Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng lương thực, việc tránh lãng phí đồ ăn được cho là giải pháp vô cùng thiết thực.
Một ý tưởng kinh doanh thiết thực để giảm lãng phí đang hoạt động hiệu quả tại Ai Cập, đó là kết nối nhu cầu bán thực phẩm tươi dư thừa từ các nhà hàng, tới người mua là các hộ gia đình.
Cụ thể, ứng dụng đặt đồ ăn mang tên Tekeya được phát triển từ năm 2019 bởi cặp vợ chồng Menna Shahin và Max Haartsen đến từ Dubai, giúp người dùng kết nối với các nhà hàng hoặc đơn vị cung cấp thực phẩm tại Ai Cập để đặt mua đồ ăn dư thừa nhằm tránh lãng phí.
Với ý tưởng phân bổ hài hòa nguồn thực phẩm, người dùng không chỉ đặt được một bữa ăn tươi ngon với giá giảm một nửa mà còn có thể gửi tới các tổ chức từ thiện. Các nhà hàng cũng có thể tặng miễn phí thức ăn thừa cho những người có nhu cầu.
Theo bà Menna Shahin, đồng sáng lập ứng dụng Tekeya, việc phát triển ứng dụng này dựa trên ý tưởng gấp 3 lợi ích. Khi người dùng đặt qua ứng dụng này, họ tiết kiệm được 50% chi phí.
Các nhà cung cấp hoặc nhà hàng quảng cáo trên ứng dụng sẽ kiếm được nhiều lợi nhuận hơn, trong khi các tổ chức từ thiện sẽ nhận được bữa ăn miễn phí. Tất cả những ý tưởng này sẽ góp phần giảm lãng phí thực phẩm và giảm rác thải thực phẩm gây ô nhiễm môi trường.
Trong năm ngoái, ứng dụng này cũng đã giúp tiết kiệm khoảng 40.000 bữa ăn. Các nhà sáng lập ứng dụng cũng mong muốn mở rộng mô hình này ra toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm nhằm giảm thất thoát thực phẩm trong tương lai. Theo Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc, ước tính lượng rác thải thực phẩm gia dụng của Ai Cập là 91 kg/người mỗi năm.
Hiện tại, mô hình vận hành của ứng dụng chỉ kết nối nhà hàng tới khách hàng. Sắp tới, nhóm phát triển sẽ mở rộng thêm tính năng giúp kết nối với các siêu thị. Thông qua đó, sêu thị có thể bán trợ giá hoặc quyên góp thực phẩm cuối ngày đến người có nhu cầu.