GE Việt Nam tố TRE “chen ngang” vào dự án điện gió tại Lạng Sơn

Công ty TNHH GE Việt Nam (viết tắt: GE Việt Nam) vừa phản ánh tới UBND tỉnh Lạng Sơn về sự “chen ngang” của Công ty CP Công nghệ Tài nguyên Năng lượng (viết tắt: TRE) tại dự án điện gió Ái Quốc mà họ đang nghiên cứu khảo sát tại địa phương này.

Theo đó, GE Việt Nam cho biết vào cuối năm 2020, GE Việt Nam đã đề xuất tỉnh Lạng Sơn cho phép nghiên cứu khảo sát các dự án điện gió Ái Quốc (253MW) và Chi Lăng (165MW), có tổng mức đầu tư lên tới 710,6 triệu USD.

Hai dự án này đã được UBND tỉnh Lạng Sơn đề xuất với Bộ Công thương đưa vào Quy hoạch Phát triển Điện VIII. Và đã nhận được sự chấp thuận của UBND tỉnh Lạng Sơn cho phép xây dựng 2 trụ đo gió tại xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng phục vụ cho dự án Chi Lăng 165MW (theo Văn bản số 564 UBND-KT, ngày 23/5/2022).

dien-1660628498.jpg
Lạng Sơn đang là điểm đến của rất nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước về điện gió. (Ảnh minh họa)

Về công tác lắp đặt 2 trụ đo gió còn lại của dự án Ái Quốc trên địa bàn xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình, công ty này vẫn đang chờ xem xét và quyết định cuối cùng từ phía UBND tỉnh Lạng Sơn.

Trong văn bản gửi UBND tỉnh Lạng Sơn, GE Việt Nam cho rằng một số hoạt động của Công ty Cổ phần Công nghệ Tài nguyên Năng lượng (tên viết tắt là TRE) đã và đang có ý định thực hiện công tác khảo sát đo gió trong phạm vi khảo sát của dự án Ái Quốc mà công ty đã được cấp phép.

Cụ thể, tháng 01/2022 vừa rồi, TRE có văn bản gửi UBND tỉnh Lạng Sơn xin chấp thuận chủ trương khảo sát nghiên cứu đầu tư ba dự án nhà máy điện gió gồm: Điện gió Hữu Lũng (công suất 80-100MW, tổng mức đầu tư khoảng 3.500 – 4.500 tỉ đồng, diện tích khảo sát khoảng 1.000ha tại huyện Hữu Lũng); Điện gió Chi Lăng (công suất 120-150MW, tổng mức đầu tư khoảng 5.500 – 7.000 tỉ đồng, diện tích khảo sát khoảng 1.450ha tại huyện Chi Lăng, Lộc Bình); Điện gió Ái Quốc (công suất 180-230MW, tổng mức đầu tư khoảng 8.000 – 10.000 tỉ đồng, diện tích khảo sát khoảng 3.800ha tại huyện Lộc Bình, Đình Lập).

Đến tháng 07/2022, bà Dương Quỳnh Hoa - Giám đốc TRE - tiếp tục ký văn bản số 1807 đề xuất UBND tỉnh Lạng Sơn cho phép lắp đặt 2 trụ đo gió tại xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình.

Trước sự "chen ngang" của TRE, GE Việt Nam bày tỏ quan ngại, "Việc nghiên cứu khảo sát trùng lặp sẽ gây ra rất nhiều hệ luỵ về pháp lý và các vấn đề tranh chấp giữa các nhà đầu tư. Theo chúng tôi được biết thì các tỉnh khác trong cả nước đều không cho phép nghiên cứu trùng lắp giữa các dự án với nhau".

Do đó, GE Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn sớm ra kết luận và cho phép doanh nghiệp này được tiếp tục hoàn thiện việc lắp đặt 2 cột đo gió cho dự án điện gió Ái Quốc. Đồng thời, "không cấp phép cho bất kỳ công ty nào khác thực hiện nghiên cứu khảo sát, dựng trụ đo gió trong phạm vi chồng lấn hoặc quá gần các dự án lân cận đang triển khai" để tránh xung đột giữa các nhà đầu tư và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh, để tránh "cạnh tranh không lành mạnh".

Công ty TNHH GE Việt Nam - doanh nghiệp FDI (Mỹ) là một trong những công ty Mỹ đầu tiên thiết lập chi nhánh tại Việt Nam vào năm 1993. GE Việt Nam hiện có khoảng 2.000 nhân viên. Về điện gió, GE cũng chính là một trong những đơn vị sản xuất tuabin gió lớn trên thế giới và đang cung cấp cho nhiều dự án ở Việt Nam.

Trong khi đó, TRE - 'tay chơi' mới nổi trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam, được thành lập vào cuối năm 2015, đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực xuất bản phần mềm. Ở thời điểm ban đầu, công ty này có số vốn điều lệ đạt mức 56 tỷ đồng, cổ đông sáng lập gồm 3 cá nhân là Đỗ Cao Huy (80%), Đỗ Quang Hưng (10%) và Mai Hoàng Vũ (10%).

Đến tháng 9/2017, cả 3 cổ đông này đồng loạt thoái vốn, cùng với sự xuất hiện của bà Dương Quỳnh Hoa với vị trí Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Từ đây, TRE tăng vốn nhanh chóng, lên 300 tỷ đồng và lên tới 1.625 tỷ đồng vào cuối năm 2019.

Cùng với quá trình mở rộng quy mô vốn, trong năm 2020, TRE đã thành lập một loạt pháp nhân trong lĩnh vực điện tái tạo với quy mô vốn rất lớn, như CTCP Công nghệ Tài nguyên Năng lượng Tây Nguyên (vốn 980 tỷ đồng), CTCP Công nghệ Tài nguyên Năng lượng Hà Tĩnh (vốn 450 tỷ đồng), CTCP Phong điện Tân Yang Đak Pơ (vốn 636 tỷ đồng)...

Không chỉ năng lượng tái tạo, TRE cũng bày tỏ sự quan tâm lớn tới lĩnh vực bất động sản, logistics...Sự nổi lên của TRE chỉ trong thời gian ngắn vừa qua thu hút sự chú ý lớn của giới đầu tư.

Cập nhật tại ngày 28/07/2022, ông Phí Xuân Tuấn (SN 1978) đã thay bà Dương Quỳnh Hoa làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của TRE

Mai An