Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Vasep, Chủ tịch Ủy ban Hải sản thông tin, trong những năm qua, thủy sản Việt Nam đã phát triển thành ngành công nghiệp chế biến với giá trị xuất khẩu lên tới gần 9 tỷ USD.
Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trên thị trường thủy sản toàn cầu và ưu tiên phát triển ngành thủy sản bền vững, nâng cao đời sống người dân ven biển, góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo quốc gia.
Tuy nhiên, việc quản lý và khai thác nguồn lợi thủy hải sản còn nhiều hạn chế và phát triển thiếu bền vững, chưa đáp ứng đầy đủ các quy định pháp lý về quản lý nghề cá. Do đó ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu đã cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu vì chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo báo và không tuân thủ quy định (IUU).
Từ thời điểm bị cảnh báo thẻ vàng IUU, các doanh nghiệp hải sản Việt Nam với sự hỗ trợ của Chính phủ đã triển khai chương trình doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác thác IUU, tập trung vào các hoạt động đề xuất góp ý các văn bản quy phạm pháp lý của Chính phủ và hợp tác với các bên, quan hệ quốc tế; đồng thời, đẩy mạnh truyền thông trong chuỗi khai thác, thu mua, chế biến, xuất khẩu hải sản. Thế nhưng cho đến nay vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm khi khai thác và cần phải nhanh chóng giải quyết nếu không EC sẽ không gỡ thẻ vàng IUU, thậm chí có thể tăng lên thẻ đỏ.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, EU là đối tác thương mại quan trọng cũng là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam, có vai trò định hướng, mở đường cho thủy sản Việt Nam vươn ra thị trường thế giới. Trong 20 năm qua, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào EU đã tăng trưởng mạnh từ 90 triệu USD năm 1999, lên 1,5 tỷ USD vào năm 2017, nhưng từ khi "dính" thẻ vàng IUU thì kim ngạch xuất khẩu ngày càng sụt giảm.
Đặc điểm của ngành khai thác hải sản Việt Nam chủ yếu tổ chức ở quy mô nhỏ, hầu hết tàu các có công suất nhỏ, ngư dân hoạt động riêng lẻ, đánh bắt ven bờ, năng suất thấp, khai thác đa loài. Vấn đề hiện nay là vẫn còn ngư dân chưa nghiêm túc thực hiện quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, kiểm tra tàu cá ra, vào cảng chưa chặt chẽ, thông tin khai báo thiếu tin cậy liên quan trực tiếp đến quy định khai thác hợp pháp, có khai báo và tuân thủ quy định của EC. Đây cũng là mối đe dọa đối với mục tiêu phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm trong chiến lược phát triển ngành chế biến, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Trong 4 năm qua, Chính phủ, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp hải sản đã nỗ lực cải thiện theo các khuyến nghị của EC, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu để gỡ bỏ thẻ vàng IUU và kéo theo nhiều hệ lụy khác nếu không sớm gỡ được thẻ vàng. Trong trường hợp bị áp thẻ đỏ đồng nghĩa với việc hải sản khai thác của Việt Nam sẽ bị “cấm cửa” vào thị trường EU, ước tính ngành khai thác thủy sản sẽ mất khoảng 387 triệu USD/năm và tác động tiêu cực sang cả thủy sản nuôi trồng như: giảm mức độ uy tín, áp lực kiểm tra hải quan tăng lên... Đồng thời, nếu xuất khẩu sang EU gián đoạn trong 2 - 3 năm sẽ khiến quy mô ngày khai thác thủy sản Việt Nam bị thu hẹp khoảng 30%, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của nhiều người dân vùng biển.
Thông tin về kế hoạch chống khai thác IUU trong giai đoạn 2021 - 2022 của các doanh nghiệp hải sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Vasep cho biết, Ban điều hành IUU Vasep sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động mang lại kết quả trong 4 năm qua, cải thiện các hoạt động còn hạn chế, đồng hành với Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong nỗ lực gỡ thẻ vàng.
Theo đó, Vasep duy trì thường xuyên và tích cực xây dựng, góp ý các quy định, thủ tục hành chính liên quan đến kiểm soát IUU đối với hải sản khai thác trong nước và nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu.
Mặt khác, Vasep thực hiện hỗ trợ rà soát việc triển khai của doanh nghiệp liên quan đến thực hiện các quy định IUU khi xuất khẩu sang EU và Mỹ. Tiếp tục báo cáo online một số hình thức, bằng chứng việc duy trì thực hiện cam kết mà chương trình đã đề ra; duy trì sự phối hợp giữa các bên trong xác nhận, chứng nhận an toàn vệ sinh trên tàu cá.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tuyên truyền thực hiện các quy định khai thác hợp pháp, khai báo và tuân thủ theo khuyến nghị của EC trong toàn bộ chuỗi hải sản. Mục tiêu của thủy sản Việt Nam là đến cuối năm 2021 chấm dứt tình trạng tàu cá địa phương vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài và đến năm 2022 phải gỡ được “thẻ vàng” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Huỳnh Thanh Lĩn, đại diện Công ty TNHH Hải Vương cho rằng, những năm qua doanh nghiệp tham gia chương trình cam kết chống khai thác IUU, nhưng trên thực tế doanh nghiệp thu mua hải sản rất khó xác định hải sản đó có vi phạm IUU hay không vì không có đủ cơ sở dữ liệu đáng tin cậy.
Nhiều trường hợp doanh nghiệp mua nguyên liệu, chế biến xong, nhưng khi làm hồ sơ xuất khẩu mới biết nguyên liệu vi phạm và không thể xuất khẩu. Nếu xuất khẩu rồi mới phát hiện thì càng nguy hiểm hơn bởi sẽ bị EC tiến hành điều tra. Do vậy, để chống khai thác IUU đồng bộ trong toàn chuỗi, cần có cơ sở dữ liệu được kết nối, chia sẻ từ các Chi cục thủy sản địa phương, Ban quản lý các cảng cá và doanh nghiệp thu mua.
Thượng tá Nguyễn Đình Phúc, Phó trưởng phòng an ninh hàng hải, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển cho rằng, việc giám sát của các đơn vị dù sát sao đến đâu cũng chỉ giải quyết đươc phần ngọn của vấn đề khai thác IUU. Để khắc phục được thẻ vàng IUU phải giải quyết các tồn tại, vi phạm từ gốc, nghĩa là phải nâng cao nhận thức của người trực tiếp khai thác, có giải pháp gia tăng lợi ích kinh tế cho người chấp hành quy định so với những người khai thác không tuân thủ để tạo động lực thay đổi một cách tự giác, bền vững.