Dự án SACCR tiếp sức cho nông dân Đắk Nông ứng phó với biến đổi khí hậu

Những năm gần đây, ngành chức năng và người dân Đắk Nông đã chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) bằng cách áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật để giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp.

Bước vào vụ Đông Xuân 2023-2024, Đắk Nông đặt ra kế hoạch gieo trồng hơn 10.505ha cây trồng các loại. Mặc dù phải đối mặt với thời tiết cực đoan thất thường, nắng nóng kéo dài nhiều ngày liên tiếp nhưng phần lớn diện tích cây trồng vẫn sinh trưởng và phát triển tốt. Nhiều diện tích cây ngắn ngày nay đã cho thu hoạch với năng suất vượt trội.

vu-dong-xuan-2023-2024-dak-nong-dat-ra-ke-hoach-gieo-trong-hon-10505ha-cay-trong-cac-loai-1714968636.jpg
Vụ Đông Xuân 2023-2024, Đắk Nông đặt kế hoạch gieo trồng hơn 10.505ha cây trồng các loại.

Tiêu biểu cho mô hình gieo trồng ứng phó với BĐKH là gia đình bà Lương Thị Mùi ở thôn 3, xã Trúc Sơn, huyện Cư Jút (Đắk Nông). Gia đình bà Mùi đang canh tác gần 2ha cà phê. Trải qua nhiều bước như cải tạo đất, trồng cây che bóng, chắn gió, vườn cà phê của bà Mùi luôn phát triển ổn định.

Năm 2023, bà Mùi được tiếp cận với nguồn vốn của Dự án tăng cường năng lực chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do BĐKH khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ ( còn gọi là Dự án SACCR). Tham gia dự án SACCR, gia đình bà Mùi được hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước cho vườn cà phê.

Sau hơn một năm đồng hành cùng dự án, bà Mùi vui mừng cho hay: “Việc lắp đặt và sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm giúp cho việc chăm sóc vườn cây của tôi rất thuận lợi. Hệ thống béc tưới phun mưa tiết kiệm 30% lượng nước so với cách tưới trước đây. Nó giúp vườn cà phê của chúng tôi chống chịu nắng hạn lâu hơn”.

can-bo-ky-thuat-du-an-saccr-huong-dan-ba-luong-thi-mui-o-xa-truc-son-huyen-cu-jut-dieu-chinh-bec-tuoi-nuoc-cho-vuon-ca-phe-1714968471.jpg
Cán bộ kỹ thuật Dự án SACCR hướng dẫn bà Lương Thị Mùi ở xã Trúc Sơn (huyện Cư Jút) điều chỉnh béc tưới nước cho vườn cà phê.

Một hộ khác là Ông Lê Ngọc Quỳnh ở xã Đắk R’moan (TP. Gia Nghĩa) trồng xen canh nhiều loại cây trên cùng diện tích. Trong đó, chủ lực của vườn ông Quỳnh vẫn là cây cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, bơ… Để đảm bảo năng suất và chất lượng cho cây trồng, ông Quỳnh quy hoạch vườn cây một cách bài bản, khoa học. Đồng thời, ông Quỳnh còn được Dự án SACCR hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm và hướng dẫn kỹ thuật trồng xen canh. Đến nay, vườn ông Quỳnh phát triển ổn định và cho năng suất tốt, ít bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh hay thời tiết cực đoan.

Ông Phạm Hùng Vỹ - Giám đốc Dự án SACCR cho biết, Dự án SACCR hiện triển khai trên địa bàn 16 xã thuộc 3 huyện là Đắk Mil, Cư Jút và Krông Nô đều của tỉnh Đắk Nông. “Những năm gần đây, BĐKH gây bất lợi cho công tác sản xuất nông nghiệp bền vững. Đối với các nông hộ nhỏ, đây là những đơn vị dễ bị tác động bởi thời tiết bất thường. Dự án SACCR ra đời đã cho thấy là một giải pháp ứng phó hiệu quả với BĐKH”, ông Vỹ khẳng định.

vuon-cay-xen-canh-cua-ong-le-ngoc-quynh-o-xa-dak-rmoan-tp-gia-nghia-xay-dung-he-sinh-thai-on-dinh-chong-han-tot-1714968697.jpg
Vườn cây xen canh của ông Lê Ngọc Quỳnh ở xã Đắk R’moan (TP. Gia Nghĩa ) xây dựng hệ sinh thái ổn định, chống hạn tốt.

Theo Tiến sĩ Phạm Công Trí - Phó Trưởng Bộ môn Hệ thống nông nghiệp, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) thì việc linh hoạt trong canh tác, chăm sóc cây trồng là rất quan trọng để thích ứng với BĐKH. Đặc biệt, phương pháp trồng xen canh là cách tạo ra tiểu vùng khí hậu và cây trồng phát triển ổn định. Cách làm này mang lại thêm thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích gieo trồng.

“Ngoài ra, việc áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm, quản lý thảm phủ, chú trọng bảo vệ rừng, trồng rừng... đều là những giải pháp thích ứng với BĐKH cực kỳ hiệu quả hiện nay”, ông Trí khẳng định.

he-thong-tuoi-tiet-kiem-nuoc-giup-nguoi-dan-dak-nong-chu-dong-nuoc-tuoi-trong-thoi-tiet-kho-han-1714968726.jpg
Hệ thống tưới tiết kiệm nước giúp người dân Đắk Nông chủ động trong thời tiết khô hạn.

Ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Đắk Nông cho biết trong những năm qua, Đắk Nông đã triển khai nhiều giải pháp khác nhau để linh hoạt ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết. Cụ thể, từ năm 2018 - 2023, tỉnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên 1.109ha đất lúa, đất xa nguồn nước sang các loại cây trồng cần ít nước.

Theo ông Đông, nguyên nhân phải chuyển đổi cây trồng chủ yếu là do những diện tích cây trồng này ở những vùng thiếu nước, mạch nước ngầm thấp, đất đai cằn cỗi và không đúng với quy hoạch… “Chuyển đổi cây trồng là một trong những giải pháp ứng phó với BĐKH hiệu quả nhất hiện nay. Song song đó, tỉnh còn chủ trương đưa ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển thủy lợi, sản xuất hữu cơ… phát triển thành sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao”, ông Đông cho biết.

trong-xen-canh-vua-tao-tieu-vung-khi-hau-vua-giup-tang-thu-nhap-cho-nguoi-dan-1714968773.jpg
Trồng xen canh vừa tạo tiểu vùng khí hậu, vừa giúp tăng thu nhập cho người dân.

Giai đoạn 2022-2025, Đắk Nông đã ban hành kế hoạch thực hiện phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2025, tỉnh thực hiện chuyển đổi trên 2.860ha cây trồng và đến năm 2030 là khoảng 5.696ha./.

Kiến Giang