Động lực mới để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu

Trước mắt, yếu tố dịch bệnh vẫn tiềm ẩn, nếu xuất hiện những bùng phát lớn về dịch bệnh thì vẫn có thể có tác động nhất định đến hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu trong năm 2022.
11-trai-cay-dapb-1638796687.jpg
Các doanh nghiệp Việt đã tìm thêm được nhiều thị trường mới cho trái cây, nông sản Việt thay vì tập trung nhiều vào thị trường Trung Quốc như trước đây

Theo số liệu thống kê, tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt gần 300 tỷ USD (299,67 tỷ USD), tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 5,5%). Mục tiêu về đích giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu 600 tỷ USD, riêng xuất khẩu 300 tỷ USD và cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu năm nay cơ bản đã đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Về mặt thị trường, thị trường xuất khẩu được mở rộng theo hướng đa dạng hóa và tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Ví dụ như các thị trường trong khối Liên minh châu Âu (EU), các thị trường mới trong Hiệp định CPTPP như Mexico, Canada, Peru… đều cho thấy các con số tăng trưởng rất tốt.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, mặc dù có được những con số khả quan nhưng chúng ta vẫn đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn. Trước hết, hiện nay tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP, qua đó giúp cho các doanh nghiệp yên tâm hơn trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, tại từng thời điểm hoặc từng lúc, từng chỗ thì việc dịch bệnh bùng phát cũng ảnh hưởng nhất định đến hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu.

Thứ hai, cũng từ yếu tố dịch bệnh dẫn đến các chi phí, đặc biệt là những chi phí về vận chuyển bằng đường biển, chi phí về nguyên liệu cũng có sự gia tăng, vì vậy đã tạo sức ép cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu.

Một điểm nữa chúng ta cũng thấy, với một số mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc - hiện nay Trung Quốc đang tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tại cửa khẩu. Và đặc biệt từ ngày 01/01/2022 tới, Trung Quốc sẽ siết chặt các quy định về kiểm tra, nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm. Các doanh nghiệp cũng cần phải nắm bắt được những thông tin này để không bị ảnh hưởng trong quá trình xuất khẩu sang thị trường này.

Dự báo về tình hình xuất nhập khẩu năm 2022, ông Trần Thanh Hải cho rằng, trước mắt yếu tố dịch bệnh vẫn tiềm ẩn, nếu xuất hiện những bùng phát lớn về dịch bệnh vẫn có thể có tác động nhất định đến hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu.

“Thế nhưng, về cơ bản với cơ sở hạ tầng cũng như lực lượng lao động mà chúng ta vẫn đang duy trì được như hiện nay, chúng ta vẫn có thể tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng như trong thời gian vừa qua, đặc biệt là khi chúng ta có những Hiệp định thương mại mới từ đầu năm 2022 - Hiệp định Thương mại tự do RCEP có hiệu lực cũng sẽ tạo thêm xung lực mới để các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu ra các thị trường...”, ông Trần Thanh Hải nhận định./. 

Thanh Tùng và Nguyễn Đỗ