Mới đây, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may (VITAS) Trương Văn Cẩm cho biết, năm 2021, mặt hàng xơ, sợi có tốc độ tăng trưởng vượt trội trong toàn ngành. Kim ngạch xuất khẩu dự tính đạt 5,5 tỷ USD, tăng 47,7% so với năm 2020 và 32% so với năm 2019; trong đó, thị trường nhập khẩu chính là Trung Quốc.
Theo đánh giá của các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán VnDirect, giá trị xuất khẩu sợi không bị ảnh hưởng bởi COVD-19 do là ngành không cần nhiều lao động. Đặc biệt, giá sợi đã tăng 25% do năng suất sản xuất của vụ bông vừa qua thấp và sản lượng bông tồn kho toàn cầu cũng giảm đáng kể. Cùng với đó, dịch bệnh kéo theo nhu cầu nhu cầu tiêu thụ sợi toàn cầu tăng lên để đáp ứng các đơn hàng thiết bị bảo vệ cá nhân như khẩu trang.
Ở góc độ quan sát của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) về diễn biến xuất, nhập khẩu mảng xơ, dệt sợi trên thế giới, trước xu hướng sự dịch chuyển các đơn hàng rời khỏi Trung Quốc, Việt Nam trở thành nước được hưởng lợi, lượng nhập khẩu xơ, sợi của Việt Nam tăng mạnh, vượt qua Trung Quốc kể từ năm 2019. Việt Nam cũng lần đầu tiên vượt Hàn Quốc trở thành nước xuất khẩu xơ, sợi lớn thứ 6 trên thế giới.
Ngoài ra, nhờ khả năng chống dịch giai đoạn này tốt hơn các nước xuất khẩu xơ, sợi khác, Việt Nam trở thành điểm sáng giữa các quốc gia đang phát triển khác đang vật lộn vì dịch bệnh, chứng kiến sự giảm mạnh trong nhập khẩu xơ, sợi như Bangladesh, Indonesia…
Không chỉ xuất khẩu, các hiệp định tương mại tự do gần đây của Việt Nam như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP đã làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sơ, sợi trong nước.
Theo đó, để được hưởng mức ưu đãi thuế quan của các hiệp định này, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần đáp ứng yêu cầu về quy tắc nguồn gốc xuất xứ rất chặt chẽ, thông thường là nguyên liệu phải đáp ứng được một tỷ lệ về hàm lượng nội khối nhất định. Như với hiệp định EVFTA, nguyên liệu phải có xuất xứ tại EU hoặc Việt Nam hoặc từ các đối tác có hiệp định thương mại tự do với EU; tương tự với hiệp định CPTPP. Vậy nên, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang dần chuyển đổi theo hướng gia tăng sử dụng nguyên phụ liệu sản xuất trong nước và giảm tỷ trọng các nguyên phụ liệu nhập khẩu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sợi nội địa đang được hưởng lợi từ thuế chống bán phá giá. Trong quý III vừa qua, các nhà sản xuất sợi nội địa đã phối hợp với các công ty tư vấn và làm việc với Cục Phòng vệ Thương mại Việt Nam về vụ kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm sợi polyester filament xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia.
Bộ Công Thương đã áp dụng mức thuế chống bán phá giá sơ bộ được áp dụng từ ngày 21/9, sau đó thuế suất chính thức được công bố vào ngày 13/10. Theo quyết định của Bộ Công Thương, hầu hết các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ phải đối mặt với mức thuế chống bán phá giá 17,45%. Trong khi các nhà sản xuất sợi của Ấn Độ, Indonesia và Malaysia sẽ chịu mức thuế lần lượt là 54,9%, 21,90% và 21,3%.
Giới phân tích đánh giá, động thái này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp sợi gia tăng thị phần tại thị trường nội địa, nhất là đối với phân khúc sợi tái chế và cải thiện biên lợi nhuận gộp trong năm 2022 – 2023. Với tín hiệu tăng trưởng lạc quan, nhiều doanh nghiệp đã mở rộng đầu tư, xây dựng các nhà máy mới hoặc nâng cấp công suất nhằm nắm bắt các cơ hội từ hiệp định thương mại tự do, cũng như đón đầu xu hướng trong tương lai.
Đơn cử như tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ đã thông qua phương án đầu tư dự án Nhà máy sản xuất sợi tổng hợp Unitex, nhằm tăng gấp đôi công suất với chi phí 120 triệu USD. Dự án này sẽ tập trung vào lĩnh vực sợi tái chế và sợi chất lượng cao với tổng công suất 60.000 tấn/năm. Cụ thể, giai đoạn 1 với công suất 36.000 tấn được khởi công vào năm 2021 và dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2023. Giai đoạn hai với công suất 24.000 tấn sẽ được thực hiện trong năm 2023 - 2025.
Trước đó, trong khi COVID-19 phủ bóng lên kết quả hoạt động kinh doanh của các công ty dệt may niêm yết trong quý III, các nhà sản xuất sợi đều đạt mức tăng trưởng doanh thu cao. Các doanh nghiệp niêm yết như Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ, Công ty cổ phần Damsan tăng trưởng hơn 43% và so với cùng kỳ. Sợi Thế Kỷ đã báo cáo kết quả kinh doanh quý III với doanh thu đạt 468 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu sợi tái chế chiếm tỷ trọng 48% và sợi thường chiếm 52%. Xét theo thị trường, nội địa và xuất khẩu tại chỗ đóng góp 58% trong khi xuất khẩu trực tiếp đóng góp 42%.
Về phía Công ty cổ phần Damsan, số liệu doanh thu hợp nhất của doanh nghiệp đạt khoảng 333 tỷ đồng, tăng trưởng 73%. Đại diện doanh nghiệp này cho biết, kết quả kinh doanh ấn tượng đến việc từ ký kết được nhiều hợp đồng xuất khẩu sợi CD và khăn sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Hiện Damsam đang sở hữu 80% tại Công ty cổ phần Sợi Eiffel có vốn điều lệ 175 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực dệt sợi. Đồng thời, nắm giữa 30% vốn góp tại Công ty cổ phần Viện - Dệt may Việt Nam với lĩnh vực chủ yếu sản xuất sợi, có vốn điều lệ 31,57 tỷ đồng.
So với các doanh nghiệp niêm yết, Tổng công ty cổ phần Phong Phú có kết quả doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý III thấp hơn. Tuy vậy, theo kế hoạch kinh doanh năm 2021, tại thời điểm kết thúc quý III, doanh nghiệp này đã hoàn thành vượt kế hoạch về lợi nhuận. Lũy kế sau 9 tháng năm 2021, Phong Phú đạt 1.172 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, lợi nhuận trước thuế đạt 298,8 tỷ đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu ngành dệt may, đặc biệt của các doanh nghiệp sợi nội địa ghi nhận sự tăng trưởng tích cực trong thời gian qua, thậm chí, thị giá cổ phiếu PPH của Tổng công ty cổ phần Phong Phú hiện ở mức 34.000 đồng, tăng trưởng hơn 50% so với thời điểm đầu năm. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/12, cổ phiếu STK của Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ có giá 62.500 đồng; cổ phiếu ADS của Công ty cổ phần Damsan có giá 34.700 đồng; các cổ phiếu này đều có mức tăng trưởng hơn 30% so với thời điểm đầu năm./.