Doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng sản xuất tại Việt Nam

Thời gian gần đây, doanh nghiệp Nhật Bản mang sản phẩm và dịch vụ đến thị trường Việt Nam ngày càng gia tăng thay vì chỉ là điểm đến đầu tư cho sản xuất công nghiệp chế tạo của nhiều năm trước. Các nhà đầu tư Nhật Bản đang cho thấy xu hướng hoàn thiện chuỗi cung ứng, tối ưu kinh doanh khi không ít đơn vị đầu tư cả vào mảng sản xuất và phân phối.
nhat-ban-1701682501.jpg
Ảnh minh họa.

Theo ghi nhận, sau 4 năm có mặt tại Việt Nam, hãng thời trang Nhật Bản UNIQLO đã liên tục mở rộng kinh doanh. Số cửa hàng tăng gần gấp 4 lần với khoảng 1.000 nhân viên.

Tập đoàn Fast Retailing, công ty mẹ của UNIQLO cũng có kế hoạch tiếp tục làm việc với các nhà máy đối tác tại Việt Nam. Hãng này hy vọng sẽ tăng tỷ lệ các sản phẩm Made in Vietnam được bán tại các cửa hàng trong nước sắp tới.

Ông Nishida Hideki, Tổng Giám đốc UNIQLO Việt Nam cho biết, tính đến năm 2022, tại những cửa hàng của chúng tôi tại Việt Nam, hơn 50% sản phẩm là "Made in Vietnam". Chúng tôi đang nỗ lực để tăng tỷ lệ này trong tương lai. Đây không chỉ là thị trường về khách hàng mà còn là thị trường sản xuất của chúng tôi hơn 20 năm qua. Sản phẩm được sản xuất ở Việt Nam không chỉ có mặt tại 22 cửa hàng trong nước, mà còn ở hơn 2.400 cửa hàng trên toàn cầu.

Ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản tại TP HCM cũng cho hay, khoảng vài năm trở lại đây dòng vốn FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam bắt đầu có sự điều chỉnh với sự tham gia nhiều hơn của các dự án trong lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ hướng đến thị trường nội địa của Việt Nam và thị trường xuất khẩu nhằm tận dụng cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam đã tham gia.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Retail Solutions nhận định, hiện nay thị trường Việt Nam có yếu tố ổn định đó là lý do các thương hiệu nước ngoài đi đường dài được, đó là chưa nói về dân số trẻ.

Có thể thấy, việc nhiều nhà đầu tư FDI công bố kế hoạch mở rộng sản xuất và kênh phân phối tại Việt Nam, ngoài triển vọng thị trường khả quan còn đến từ hiệu quả của các Hiệp định Thương mại tự do.

Theo Tổng cục Thống kê, điểm sáng trong bức tranh kinh tế trong 11 tháng qua là thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng, với tổng số vốn 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này là nhờ môi trường đầu tư được giữ vững ổn định và hấp dẫn, cũng như việc nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ và Nhật Bản đang được kỳ vọng sẽ mở ra làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam.
Bảo Minh (t/h)