Doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ đuối sức vì thiếu vốn, khó mở rộng thị trường tiêu thụ

Ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trước bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, hậu quả của đại dịch Covid-19 còn nặng nề, thì cơn bão số 3 hồi đầu tháng 9 vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến các vùng nguyên liệu của làng nghề thủ công mỹ nghệ khiến lĩnh vực này đã gặp khó lại càng thêm khó.
phat-trien-thu-cong-my-nghe-3-1729991076.jpg
Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ với nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú. (Ảnh minh họa)

Cả nước có 774.392 cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm thủ công mỹ nghệ

Thông tin tư Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện nay cả nước có 774.392 cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tập trung nhiều ở nhóm đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thêu ren, cơ khí nhỏ.

Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ với nhiều mặt hàng được sử dụng rộng rãi ở các nhóm sản phẩm như: gốm, sứ, đan lát, thêu dệt, sơn mài, gỗ và các nhóm còn lại. Nhà nước đã có chiến lược bảo tồn, phát triển các làng nghề nông thôn, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, định hướng kết hợp với các tour du lịch trải nghiệm ở các vùng miền khác nhau. Bên cạnh đó, truyền thông, quảng bá hình ảnh sản phẩm ra thị trường ngày càng được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, ngành thủ công mỹ nghệ cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Yến - Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn: Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tuy đã cải tiến về mẫu mã nhưng tính thẩm mỹ, tính nghệ thuật chưa cao; còn sử dụng nguyên liệu ảnh hưởng đến môi trường và vẫn còn nguyên liệu chưa rõ nguồn gốc.

"Sự liên kết trong tổ chức sản xuất còn hạn chế. Chúng ta phát triển làng nghề mang tính tự phát, chưa có sự tập trung đầu tư xây dựng một làng nghề chuẩn đảm bảo từ thương hiệu, sản phẩm, sản xuất, thương hiệu gắn với quảng bá sản phẩm. Đào tạo theo xu hướng phát triển của lĩnh vực thủ công mỹ nghệ thế giới còn nhiều hạn chế. Vấn đề nữa là chúng ta chưa có những làng nghề gắn với phát triển cơ sở hạ tầng" - Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến lý giải nguyên nhân.

phat-trien-thu-cong-my-nghe-6-1729991112.jpg
Các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ hiện nay đa phần là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh.(Ảnh minh họa)

Các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ hiện nay đa phần là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh. Sau đại dịch COVID-19, thị trường chững lại, nhiều doanh nghiệp lại tiếp tục gặp khó khăn về vốn.

Về nguồn nhân lực, cả nước hiện có 2.107 nghệ nhân, 571 nghệ nhân cấp tỉnh và 1.322 thợ giỏi thuộc lĩnh vực ngành nghề nông thôn với gần 1.400 làng nghề truyền thống. Số lao động trong các làng nghề là hơn 1,4 triệu lao động, trong đó có hơn 91% là lao động thường xuyên.

Tuy nhiên, không ít cơ sở sản xuất kinh doanh than phiền về thiếu hụt người làm, bởi lao động của ngành đa số đã nhiều tuổi, trong khi giới trẻ lại không hứng thú với việc học nghề này nên việc đào tạo lao động và truyền nghề cũng hạn chế.

phat-trien-thu-cong-my-nghe-2-1729991059.jpg
Sức sống, sức sáng tạo của các nghệ nhân, doanh nghiệp, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam rất dồi dào, có thể tiếp tục vươn lên. (Ảnh minh họa)

Ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trước bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, hậu quả của đại dịch Covid-19 còn nặng nề, thì cơn bão số 3 hồi đầu tháng 9 vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến các vùng nguyên liệu của làng nghề thủ công mỹ nghệ khiến lĩnh vực này đã gặp khó lại càng thêm khó:

"Nhiều doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ đã phá sản và nghệ nhân gặp rất nhiều khó khăn, khó trong cả tiêu thụ hàng hóa. Tuy nhiên sức sống, sức sáng tạo của các nghệ nhân, doanh nghiệp, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam rất dồi dào, có thể tiếp tục vươn lên" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Chủ động khia mở thị trường và phát huy vai trò các hiệp hội ngành thủ công mỹ nghệ

Trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã xác định thủ công mỹ nghệ là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa mà Việt Nam cần ưu tiên phát triển.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, để ngành thủ công mỹ nghệ vượt qua những thách thức trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và các tiêu chí ngày càng cao của thị trường, Sở Công thương đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt là các hoạt động xúc tiến thương mại.

Sở đã giao cho Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tổ chức nhiều hội chợ, triển lãm, như Hội chợ quốc tế Hanoi Gift Show, Hanoi Great Souvernirs nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường, kết nối kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm TCMN.

Mới đây, ngày 27/8/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước. Đây là văn bản quan trọng, làm cơ sở để các bộ ngành, trong đó có ngành Công Thương tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, mở rộng thị trường hàng hóa nói chung, đặc biệt là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Các hoạt động kết nối giao thương, kích cầu tiêu dùng trong nước đối với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sẽ góp phần từng bước mở rộng thị trường còn nhiều tiềm năng này.

phat-trien-thu-cong-my-nghe-1-1729991246.jpg
Các hoạt động kết nối giao thương, kích cầu tiêu dùng trong nước đối với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sẽ góp phần từng bước mở rộng thị trường còn nhiều tiềm năng này. (Ảnh minh họa)

Để các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam có vị thế trên thị trường thế giới, bên cạnh nhóm giải pháp về các mặt kinh tế - xã hội, môi trường và thể chế, quy hoạch tổng thể phát triển ngành, cần phải đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong thiết kế mẫu mã và sản xuất, xúc tiến thương mại, xây dựng mạng lưới tiêu thụ, xuất khẩu.

Cùng với đó, cung cấp thông tin thường xuyên về thị trường, những quy định về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, thị hiếu tiêu dùng để cơ sở sản xuất làng nghề có cơ sở định hướng sản xuất, xuất khẩu phù hợp.

Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, việc xây dựng mạng lưới tiêu thụ và xuất khẩu, nâng cao vai trò và hiệu quả của các hiệp hội ngành cũng là những yếu tố quan trọng. Trong thời gian tới, việc xây dựng một bộ luật riêng cho làng nghề sẽ là bước đột phá, tạo điều kiện bảo tồn và phát triển bền vững các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ.

Ngành cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của các nhóm mặt hàng chủ lực, gia tăng giá trị sản phẩm và đa dạng hóa mẫu mã để đáp ứng nhiều phân khúc thị trường khác nhau. Đồng thời, việc hợp chuẩn quốc tế cũng là yếu tố không thể thiếu để các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam vươn xa hơn trên trường quốc tế./.

Bình Châu