Doanh nghiệp thành lập mới tháng 11 giảm cả lượng lẫn vốn

Mặc dù số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 11 tháng vẫn có xu hướng tăng, nhưng quy mô vốn đăng ký của doanh nghiệp mới bắt đầu ghi nhận xu hướng chững lại so với cùng kỳ.

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 11/2022, cả nước có 11.943 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 104,5 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 74.000 lao động, giảm 8,3% về số doanh nghiệp, giảm 2,3% về vốn đăng ký và giảm 3,7% về số lao động so với tháng 10/2022. So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 0,3% nhưng số vốn đăng ký lại giảm 30,3% và số lao động cũng giảm 3,4%. 

Tình hình kinh tế thế giới đã và đang có nhiều biến động phức tạp (giá năng lượng, hàng hóa cơ bản tăng mạnh, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia, đối tác lớn của nước ta; xung đột Nga – Ukraine khiến xu hướng mua sắm của người tiêu dùng trên thế giới giảm mạnh...), tác động đến quá trình phục hồi của nền kinh tế thế giới sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Điều này đã khiến cộng đồng doanh nghiệp đối mặt với khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, thiếu hụt nguồn tiền cho việc khôi phục sản xuất, duy trì hoạt động kinh doanh... Do vậy, nhiều doanh nghiệp phải lựa chọn giải pháp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể.

dnvvn-1669710207.jpg
Trong tháng 11/2022, cả nước có 10.523 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, đơn hàng cho năm 2023 với nhiều ngành xuất khẩu chủ lực đều sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt với các ngành dệt may, da giày, nội thất, nhôm công nghiệp, sắt thép, xi măng... Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân công, giảm quy mô sản xuất trong các tháng cuối năm 2022. Điều này khiến 2 tháng qua, quy mô vốn đăng ký trên doanh nghiệp có xu hướng giảm, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới có xu hướng giảm dần trong những tháng cuối năm. 

Phải thấy rõ, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 11 tháng đầu năm 2022 tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, số vốn đăng ký tăng thêm tăng 34,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 11 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 10,8 tỷ đồng, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm 2021. 

Nếu so sánh cùng kỳ năm 2020 và năm 2019 thì tỷ lệ giảm tương ứng là 28,8% (Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp 11 tháng năm 2020 là 15,1 tỷ đồng ) và 13,3% (Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp 11 tháng năm 2019 là 12,4 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 11/2022 là 104.490 tỷ đồng, giảm 2,3% so với tháng 10/2022 (106.916 tỷ đồng), trong khi đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong tháng tháng 10/2022 cũng giảm 21,4% so với tháng 9/2022 (136.029 tỷ đồng). 

Nếu chỉ tính riêng trong tháng 11/2022 thì số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới chỉ đạt 104.490 tỷ đồng, giảm 30,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021, giảm 2,3% so với tháng 10/2022 và là mức thấp nhất trong giai đoạn tháng 11 của các năm từ 2017 đến nay. 

Từ đó có thể thấy, việc khó khăn về dòng tiền, bao gồm vốn lưu động và vốn đầu tư trung, dài hạn đang đặt doanh nghiệp vào những tình thế hết sức cấp bách, khó khăn với bài toán duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Hương Lan