Trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 18,7 tỷ USD tăng 24% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may & sợi lần lượt đạt 14 tỷ USD (tăng 24% so với cùng kỳ) và 2,4 tỷ USD (tăng 11% so với cùng kỳ).
Kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc sang Mỹ đạt 7,6 tỷ USD (+27% so với cùng kỳ, chiếm 54% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc). Bất chấp áp lực lạm phát có thể cản trở nhu cầu may mặc ở các nước phát triển trong trung hạn, hầu hết các công ty sản xuất hàng may mặc trong nước đều có đơn đặt hàng sản xuất đến tháng 11/2022 do sự chuyển dịch đơn đặt hàng hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Theo các công ty sản xuất hàng may mặc trong nước, khách hàng đã rút ngắn thời gian đặt trước đơn hàng (ngoại trừ kỳ nghỉ lễ trong Q4) do lượng hàng tồn kho ở thị trường xuất khẩu ở mức cao và áp lực lạm phát. Trước đây, khách hàng thường đặt hàng trước 6 tháng thì nay chỉ đặt hàng trước 3 tháng.
Do đó, ước tính tăng trưởng doanh thu của các công ty sản xuất dệt may tại Việt Nam sẽ giảm tốc trong 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023. Các công ty cũng dự kiến chi phí sợi, vải, logistic và nhân công vẫn neo ở mức cao do giá dầu tăng và sự cạnh tranh trên thị trường lao động (chủ yếu với các nhà máy FDI). Điều này tác động tiêu cực đến toàn bộ chuỗi cung ứng hàng dệt may, từ nhà sản xuất đến nhà bán lẻ.
Được biết, uớc tính tăng trưởng doanh thu của các công ty sản xuất dệt may sẽ giảm tốc trong 6 tháng cuối năm nay và năm sau.
Một công nhân tại công ty cho biết, mấy tháng nay việc tăng ca đã giảm đi khá nhiều. Với người lao động không tăng ca đồng nghĩa với thu nhập ít đi.
Tuy nhiên, Hiệp hội dệt may dự báo từ giờ đến cuối năm các đơn hàng thu đông và thời trang sẽ nhiều hơn. Khó khăn chỉ là tạm thời do lao động Việt có thể may được những mẫu khó và giao hàng nhanh.
"Họ rút đi chủ yếu mặt hàng kỹ thuật thấp và mặt hàng lớn, doanh nghiệp chúng ta phải chuyển dịch sang mặt hàng khó như jacket thì khi đó có thể ổn định được đơn hàng. Khách hàng bao giờ cũng quan tâm chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng - đó chính là 2 yếu tố mạnh nhất của Việt Nam hiện nay", ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay.
Cập nhật triển vọng ngành dệt may, SSI Research cho biết, giá sợi nhập khẩu bình quân tăng 10% so với cùng kỳ trong 5 tháng năm 2022 do giá bông và dầu tăng lên, cùng với chi phí logistic neo ở mức cao.
Theo Sunsirs, giá sợi polyester và sợi bông ở Trung Quốc đều tăng từ 10% -18% so với cùng kỳ trong 5 tháng năm 2022. Điều này dẫn đến chi phí vải tăng lên và ảnh hưởng đáng kể đến biên lợi nhuận gộp của các công ty sản xuất trong nước - đặc biệt là những doanh nghiệp có phần lớn đơn hàng FOB (như MSH và TCM).