Nhận thấy cây rau má dễ trồng lại ổn định đầu ra, một nông dân ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, đã mạnh dạn đầu tư, trồng và thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nhờ trồng rau má đã giúp cho anh vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ấm no, trở thành hộ giàu trong xã.
Cụ thể, mô hình của anh Võ Thanh Beo (35 tuổi ở xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), đã chuyển đổi toàn bộ diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng cây rau má mang lại nguồn thu nhập cao, mở ra hướng sản xuất mới cho người dân ở huyện nông thôn mới nâng cao này.
Anh Beo chia sẻ, năm 2020 tôi chi gần 1,5 tỉ đồng đầu tư trồng rau má VietGap theo hướng công nghệ cao, lắp đặt hệ thống nhà kính, giàn thủy canh tưới tự động, máy sấy lạnh… trên diện tích 700 m2. Hệ thống chăm sóc hoàn toàn tự động, được thao tác trên điện thoại. Từ kinh nghiệm sẵn có của một kỹ sư nông nghiệp, anh Beo tự pha trộn phân, thuốc để rau phát triển tốt, khống chế được độ đắng, độ lạt của rau má.
Anh Võ Thanh Beo niềm nở cho biết: “Nói chung cây rau má ban đầu có chi phí đầu tư cao nhưng bù lại rau má cho thu nhập cao nên tôi quyết định đầu tư cho câu rau má. Từ ngày canh tác cây rau má đến nay kinh tế gia đình ổn định, nhờ vậy tôi lo cho con cái ăn học tốt hơn”.
Điểm đặc biệt của rau má trồng thủy canh là rau có dây, hoa, củ. Khi thu hoạch, cắt chừa từ 2 - 3 lá non để cây dễ quang hợp, phát triển lại nhanh. “Rau má chỉ lên giống 1 lần thôi rồi ăn dài dài tới. Cách 10 ngày có thể thu hoạch 1 lần. Khi nào kiểm tra thấy cây nào không phát triển nổi nữa, năng suất kém thì mình chiết giống những cốc rau má thủy canh tốt để thay và trồng lại trên giàn. Khoảng 15 - 20 ngày sau là có thể thu hoạch tiếp”, anh Beo chia sẻ.
Mỗi giàn chữ A có 2 mặt, mỗi mặt 8 tầng cho thu hoạch hơn 100 kg rau má/ngày. Thị trường chính là các chợ truyền thống, quầy rau an toàn, cửa hàng đặc sản, giá bán sỉ tại vườn từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Bên cạnh rau tươi, anh Beo còn chế biến thành bột rau má và đây là sản phẩm chủ lực. Bột thành phần 100% từ rau má vừa có thể làm thực phẩm vừa có thể dùng làm đẹp. Nhờ đó anh Beo có thu nhập từ 70 - 90 triệu đồng/tháng.
Anh Võ Thanh Beo tâm sự: “Sau thời gian đi làm xa xứ, tôi muốn quay trở về quê hương phát triển kinh tế để có thể góp phần xây dựng phát triển kinh tế địa phương. Nhiều lần tìm hiểu, tôi nhận thấy nhu cầu tiêu thụ cây rau má, đặc biệt là sản phẩm rau má sạch hiện nay của thị trường đang rất lớn. Trong khi đó, hiện nay nguồn rau má sạch cho người tiêu dùng trên thị trường là không nhiều. Từ thực tế đó, tôi bắt đầu tìm hiểu một số mô hình canh tác nông nghiệp công nghệ cao để tối ưu hóa chuỗi sản xuất rau má của mình. Sau hơn nửa năm mày mò, nghiên cứu, cuối tháng 3 vừa qua, sản phẩm rau má thủy canh của tôi chính thức ra mắt thị trường”.
Không dừng lại ở việc phát triển sản phẩm rau má tươi, hiện anh Võ Thanh Beo phát triển thêm hai dòng sản phẩm chế biến từ cây rau má là bột rau má và bột dây rau má uống liền, vì nhận thấy người tiêu dùng có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm như bột rau má uống liền.
Hiện tại bên cạnh việc phát triển các kênh tiêu thụ truyền thống, anh Beo còn đang phát triển thêm một số kênh tiêu thụ mới như bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo...
Anh Võ Thanh Beo chia sẻ: “Tôi đang tiến hành một số hồ sơ thủ tục để xin cấp chứng nhận rau má đạt chuẩn VietGAP. Trong năm nay, tôi sẽ cố gắng hoàn thiện các bước cuối cùng về đăng ký chứng nhận nhãn hiệu, thiết kế bao bì hoàn chỉnh để sản phẩm có thể đến được với các phân khúc thị trường chuyên nghiệp hơn. Sau khi hoàn tất các công đoạn cuối, tôi sẽ tiếp cận một số kênh tiêu thụ chuyên nghiệp như các sàn thương mại điện tử, siêu thị và định hướng lâu dài là sẽ hướng đến thị trường xuất khẩu...”.
“Mô hình trồng cây rau má của hộ anh Beo đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm cho lao động địa phương. Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây rau má, đồng thời nhân rộng mô hình trong toàn xã, thời gian qua chính quyền địa phương đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn cho người dân phương thức sản xuất rau an toàn. Đồng thời, tăng cường liên kết các doanh nghiệp bao tiêu nhằm giúp người dân ổn định đầu ra, yên tâm sản xuất, đại diện lãnh đạo xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh cho biết.