Dịch COVID-19: Phát huy hiệu quả các kênh tiêu thụ nông sản

Ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều phương án đẩy mạnh đầu ra cho nông sản. Qua đó, nông sản trên địa bàn không còn tồn đọng như những năm trước đây, kể cả lượng nông sản xuất khẩu, khi cả nước bị ảnh hưởng chung bởi dịch COVID-19.
4702-z2319614245992-43d4d831a87aa4da05c1d5f3ac5684fb-1633599710.jpg
Ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai triển khai nhiều phương án đẩy mạnh đầu ra cho nông sản. Ảnh minh họa

Theo ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, tính đến cuối tháng 9/2021, Gia Lai còn tồn một số mặt hàng nông sản như rau ngót, bí đao, bơ, thịt gà, lợn... Tuy nhiên, bằng nhiều biện pháp thúc đẩy đầu ra cho nông sản, đặc biệt là triển khai các kênh kết nối tiêu thụ qua các trang bán hàng điện tử, Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sàn thương mại điện tử, đến nay, cơ bản nông sản trên địa bàn đã được tiêu thụ hết, không có tình trạng ứ đọng.

Đặc biệt, giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực tăng, nhất là cà phê, cao su, trái cây, do duy trì được thị trường truyền thống trong điều kiện nhiều nước bị tác động lớn dịch COVID-19. Việc thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do, nhất là Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã tạo điều kiện thuận lợi để tìm kiếm thị trường mới cho các sản phẩm của tỉnh Gia Lai.

Theo đó, trong 9 tháng của năm 2021, cà phê đã xuất khẩu gần 156 nghìn tấn đạt 250 triệu USD, tăng gần 10% về lượng, hơn 16% về giá trị so với cùng kỳ  năm ngoái; mủ cao su xuất khẩu hơn 4 nghìn tấn, đạt 6,4triệu USD, tăng hơn 2% về lượng, tăng hơn 8% về giá trị; sản phẩm gỗ xuất khẩu hơn 3 triệu USD; các mặt hàng khác đạt hơn 190 triệu USD, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Để các nông sản trên địa bàn có cơ hội kết nối tiêu thụ, mang lại thu nhập cao trong tình hình kinh tế sụt giảm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai đã tăng cường phối hợp với Sở Công Thương, các sàn thương mại điện tử để kết nối tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, Sở hướng dẫn các doanh nghiệp chủ động, linh hoạt bán hàng trên các trang điện tử như Tiki, Lazada, Shopee...

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn giữ kết nối thường xuyên với Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, các sàn thương mại điện tử, các hệ thống siêu thị, các hợp tác xã thu mua, tiêu thụ để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Tỉnh Gia Lai đang vào vụ thu hoạch các loại nông sản chính như rau, củ, quả, ngô, khoai lang, đậu đỗ, trái cây với tổng diện tích gần 150 nghìn ha. Tính đến ngày 7/10, hầu hết các nông sản này đều được tiêu thụ hết với giá bán ổn định. Cụ thể, mặt hàng rau, củ, quả mỗi ngày tỉnh Gia Lai xuất bán hàng chục chuyến xe đến các tỉnh Tây Nguyên, Miền Trung, Miền Nam.  

Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho hay, Gia Lai là một tỉnh có diện tích rộng thứ hai cả nước. Ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai xác định sẽ tiếp tục kết nối, huy động toàn bộ hệ thống chợ, siêu thị trên địa bàn tỉnh và ngoài tỉnh thụ hết nông sản tươi sống cho người dân, nhất là các nông sản đang vào vụ thu hoạch từ này đến cuối năm 2021. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã, hệ thống nhà máy chế biến tham gia chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản tích cực thu mua, lưu trữ, tiêu thụ nông sản cho người dân. Riêng đối với nông sản khô như cà phê, hồ tiêu, Sở khuyến khích các đơn vị áp dụng các biện pháp lưu kho chờ qua dịch để xuất bán ngoài tỉnh và xuất khẩu.

"Đặc biệt, ngành nông nghiệp Gia Lai cũng sẽ đẩy mạnh nông nghiệp số, đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử; tổ chức sản xuất theo nhu cầu, đơn hàng, chuỗi giá trị. Ngành tập trung thu hút đầu tư các nhà máy chế biến nông sản và tổ chức thường xuyên các diễn đàn xúc tiến thương mại với các nước trên thế giới để tiêu thụ nông sản cho người dân trên địa bàn", ông Có cho biết thêm.