Triển vọng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc trong bối cảnh mới

Nhằm làm rõ triển vọng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong bối cảnh mới, sáng 28/4/2023, Bộ Công Thương tổ chức “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 4/2023”, với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và các bộ, ngành, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, các Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam ở nước ngoài…, các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên cả nước.

Thời gian qua, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đã khiến tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa quý I/2023, chỉ đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, xuất khẩu giảm 11,9%; nhập khẩu giảm 14,7%. Nửa đầu tháng 4/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 26 tỷ USD, giảm 15% so với nửa cuối tháng 3/2023 và giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022.

Trước tình hình này, Bộ Công Thương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu, trong đó đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại khai thác các thị trường có FTA, khai mở thị trường mới, có tiềm năng để xuất khẩu hàng hóa và thúc đẩy sản xuất trong nước.

9bd3594ad4680b365279-1682656765.jpg
Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 4/2023. Ảnh: Hương Lan

Trong số các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, Trung Quốc đang giữ vị thế là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. 3 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt trên 45 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 11,5 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm 2022. Nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt trên 23,5 tỷ USD, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm 2022. Dù vậy, xét trong bối cảnh thương mại chung và so sánh với nhiều thị trường khác, trong quý I/2023 vừa qua, khi nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm sâu nhưng Trung Quốc – thị trường tiêu thụ chủ lực đa dạng mặt hàng của Việt Nam, gần gũi về địa lý, thuận tiện trong thông thương, vẫn là thị trường còn nhiều điểm sáng, nhiều dư địa, dự báo với nhiều kỳ vọng cho các đơn hàng trong những quý tiếp theo.

Tuy nhiên, với nhiều chủ trương, chính sách mới trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt kể từ khi Trung Quốc dỡ bỏ chính sách “Zero-covid” sau một thời gian dài hạn chế giao thương và mở cửa trở lại từ hồi đầu năm nay, thị trường gần 1,5 tỷ dân này không còn “dễ tính” trong nhập khẩu đối với đa dạng các mặt hàng, trong đó có các mặt hàng nông sản, thực phẩm. Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc cũng rất lớn vì các nhà xuất khẩu và các thương gia nhiều nước cũng tập trung vào thị trường này sau mở cửa. Điều này đòi hỏi các cơ quan, lực lượng chức năng của Việt Nam và các doanh nghiệp cần nắm bắt rõ thông tin, triển khai đồng bộ các giải pháp để hàng hóa xuất khẩu thuận lợi vào thị trường này.

Chia sể sâu hơn về thị trường Trung Quốc tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phân tích: Năm 2022, GDP của Trung Quốc đã đạt đến mức trên 135.000 tỷ Nhân dân tệ; tương đương với 19.605 tỷ USD, xếp thứ 2 thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ đạt 23.000 tỷ USD. Hiện, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nước ta, bởi Việt Nam nhập khẩu lớn nhất là từ Trung Quốc. Về thị trường xuất khẩu của Việt Nam, Trung Quốc xếp thứ hai; thứ nhất là Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Việt Nam luôn là nước nhập siêu của Trung Quốc.

xt-320230428094326-1682656765.jpg
Các Hiệp hội ngành hàng tham gia Hội nghị chia sẻ nhận định đánh giá, kinh nghiệm trong quá trình tham gia giao thương với Trung Quốc.

