Doanh nghiệp cần cơ chế, chính sách đột phá để vượt khó

Việc tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm đã khiến nhiều doanh nghiệp lại rơi vào thế bị động khi bị hủy đơn hàng hàng loạt, doanh số sụt giảm.
smartphone-1695180357.jpg
Doanh nghiệp cần cơ chế và chính sách đột phá để vượt qua khó khăn. Ảnh minh họa

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI, tiếp cận vốn đang là vấn đề lớn nhất đối với doanh nghiệp trong năm 2022, với khoảng 55,6% doanh nghiệp phản ánh, tăng liên tục từ con số 34,8% của năm 2019, 40,7% của năm 2020 và 46,9% của năm 2021. Điều đó cho thấy, doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải đối diện với khó khăn, thách thức, nhất là về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính.

Tại tọa đàm “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó”, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) Lê Hồng Thủy Tiên cho rằng, nếu như trong năm 2021 - 2022, doanh nghiệp rơi vào khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, giãn cách xã hội, lạm phát tăng cao, giá xăng dầu tăng, cước vận tải tăng… thì đến năm nay lại rơi vào thế bị động khi bị hủy đơn hàng hàng loạt, doanh số sụt giảm. Do đó, các doanh nghiệp cần cơ chế, chính sách đột phá nhằm tăng cường nội lực và vượt khó.

Bà Lê Hồng Thủy Tiên kiến nghị, chính sách thuế tài chính, hỗ trợ lãi vay cần giải pháp cụ thể cho từng nhóm doanh nghiệp, cần có cơ quan độc lập đánh giá để điều chỉnh hỗ trợ một cách hiệu quả hơn. Đồng thời, cần gỡ bỏ những rào cản đối với doanh nghiệp, rà soát những quy định thiếu thực tế, không đặt ra những quy định cao hơn khu vực, thế giới hoặc cao hơn mức cần thiết để tránh lãng phí nguồn lực doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, GS.TS Tô Trung Thành (trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, một trong những trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay là thủ tục hành chính, quy trình tiếp cận gói hỗ trợ. Do đó, để chính sách đến doanh nghiệp thì cần cải cách, xử lý minh bạch đối tượng và giảm thiếu thủ tục quy trình tiếp cận gói hỗ trợ.

Theo GS.TS Tô Trung Thành, để chính sách bao phủ các đối tượng thực sự cần hỗ trợ thì cần tinh chỉnh chính sách cả về đối tượng và quy mô. Theo đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khi tiếp cận hỗ trợ. Bản thân các doanh nghiệp này quy mô nhỏ, chuẩn mực kế toán không cao, ít tài sản đảm bảo. Mặt khác ngân hàng cũng không thể hạ chuẩn tín dụng. Vì vậy, cần giải pháp đặc thù cho nhóm đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Để các chính sách có thể bao phủ được các đối tượng thực sự cần hỗ trợ thì cần phải tinh chỉnh chính sách hơn nữa theo quy mô cũng như theo ngành nghề. Ngoài ra, cần tập trung hơn nữa vào các ngành, khu vực có độ lan tỏa đến các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế. Từ đó mới có thể sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả nhất trong quá trình khôi phục tổng cầu trong giai đoạn hiện nay.

Đông Nghi