Thực tế phát triển nhanh các dự án điện mặt trời, điện gió trong 3 năm qua đã bộc lộ hạn chế trong đầu tư khi lưới truyền tải chưa theo kịp tốc độ xây dựng các dự án nguồn điện tái tạo do nhiều vấn đề. Điều này gây áp lực lớn đến vận hành lưới điện, nhiều thời điểm đầy tải, quá tải khiến các dự án phải cắt giảm công suất để tránh sự cố trong truyền tải.
Theo Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) nhiều công trình lưới điện quan trọng dự kiến đóng điện giai đoạn 2021-2025 theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh vẫn còn đang trong giai đoạn lập báo cáo tiền khả thi, nếu không được bổ sung các dự án mới, nguy cơ cắt giảm phụ tải vào các giờ cao điểm sẽ tiếp tục xảy ra và kéo dài.
Trong khi đó, việc thu xếp vốn xây dựng các dự án truyền tải với nhu cầu vốn lên đến cả tỉ USD mỗi năm là thách thức không nhỏ đối với ngành điện. Hệ lụy của việc "nghẽn" phát triển lưới truyền tải gây thiệt hại lớn cho cả nhà đầu tư lẫn bên mua điện khi có thời điểm nơi thừa điện, nơi phải huy động nguồn điện chạy dầu giá cao.
Sáng 8/12, thay mặt Chính phủ giải trình về đề xuất của dự thảo sửa đổi quy định của Luật Điện lực tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, đối với nội dung sửa đổi Luật Điện lực, dự thảo quy định theo hướng "Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, trừ các dự án lưới điện do Nhà nước đầu tư theo quy hoạch phát triển điện lực trong từng thời kỳ".
Theo đó, các dự án lưới điện huyết mạch, quan trọng như đường dây cao áp 500 kV và siêu cao áp 800 kV sẽ do Nhà nước đầu tư. Còn đường dây truyền tải dưới 500 kV (như đường dây 100 kV, 220 kV) cho phép tư nhân tham gia.
"Việc cho phép tư nhân tham gia đầu tư lưới truyền tải điện sẽ giúp Nhà nước kiểm soát, không có biến động lớn vào giá bán điện, an ninh hệ thống điện. Người dân cũng không phát sinh thêm chi phí. Còn doanh nghiệp Nhà nước sẽ được giảm bớt gánh nặng đầu tư lưới điện truyền tải, ước tính số tiền tiết kiệm đầu tư mỗi năm khoảng 11.000 tỷ đồng.
Hiện các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực điện chiếm hơn một nửa số dự án điện của tư nhân, nên không có lý do gì họ không đầu tư vào truyền tải điện. Họ rót vốn đầu tư dự án truyền tải, còn việc điều độ hệ thống điện vẫn do Nhà nước nắm giữ. Điều này đảm bảo hệ thống điện được vận hành hiệu quả, ổn định", Bộ trưởng Công Thương khẳng định.
Liên quan tới chi phí khi tư nhân đầu tư, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề về tính công khai, minh bạch trong quản lý chi phí vận hành khấu hao, bảo dưỡng của lưới truyền tải điện khi tư nhân tham gia đầu tư.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, khi tư nhân đầu tư vào lưới điện truyền tải phải tuân thủ các quy định về đầu tư xây dựng, chịu sự quản lý Nhà nước về vận hành như việc phải cho phép các chủ thể khác được quyền đấu nối vào lưới điện truyền tải. Bộ trưởng khẳng định "ai làm khâu nào được hưởng khâu đó".
Nhà nước giảm gánh nặng đầu tư khi tư nhân tham gia
Một công trình tiêu biểu cho việc khi nguồn lực tư nhân tham gia xây dựng đường dây truyền tải sẽ bớt gánh nặng cho Nhà nước đó là công trình Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và tuyến dây 500 kV, 220 KV tại tỉnh Ninh Thuận do Trungnam Group đầu tư. Đây là dự án nhà máy điện kết hợp hệ thống truyền tải Quốc gia với cấp điện áp 500kV đầu tiên do doanh nghiệp tư nhân đầu tư, xây dựng tại Việt Nam.
Công trình được nhà đầu tư thi công trong thời gian 6 tháng, đóng điện vào ngày 29/9/2020, được Tập đoàn Điện lực Việt Nam công nhận COD ngày 01/10/2020. Hiện, công trình hiện đã bàn giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN với giá 0 đồng và được đưa vào vận hành đảm bảo tuyệt đối an toàn trong thời gian hơn 1 năm qua./.