Doanh nghiệp Việt - Đức hợp tác vì phát triển xanh TP. Hồ Chí Minh

Diễn đàn Tăng trưởng xanh Việt Nam - Đức với chủ đề “Hợp tác vì phát triển xanh Thành phố Hồ Chí Minh” là cơ hội để các Sở, ngành, lãnh đạo Thành phố lắng nghe những chia sẻ, bài học kinh nghiệm trong phát triển kinh tế xanh của Đức...
1-1711685036.jpg
Bà Cao Thị Phi Vân - Phó Giám đốc ITPC phát biểu tại Diễn đàn.

Cùng với cả nước thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, chiều ngày 28/3/2024, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Đức (GBA) tại TP. Hồ Chí Minh và Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) đã tổ chức Diễn đàn Tăng trưởng xanh Việt Nam - Đức với chủ đề “Hợp tác vì phát triển xanh Thành phố Hồ Chí Minh”.

Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố sôi động, trung tâm Kinh tế - Văn hoá - Khoa học công nghệ của Việt Nam, Thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, đóng góp hơn 16% GDP và 25% ngân sách cả nước. Với dân số cơ học hơn 10 triệu người, có hơn 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có gần 15.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang đầu tư, kinh doanh tại Thành phố, tầng lớp trung lưu cũng ngày càng phát triển, cho thấy kinh tế của TP. Hồ Chí Minh đã phục hồi nhanh sau dịch Covid-19 và tương đối ổn định.

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Cao Thị Phi Vân - Phó Giám đốc ITPC nhấn mạnh: “Diễn đàn là cơ hội giúp cập nhật môi trường đầu tư cũng như cơ chế phát triển mới của Thành phố Hồ Chí Minh đối với các nhà đầu tư Châu Âu, đặc biệt là nhà đầu tư Đức; khai thác tiềm năng hợp tác đầu tư giữa Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành lân cận và các nước Châu Âu trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo; đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ, kết nối và thúc đẩy hợp tác, giao thương trong thời gian tới với doanh nghiệp Châu Âu”.

2-1711685078.jpg
Ông Alexander Ziehe - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Diễn đàn.

TP. Hồ Chí Minh luôn xác định vai trò và sứ mệnh tiên phong của mình trong triển khai các chiến lược, giải pháp cụ thể, trong đó tập trung phát triển công nghệ cao, chip, bán dẫn, kinh tế số, kinh tế xanh. Trong đó, Thành phố đã hoàn thiện khung chiến lược tăng trưởng xanh đến 2030 (tầm nhìn 2050) xác định lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm chuyển đổi. Các giải pháp này không chỉ áp dụng cho TP. Hồ Chí Minh mà còn là hình mẫu thử nghiệm cho 36 tỉnh, thành liên kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có các tỉnh vùng Tây Nguyên cùng nghiên cứu và áp dụng tại địa phương.

Thành phố xác định sứ mệnh là địa phương đi đầu, nhận những nhiệm vụ lớn nhất trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, góp phần để thực hiện các cam kết quốc gia trong hợp tác quốc tế. Là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất, đóng góp 1/5 GDP quốc gia, hơn một 1/4 thu ngân sách, dẫn đầu về thu hút FDI của cả nước, TP. Hồ Chí Minh được đánh giá là nơi tốt nhất để thử nghiệm các chính sách thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhờ đặc thù về đô thị, quy mô dân số và tính năng động của nền kinh tế.

3-1711685122.jpg
Diễn đàn Tăng trưởng xanh Việt Nam - Đức với chủ đề “Hợp tác vì phát triển xanh Thành phố Hồ Chí Minh” thu hút đông đảo lãnh đạo các doanh nghiệp tham dự.

Ông Alexander Ziehe - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tăng trưởng xanh mở ra cơ hội mới cho nền kinh tế và doanh nghiệp để nâng cao sự cạnh tranh. Mô hình kinh doanh mới đang được triển khai, công nghệ mới đang nổi lên và toàn bộ chuỗi cung ứng đang biến đổi. Việt Nam đã tận dụng các đối tác công tư, sự mở cửa cho các cải cách chính sách và cộng đồng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh có mạng lưới các công ty, trường đại học và đối tác đã thúc đẩy những ý tưởng mới và thực hiện sự thay đổi”.

Có thể nói, Diễn đàn Tăng trưởng xanh Việt Nam - Đức với chủ đề “Hợp tác vì phát triển xanh Thành phố Hồ Chí Minh” là cơ hội để các Sở, ngành, lãnh đạo Thành phố lắng nghe những chia sẻ, bài học kinh nghiệm trong phát triển kinh tế xanh của Đức; những gợi ý mà các đại biểu, lãnh đạo các doanh nghiệp chia sẻ là nguồn chất liệu để Thành phố hoàn thiện “Khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030 tầm nhìn 2050” và các chính sách liên quan trong lộ trình xây dựng nền kinh tế xanh cũng như triển khai các chương trình hành động sắp tới. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục nỗ lực để luôn là điểm đến hấp dẫn và mở ra nhiều cơ hội hợp tác đối với các doanh nghiệp Châu Âu nói chung và Đức nói riêng, giúp hai bên phát huy nhiều hơn nữa tiềm năng hợp tác trong năm 2024 và những năm tiếp theo./.

Đạm Quang Lê