Bộ trưởng đánh giá, Trung Quốc hiện vẫn là nước đông dân nhất thế giới, gấp hơn 14 lần dân số nước ta. Trung Quốc là nước sở hữu rất nhiều tài nguyên khoáng sản. Trung Quốc có chung đường biên giới, cả trên bộ và trên biển và thậm chí là đường hàng không với Việt Nam. Trung Quốc có truyền thống văn hóa, tập quán tiêu dùng tương đồng với người Việt và cũng đã có quan hệ kinh tế thương mại với Việt Nam từ ngàn đời nay. Trung Quốc cũng đã có thỏa thuận hợp tác song phương với chúng ta và là thành viên trong các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Việt Nam Trung Quốc, ASEAN, Trung Quốc, RCEP... Như vậy, chúng ta khẳng định rằng, quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn là ưu tiên trong chính sách thương mại.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng lưu ý thị trường Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, không phải cái gì thị trường Trung Quốc cũng chấp nhận, không phải hàng hóa nào, tiêu chuẩn nào người Trung Quốc cũng chấp nhận - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh và cho biết các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc khá tương đồng với Việt Nam, hàng hoá của chúng ta cũng đối diện với sự cạnh tranh. Đặc biệt, khi Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế sau Covid-19 thì vừa là thời cơ, vừa là thách thức rất lớn đối với chúng ta. Như vậy, chúng ta phải nhận diện trúng, đánh giá đúng tình hình thị trường Trung Quốc hiện nay, để khai thác thế mạnh và lợi thế đối với thị trường này.

Còn theo ông Đinh Thành Công, Công sứ, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho biết: "Mặc dù, trong quý I/2023, tình hình hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc có nhiều khó khăn, suy giảm 5%. Tuy nhiên, so với các đối tác khác, suy giảm của Việt Nam ở mức nhẹ. Ngoài ra, tiềm năng phục hồi và thúc đẩy xuất khẩu xuẩu của Việt Nam sang Trung Quốc còn nhiều tiềm năng khi thị trường này mở cửa trở lại, nội nhu cao, dư địa ở khu vực miền Tây và miền Đông của Trung Quốc chưa được khai thác hết".

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Chiến lược Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood cho thấy, để tăng cơ hội xuất khẩu vào Trung Quốc, hiện DN đã chuẩn bị xây dựng xong trung tâm “Made in Việt Nam” tại Trung Quốc. Đây sẽ là nơi để doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm nông sản sạch của Việt Nam đến thị trường Trung Quốc. “Doanh nghiệp đã nghiên cứu sâu thị trường Trung Quốc và từ lâu đã xuất khẩu sang thị trường này nhiều nhóm mặt hàng, đáp ứng mọi tiêu chuẩn của Trung Quốc đặt ra. Trong đó, chú trọng các vùng nguyên liệu hữu cơ tại Việt Nam, đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của phía Trung Quốc. Doanh nghiệp mong muốn Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc sẽ tạo điều kiện tốt nhất, để doanh nghiệp đưa các dòng sản phẩm nông sản sạch của Việt Nam mở rộng tiếp cận thị trường này”, ông Dũng đề xuất.

Dự báo từ cơ quan thương vụ và các chi nhánh thương vụ tại Trung Quốc cũng cho thấy, nền kinh tế Trung Quốc có xu hướng ổn định và phục hồi tương đối rõ ràng trong quý I và dự báo sẽ bước vào thời kỳ phục hồi nhanh chóng trong quý II năm nay. Mặt khác, hoạt động thông quan hàng hóa tại các cặp cửa khẩu biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục đi vào ổn định, hiệu suất thông quan được nâng cao sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa hai bên trong thời gian tới.

Ông Lương Văn Tài, Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết, từ tháng 4/2023, Quốc vụ Viện Trung Quốc ban hành “Ý kiến về thúc đẩy ổn định quy mô và cơ cấu ngoại thương”, trong đó đáng chú ý là việc sửa đổi “Biện pháp quản lý thương mại cặp chợ biên giới” nhằm tạo môi trường, chính sách đa dạng hóa thương mại cặp chợ biên giới, tăng cường nhập khẩu từ các nước lân cận. Đặc biệt, từ đầu năm nay, Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy triển khai các chính sách mới nhằm hỗ trợ tăng trưởng ngoại thương. Theo đó, tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ thông qua việc tiếp cận vốn, bảo hiểm xuất khẩu; tạo thuận lợi hóa thương mại, thông quan hàng hóa./.

Đông Nghi