Bởi vì việc thực hiện Luật CCCD, Bộ Công an đã có Đề án CCCD gắn chip thay thế Giấy chứng minh Nhân Dân. Và trong nội dung Đề án đó, đã đề cập đến tác dụng “đa zi năng” CCCD gắn chip. Cụ thể là cơ quan chức năng quản lý cấp, phát, theo dõi CCCD, sẽ luôn luôn cập nhật, bổ sung thêm các thông tin (vào CCCD). Thí dụ Mã Định danh A, đã tiêm 3 mũi Vaccine Covid-19. Mã Định danh B đã hết bị F0 từ ngày, tháng, năm… Mã Định danh C có nhóm máu O...
Thế nên, việc xây dựng, lập thêm Đề án CCCD để sẽ “thay thế” 1 số giấy tờ nêu ở phần đầu, rõ ràng là Đề án chồng chéo Đề án. Hay có thể nói vui là 1 “hội chứng Đề án, để tiêu kinh phí Nhà nước” hiện nay.
Mặt khác, nếu dùng thuật ngữ trên phương tiện thông tin đại chúng: CCCD “thay thế” Bảo hiểm Y tế, Giấy phép lái xe… cũng không chính xác. Bởi lẽ những người có Bảo hiểm Y tế, hay Giấy phép Lái xe… vẫn phải được cấp Thẻ và Giấy phép… “như thường”. CCCD chỉ cập nhật vào để kiểm tra chéo là chính, chứ không thể “thay thế được”. Đơn cử, 1 người đánh mất Giấy phép lái xe, chưa được cơ quan chức năng cấp lại. Nếu người đó chỉ cần dùng CCCD cập nhật Giấy phép lái xe để phóng xe vô tư trên đường giao thông công cộng sao đặng?
Tuy nhiên, tôi kiến nghị 3 điểm cơ quan thẩm quyền, chức năng quan tâm CCCD bây giờ: Thứ nhất, cần công khai hóa danh mục, những thông tin sẽ được cập nhật, bổ sung vào CCCD mà không liên quan đến việc bảo mật như: Giấy phép Lái xe; Thẻ Bảo hiểm Y tế; Thẻ Cán bộ, Công chức…
Thứ 2, Đối với những thông tin cần thiết như Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà… nếu phải có Luật Chia sẻ Thông tin giữa các Bộ, Ngành với nhau, thì cơ quan chức năng sẽ xây dựng Luật (Chia sẻ Thông tin), trình Quốc Hội xem xét, ban hành. Riêng các thông tin Y tế liên quan thời dịch Covid-19, được cặp nhật vào CCCD; Quốc Hội đã có “đèn xanh” cho Chính phủ chỉ đạo các Bộ, Ngành thực hiện (chia sẻ thông tin).
Thứ 3, Cần trang bị đầy đủ và đại trà thiết bị quét mã CCCD, như Bộ Công an và UBND TP Hà Nội đã áp dụng để kiểm soát mọi người vào sân Vận động Mỹ Đình, xem bóng đá vừa qua hoặc vừa rồi, tôi có việc đến 1 đơn vị của phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) Hà Nội tại 54 Trần Hưng Đạo, cũng thấy có thiết bị này. Thiết bị Quét mã CCCD rất tiện lợi đối với quảng đại Nhân Dân sẽ khỏi cần dùng smartphone vừa đắt tiền, vừa tốn kém kinh phí 3G, 4G để dùng vào việc “ứng dụng PC-Covid”.
Ngoài ra còn chuyện CSGT đang thử nghiệm biển kiểm soát (BKS) xe cơ giới đường bộ mới, có mã QR code bên phải, ảnh cờ Tổ Quốc bên trái và thay đổi phông chữ trên BKS, để “tránh” các chủ xe, hoặc người lái xe làm BKS giả, hòng “né” bị phạt nguội-nếu vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Tôi cho rằng, việc thử nghiệm BKS xe cơ giới đường bộ nêu trên chưa thật sự cần thiết; vì mới năm 2019, tôi được sang nước Nga đã thấy BKS xe của họ có ảnh cờ Nga, chỉ khác là ảnh cờ ở bên phải BKS. Thế nên nước ta không nhất thiết phải giống họ có ảnh cờ (Việt Nam) trên BKS xe cộ.
Đặc biệt, tội phạm in tiền giả còn có thể in được (nếu như chúng không sợ bị cơ quan chức năng phát hiện), huống chi BKS xe cộ có in mã QR… Mà sự phát hiện BKS giả, rồi “khui ra” BKS thật, vẫn chỉ bằng cách tuần tra kiểm soát trên đường công vụ của CSGT. Và khi tuần tra kiểm soát, CSGT chỉ cần kiểm tra Giấy Đăng ký xe là biết ngay BKS thật hay giả.
Hoặc hoàn toàn có thể cặp nhật vào CCCD thông tin về Giấy Đăng ký xe ô tô số bao nhiêu? Số BKS? Màu sơn của xe? Đồng thời cho phép CSGT được quyền kiểm tra CCCD, khi tuần tra kiểm soát cũng phát hiện được luôn BKS thật hay giả… Và như vậy, việc dùng CCCD gắn chip “đa zi năng” là cần thiết và tất nhiên. Nhưng không đến nỗi to tát phải xây dựng thêm 1 Đề án về vấn đề này, trong xu thế tiến bộ “4.0” hiện nay ở nước ta./.