Đề xuất 5 chính sách đặc thù đầu tư cho dự án giao thông đường bộ

Để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ đề xuất 5 chính sách đặc thù về đầu tư cho dự án giao thông đường bộ.
cong-trinh-1698397974.jpg
Đề xuất 5 chính sách đặc thù về đầu tư cho dự án giao thông đường bộ. Ảnh minh họa

Chiều 27/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Quốc hội, Chính phủ đã đẩy mạnh việc đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường bộ, đến nay đã đưa vào khai thác sử dụng nhiều công trình trọng điểm, hiện đại góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội chung của cả nước.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai áp dụng các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ đã bộc lộ, phát sinh một số quy định cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình, nhằm khơi thông nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công vào lĩnh vực giao thông đường bộ, là một trong những lĩnh vực hạ tầng quan trọng quốc gia.

Do đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định 5 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù và danh mục kèm theo từng chính sách.

Chính sách 1 về tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP (Điều 4): Đối với các dự án giao thông đường bộ, tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án. Chính sách đề xuất nhằm tạo động lực hơn nữa trong việc thu hút, huy động vốn đầu tư tư nhân, bảo đảm hiệu quả tài chính dự án, hấp dẫn các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng. Chính sách này áp dụng cho 1 dự án thuộc địa phận tỉnh Thái Bình.

Chính sách 2, về thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đi qua các địa phương (Điều 5): Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định giao UBND cấp tỉnh có khả năng bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương (bao gồm cả vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, nếu có) làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đi qua địa phương mình.

Quy định hiện hành, không cho phép địa phương là cơ quan chủ quản, sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư các dự án đầu tư quốc lộ, cao tốc thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương.

Vì vậy, việc đề xuất chính sách này nhằm phát huy được tối đa các tiềm năng, lợi thế của địa phương, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách và trách nhiệm của người đứng đầu địa phương. Chính sách này áp dụng cho bảy dự án thuộc địa bàn các tỉnh Sơn La, Ninh Bình, Hậu Giang, Cần Thơ, Khánh Hòa, Bình Phước.

Chính sách số 3 về các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương (Điều 6): Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao một UBND tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ vốn đầu tư cho địa phương khác để đầu tư thực hiện dự án.

Chính sách này áp dụng cho 10 dự án thuộc địa bàn các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Hải Dương, Đà Nẵng, Quảng Nam, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đồng Tháp.

Chính sách 4 về cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (Điều 7): Nhà đầu tư, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án hạ tầng giao thông đường bộ.

Cuối cùng, chính sách số 5 về cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022. Những cơ chế đặc thù được đề xuất, Chính phủ kiến nghị cho áp dụng tới hết năm 2025. Mỗi cơ chế sẽ "đính kèm" danh mục dự án cụ thể được áp dụng tại các địa phương.

Đông Nghi