Nội dung trên được Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ khi dự phát biểu tại lễ khai mạc Vietstock 2024 và Aquaculture Vietnam 2024 vào ngày 09/10.
Chăn nuôi và thủy sản có những bước tiến nổi bật nhờ ứng dụng công nghệ mới
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, vượt qua nhiều khó khăn ngành chăn nuôi và thủy sản Việt Nam có đóng góp tích cực góp phần vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế. Chăn nuôi và thủy sản đã có những bước tiến nổi bật nhờ ứng dụng cập nhật kịp thời nhiều công nghệ mới. Bởi vậy, dù bị ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 3 (bão Yagi) nhưng các doanh nghiệp chăn nuôi và thủy sản đã rất nỗ lực khắc phục và tiếp tục có những bức tốc nhất định.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trong 10 năm qua, tăng trưởng ngành chăn nuôi luôn duy trì tốc độ 5 - 7%/năm, sản lượng thịt các loại tăng 1,8 lần, từ 4 triệu tấn lên hơn 7,9 triệu tấn; trứng tăng 3 lần, từ gần 6,4 tỷ quả lên 19,2 tỷ quả; sữa tươi tăng 3,9 lần, từ 0,3 triệu tấn lên 1,2 triệu tấn.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, thông tin, đến thời điểm này sản lượng lương thực Việt Nam đạt 34,1 triệu tấn, tăng 1,5% so với năm trước. Sản lượng chăn nuôi đạt 6,3 triệu tấn, tăng 4,8%, trong đó đàn gia cầm tăng 3,4% và đàn lợn đạt 30 triệu con. Sản lượng thủy sản đạt 7,2 triệu tấn. Trong đó thủy sản nuôi trồng là 4 triệu tấn và khai thác là gần 3 triệu tấn.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 7,23 tỷ USD, tăng 7,9%. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 46,28 tỷ USD, tăng trên 20% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại nông, lâm, thủy sản có mức thặng dư 13,9 tỷ USD, chiếm 66,8% tổng thặng dư thương mại.
Ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận nhờ vào việc tranh thủ các cơ hội chuyển đổi công nghệ và trang thiết bị kỹ thuật...
Theo số liệu mới nhất, 9 tháng đầu năm 2024, ngành chăn nuôi vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng. Ước tính tổng số lợn cả nước tăng 2,5%; tổng số gia cầm tăng 2,2%; tổng số bò giảm 0,4%; tổng số trâu giảm 3,6%; xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 376 triệu USD, tăng 3,8%; nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp quan trong vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Ngành nông nghiệp sẽ vượt thách thức bằng giải pháp ứng dụng công nghệ hiện đại
Tuy nhiên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, vẫn còn nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển. Đặc biệt lĩnh vực nuôi biển với tiềm năng lên tới 1 triệu km2 diện tích mặt nước. Việc tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, cùng với việc ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ là những giải pháp then chốt để đưa ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững và nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, dù đã đạt được kết quả tích cực nhưng ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, biến động thị trường, tình trạng kháng kháng sinh, môi trường, an toàn thực phẩm, đặc biệt sự phụ thuộc nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu là những vấn đề cấp bách cho ngành cần phải giải quyết.
Ảnh hưởng của đợt bão vừa qua, thủy sản tại các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh... thiệt hại quá lớn, kể cả chăn nuôi nội đồng tại khu vực phía Bắc. Tuy nhiên Bộ đã chỉ đạo khôi phục nhanh chóng và khẩn trương thực hiện tái thiết ngành chăn nuôi, thủy sản cả nước nhằm duy trì được đà tăng trưởng năm nay là 3,2 – 4%. Riêng xuất khẩu của ngành nông nghiệp Thủ tướng Chính phủ giao 54 – 55 tỷ USD... Tôi thấy với tốc độ hiện nay, có thể đạt 61 tỷ USD - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, nhận định.
Hơn nữa, các hoạt động chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản truyền thống cũng đang góp phần đáng kể vào lượng khí thải nhà kính tại Việt Nam. Vì vậy, việc chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi xanh không chỉ là một yêu cầu cấp thiết mà còn là con đường duy nhất để ngành có thể phát triển bền vững.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá, Vietstock 2024 không chỉ đem lại cơ hội để trưng bày và giới thiệu các sản phẩm, công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực chăn nuôi, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và chuyên gia trong ngành có thể giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm thông qua các hội thảo.
“Hy vọng, các đơn vị tổ chức tiếp tục cố gắng, tiếp tục sáng tạo để mỗi lần tổ chức Triển lãm sẽ chuyên nghiệp hơn, sôi động hơn, thu hút nhiều doanh nghiệp và người tham dự hơn nữa”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh./.
Triển lãm Vietstock 2024 và Aquaculture Vietnam 2024 dự kiến quy tụ hơn 13.000 chuyên gia, nhà lãnh đạo, bác sĩ thú y, hộ chăn nuôi, và chủ trang trại từ khắp mọi miền Việt Nam và thế giới, cùng nỗ lực hướng đến mục tiêu thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
Chuỗi sự kiện này diễn ra từ ngày 9/10/2024 đến hết ngày 11/10/2024 tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn, quận 7, TP Hồ Chí Minh.
Cùng ngày 9/10, ban tổ chức Vietstock cũng khai mạc triển lãm nguyên liệu ngành thực phẩm và đồ uống hàng đầu tại Việt Nam (Fi Vietnam 2024). Fi Vietnam hợp tác cùng các chuyên gia và lãnh đạo trong ngành thực phẩm và đồ uống mang đến các hội thảo về các xu hướng mới nhất trong lĩnh vực này.