Đổi tên và sính chữ

Trường Đại học Xây dựng (thành lập từ năm 1966), được (bị) đổi tên thành trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
thay-doi-ho-ten-2508145807-1642205630.jpg
Minh họa

Sắp tới, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (PCCC) đổi thành Trường Đại học Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Không biết đổi tên để làm gì mà lâu nay, ở nước ta, người ta ham đổi tên như vậy! Mỗi lần đổi tên địa phương, tên cơ quan, doanh nghiệp, trường học... không những tốn kém tiền bạc của nhà nước mà còn đánh mất những thương hiệu sau nhiều năm gây dựng; đánh mất những giá trị lịch sử gắn với tên gọi và để lại nhiều hệ lụy không đáng có cho người dân.

Điều đáng nói là, nhiều sự thay tên, thoạt nghe đã thấy vô nghĩa, thiếu tính nhân văn. Chẳng hạn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô lại đổi thành Bệnh viện Hữu nghị. Đành rằng, nhà nước Liên Xô đã tan rã. Nhưng có một nhà nước Liên Xô vẫn tồn tại trong lịch sử và tình cảm cao cả của nhân dân Liên Xô dành cho nhân dân Việt Nam, gắn với các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp, không thể lãng quên! Chưa kể, xét về mặt ngôn ngữ, cụm từ “Bệnh viện Hữu nghị” vô nghĩa!

Lại nữa, “Trường Đại học Tổng hợp” - tên hay như vậy mà bị đổi thành: “Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn” và “Trường Đại học Khoa học Tự nhiên”. Thử hỏi, Trường Đại học Văn hóa, Trường Đại học Sư phạm v.v. không mang tính xã hội và nhân văn hay sao! Lại nữa, “Viện Khoa học công nghệ Việt Nam, đổi thành “Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam”.  "Hàn lâm" chiết tự là “rừng bút”. Không hiểu thêm chữ “hàn lâm” để làm gì?

...Bây giờ, giữa lúc cả nước đang căng mình chống dịch thì Trường Đại học Xây dựng và Đại học PCCC lại đổi tên! Chưa biết đổi tên 2 trường đại học này mang lợi ích gì, riêng việc thay đổi con dấu, với cái tên “Trường Đại học Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ” dài thế này, tôi tin rằng, phải soi kính lúp mới đọc được chữ trên con dấu! Các khu chung cư bây giờ mới thật lạ có 8 tòa nhà cáo tâng ở một khu lẽ ra chỉ cần A1, A2, A3, B1, B2, B3.. là đủ đằng này CT2ĐN3 chả biết bày ra như thế để làm gì? Hồi xưa đi học cứ cấp 1, cấp 2, cấp 3, bây giờ tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông. Bà chị tôi vốn quê mùa, tôi hỏi chuyện học hành của các cháu, bà bảo, câu hỏi lớp mấy thì tôi biết chứ cấp mấy thì tôi chịu. Dẫn chứng thì nhiều nhưng sực nhớ ra dân mình thích lạ và sính chữ, không nói nữa./.

Minh Cao