thị trường toàn cầu tại ngân hàng Westpac của Úc cho biết: “Điều này đang làm trầm trọng thêm nguy cơ thiếu lương thực, đặc biệt là ở các nước đang phát triển và những nước có lịch sử phụ thuộc vào lương thực trong khu vực”.