Ngày 27/11, Bộ Công Thương đã phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu EuroCham tổ chức Diễn đàn thương mại Việt Nam – EU năm 2023 với chủ đề “Phát triển bền vững – Đích đến trong hành trình kiến tạo chuỗi giá trị tương lai” tại TP.HCM.
Tham dự diễn đàn có đại diện đoàn ngoại giao các nước thành viên EU, các Thương vụ Việt Nam tại châu Âu, cùng đại biểu UBND các tỉnh/thành phố; hiệp hội ngành hàng, chuyên gia trong nước, quốc tế.
Diễn đàn đã tập trung định vị Việt Nam trong chuỗi cung ứng với các đối tác EU, đi sâu khai thác khía cạnh “bền vững” trong quan hệ song phương, đánh giá tác động từ các quy định chính sách mới đến hoạt động giao thương, đầu tư, theo đó khuyến nghị nhiều giải pháp thiết thực, kịp thời.
Sự kiện cũng cung cấp một kênh trao đổi thông tin, quan điểm một cách toàn diện, đa chiều dưới nhiều góc nhìn xác thực của các chuyên gia về triển vọng hợp tác trong những lĩnh vực hai bên cùng quan tâm như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp xanh.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ nhận định, kết quả tăng trưởng tích cực trong trao đổi thương mại giữa hai bên thời gian qua, với vai trò hỗ trợ hiệu quả từ Hiệp định EVFTA, trong bối cảnh biến động thị trường, chuỗi cung ứng, giao thương và kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn.
Ông Linh cũng nhấn mạnh, với ưu thế lớn từ Hiệp định EVFTA và tới đây là EVIPA, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi đẩy mạnh hợp tác thương mại, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, các dự án hỗ trợ từ phía các đối tác EU để đẩy mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng xanh và số, giảm phát thải, chuyển đổi công nghệ cao trong sản xuất, giúp hàng hóa Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn của EU, tham gia sâu, bền vững vào chuỗi giá trị.
Diễn đàn Thương mại Việt Nam – EU 2023 được kỳ vọng sẽ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của các chuyên gia, doanh nghiệp EU về phát triển xanh và bền vững, những vấn đề, cơ hội và thách thức mà Việt Nam đang gặp phải. Từ đó giúp tăng cường hơn nữa sự hiểu biết, mối quan hệ trên nhiều lĩnh vực thương mại, đầu tư, hợp tác khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục giữa EU và Việt Nam, hướng tới việc hoàn thiện một nền kinh tế xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Trao đổi quan điểm tại diễn đàn, dưới góc nhìn của các doanh nghiệp châu Âu, ông Gabor Fluit - Chủ tịch EuroCham, cùng các đại diện của Airbus, Les Vergers Du Mekong đánh giá cao lợi thế và khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực, đồng thời bày tỏ nhiều kỳ vọng từ thị trường. Bên cạnh đó, các diễn giả trong nước và quốc tế cũng phân tích không ít hạn chế, thách thức đặt ra trước tình hình kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn, cùng xu hướng tăng cường các quy chuẩn thương mại xanh, bền vững.
Các đại diện doanh nghiệp Việt Nam như Công ty cổ phần sữa Vinamilk, Công ty Nhựa tái chế Duy Tân đã tích cực chia sẻ bài học kinh nghiệm, thực tiễn thích ứng, điều chỉnh mô hình sản xuất, kinh doanh đáp ứng các tiêu chuẩn mới và lộ trình phát triển gắn với tiêu chí xanh, bền vững, tuần hoàn.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành Nghiên cứu và Phát triển, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết Vinamilk đã thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn từ rất lâu bởi đó là nhu cầu cấp thiết. Chỉ một thời gian ngắn nữa, không chỉ châu Âu mà hầu hết thị trường thế giới đều yêu cầu các sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn xanh, bền vững; nếu doanh nghiệp không đáp ứng thì không thể cạnh tranh được.
Khó khăn lớn nhất trong quá trình chuyển đổi sản xuất xanh của hầu hết doanh nghiệp chính là vấn đề đầu tư bao gồm cả đầu tư về vốn cho công nghệ và đầu tư đào tạo con người. Để thực hiện được việc chuyển đổi, cần quyết tâm rất lớn từ người lãnh đạo doanh nghiệp và sự thống nhất về nhận thức trong đội ngũ nhân viên.
“Chi phí đầu tư ban đầu cho việc chuyển đổi có thể là rào cản, là thách thức nhưng bù lại chi phí vận hành sau chuyển đổi sẽ thấp hơn, hình ảnh thương hiệu được đánh giá cao hơn, mức độ tin cậy đối với người tiêu dùng tăng lên giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được nhiều thị trường hơn. Có thể nói, lợi ích thu về khi doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh, bền vững theo yêu cầu của thị trường sẽ lớn hơn chi phí đầu tư chuyển đổi," ông Nguyễn Quốc Khánh chia sẻ thêm