Để OCOP vượt khỏi giới hạn làng xã trở thành đại sứ đặc sản truyền thống của Việt Nam

Đến nay trên cả nước đã đánh giá và cấp chứng nhận cho gần 11.000 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Đã có những sản phẩm OCOP vượt ra ngoài biên giới quốc gia, trở thành đại sứ đặc sản truyền thống của Việt Nam được bạn bè thế giới chấp nhận. Để OCOP trở thành điểm tựa đưa hàng Việt vươn xa cần những đổi mới trong tiếp cận thị trường và một lộ trình nâng chất.
san-pham-ocop-01-1707699478.jpg
Cần tạo các kênh xúc tiến thương mại hiệu quả cho sản phẩm OCOP. (Ảnh minh họa)

Sáng tạo khai mở thị trường cho sản phẩm OCOP

Mỗi sản phẩm OCOP đều mang tính lịch sử và có câu chuyện văn hóa, được tạo ra bằng những kinh nghiệm của người dân cũng như bàn tay của nghệ nhân. Chính từ nét riêng này, các sản phẩm OCOP thời gian qua vẫn bị hạn chế trong ứng dụng khoa học công nghệ, chủ yếu vẫn được tiêu thụ thông qua các kênh phân phối truyền thống.

Đến nay trên cả nước đã đánh giá và cấp chứng nhận cho gần 11.000 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, từ đó đặt ra yêu cầu thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP trong bối cảnh thực tế đang có thêm nhiều loại hình, kênh tiêu thụ mới tham gia vào thị trường.

Đã có những sản phẩm OCOP vượt ra ngoài biên giới quốc gia, trở thành đại sứ đặc sản truyền thống của Việt Nam được bạn bè thế giới chấp nhận. Điều đó cho thấy sự thay đổi căn bản về chất lượng sản phẩm, công tác xúc tiến thương mại được đẩy mạnh thông qua hệ thống chuỗi siêu thị, các sàn thương mại điện tử (TMĐT).

Nếu như trước đây, trà shan tuyết cổ thụ Suối Giàng (Yên Bái) vẫn được tiêu thụ theo cách truyền thống, người tiêu dùng phải đến tận nơi mua nhưng nay kênh tiêu thụ sản phẩm đã được triển khai theo diện rộng. Như chia sẻ của ông Đào Đức Hiếu, Giám đốc HTX Sinh thái du lịch Suối Giàng, các cơ quan Ban, ngành của tỉnh đều ủng hộ và lấy sản phẩm này sử dụng và làm quà tặng đối ngoại. Không chỉ dừng lại ở tỉnh Yên Bái, sản phẩm trà đã tiếp cận được với các Bộ, ban, ngành và cả Chính phủ để thực hiện các nghi lễ tiệc trà quốc gia.

“Trà Suối Giàng còn tiếp cận thêm những khách sạn 5 sao của các tập đoàn lớn thế giới, cũng như hệ thống sân bay là hình thức xuất khẩu tại chỗ để khi khách quốc tế có thể tiếp cận và mua được. Bên cạnh đó, HTX cũng tham gia các hệ thống sàn TMĐT trong nước và quốc tế như Alibaba.com hay Amazon,… từ đó sản phẩm dần có mặt tại thị trường nước ngoài”, ông Hiếu cho biết.

san-pham-ocop-02-1707699508.jpg
Trà shan tuyết cổ thụ Suối Giàng (Yên Bái) được xuất khẩu tại nhiều quốc gia.(Ảnh minh họa)

Những năm qua, nền tảng sàn thương mại điện tử Postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) đã hình thành “luồng gió mới” mạnh mẽ, giải bài toán về tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP. Đến nay, sàn TMĐT đã thu hút trên 4 triệu chủ thể có gian hàng số, trong đó có hàng nghìn sản phẩm OCOP với hơn 6 triệu lượt khách hàng thường xuyên mua sắm, tương tác với sàn.

Ông Nguyễn Thế Anh, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh phân phối của VNPost cho biết, sàn TMĐT Postmart đã đồng hành cùng bà con đưa các sản phẩm OCOP tiếp cận người tiêu dùng một cách nhanh nhất, với chi phí thấp nhất và ngược lại, các chủ thể OCOP bán được với giá tốt nhất.

“Postmart đào tạo về mặt chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ để bà con đưa sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT dễ dàng, viết được nội dung hấp dẫn… đồng thời cũng giúp người tiêu dùng truy suất được nguồn gốc của sản phẩm cũng như quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn”, ông Nguyễn Thế Anh cho hay.

Thời gian qua, các Tập đoàn phân phối lớn như Central Retail, AEON, Saigon Co.op cũng đã phối hợp với Bộ Công Thương, đồng hành cùng các địa phương tổ chức các sự kiện kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP tại hệ thống siêu thị như: Tuần lễ OCOP tại Big C, Hội chợ kết nối sản phẩm OCOP tại hệ thống trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị AEON, Tuần lễ Quảng bá nông sản hàng OCOP tại hệ thống Saigon Co.op…

Để OCOP vươn xa cần "chỉnh chu" từ chất lượng tới mẫu mã

Các sản phẩm OCOP đã được khẳng định về chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh ATTP, mẫu mã bao bì ngày càng đẹp hơn đã đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân hàng ngày cũng như làm quà tặng trong các dịp lễ, Tết cũng như đối ngoại… Từ những thành công và lợi thế đã được tạo lập, thời gian tới cần xác định được kênh xúc tiến thương mại phù hợp, để phát huy được nhiều hơn giá trị cho sản phẩm OCOP.

Theo ông Đặng Quý Nhân (Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương - Bộ NN&PTNT), OCOP là đặc sản của địa phương nên sản phẩm phải tinh túy khi đến tay người tiêu dùng. Các địa phương cần thay đổi cách làm sản phẩm OCOP (đặc sản địa phương, mỗi xã một sản phẩm) để đạt giá trị gia tăng cao hơn.

Bởi, việc thiếu đầu tư cho bao bì và nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất manh mún, thiếu các tiêu chí an toàn... là lý do khiến sản phẩm OCOP còn chiếm vị trí khiêm tốn trong các siêu thị, hệ thống phân phối.

Ông Đặng Quý Nhân cũng cho rằng, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP không phải không có những khó khăn. Các chủ thể OCOP chủ yếu là các DN vừa và nhỏ, có năng lực sản xuất hạn chế nên rất khó cạnh tranh được với các dây chuyền sản xuất của các DN lớn. Ngoài ra, các chủ thể OCOP vẫn khó tiếp cận những cơ chế chính sách hỗ trợ, hoặc có chưa đáp ứng được yêu cầu.

san-pham-ocop-03-1707699546.jpg
Không gian quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với hoạt động du lịch cấp vùng tại tỉnh Lâm Đồng.(Ảnh minh họa)

“Để sản phẩm OCOP đi xa hơn, các chủ thể rất cần có cơ chế chính sách hỗ trợ trực tiếp để thông tin, đào tạo nâng cao năng lực, đặc biệt là về đổi mới sáng tạo. Sự hỗ trợ sẽ hình thành các sản phẩm có chất lượng mang tính đặc sắc, vừa đại diện cho cộng đồng bản địa lại đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Cụ thể là từ thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm OCOP bắt mắt thân thiện với môi trường, cho đến những quy chuẩn kích thước, trọng lượng sản phẩm để tạo sự thuận tiện trong quá trình vận chuyển và sử dụng”, ông Nhân đề cập.

Điều quan trọng hơn theo ông Nhân là các sàn TMĐT, các đơn vị cung ứng cần đồng hành cùng đơn vị quản lý của nhà nước, để hỗ trợ các chủ thể OCOP thông qua các khóa đào tạo, các kênh thông tin tuyên truyền nhằm giới thiệu các sản phẩm OCOP đến rộng rãi người tiêu dùng. Khi bản thân người tiêu dùng đã hiểu được giá trị của sản phẩm sẽ lan tỏa sản phẩm rộng hơn, nhanh hơn đến thị trường trong nước và quốc tế.

Sản phẩm OCOP chỉ có thể phát triển nếu như được tăng thêm giá trị và tìm được đúng thị trường phù hợp. Việc định vị rõ hơn bằng giải pháp về khoa học công nghệ, hay phát triển hệ sinh thái với những mẫu mã, bao bì đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu, sản phẩm OCOP hoàn toàn có đủ điều kiện để vươn ra thị trường thế giới. Khi vị thế sản phẩm nông sản của Việt Nam nói chung và sản phẩm OCOP được nâng lên, đó không chỉ là sản phẩm mang tính đại trà, mà thực sự sẽ trở thành những đại sứ về văn hóa, đại sứ về ẩm thực riêng có của Việt Nam./.

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã tạo phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô sản xuất hàng hoá gắn với liên kết chuỗi của các địa phương; góp phần hình thành nhiều vùng sản xuất. Danh mục các sản phẩm ngày càng đa dạng, phong phú, có chất lượng tốt và truy xuất được nguồn gốc, ngày càng được nhiều khách hàng tin dùng và đánh giá cao về chất lượng, từng bước khẳng định giá trị và uy tín trên thị trường, tăng trưởng về doanh thu.

Bình Nguyên