Tỉnh Quảng Ngãi xác định, đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, là lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.
Tăng cường liên kết, hợp tác trong đội ngũ doanh nhân, giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức cùng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi.
Mục tiêu đến năm 2030, có ít nhất 500 doanh nghiệp hình thành và phát triển nhiều doanh nhân lãnh đạo các tập đoàn kinh tế mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, phát huy vai trò mở đường dẫn dắt các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế của tỉnh.
Khoảng 30-35% chủ doanh nghiệp có trình độ đại học trở lên; Khoảng 10-15% số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, 20-25% số doanh nghiệp có giám đốc hoặc người đứng đầu doanh nghiệp là nữ. Có ít nhất 02 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường đạt trên 1 tỷ USD, 02 doanh nghiệp có doanh thu thuần đạt trên 1 tỷ USD và 02 doanh nghiệp đạt lợi nhuận trước thuế trên 100 triệu USD.
Đến năm 2045, phát triển đội ngũ doanh nhân tỉnh Quảng Ngãi có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực trong nước và quốc tế; một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Để đạt được những mục tiêu nêu trên, tỉnh Quảng Ngãi đã chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như:
Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến. Tiếp tục cụ thể hóa chính sách về phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các mô hình, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mới để mở rộng không gian phát triển cho doanh nhân, doanh nghiệp.
Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước. Tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, doanh nhân để động viên, khuyến khích, vinh danh và nắm bắt mong muốn, yêu cầu hỗ trợ, xử lý trong thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, doanh nhân.
Tạo điều kiện để đội ngũ doanh nhân có đại diện tham gia trong các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức hợp pháp khác có liên quan. Tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính để nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh đó, cần có nhiều đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch trong quan hệ giữa các cơ quan nhà nước, công chức, viên chức với doanh nhân, doanh nghiệp; có cơ chế ngăn ngừa, xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, cản trở, tham nhũng, tiêu cực đối với doanh nhân, doanh nghiệp.
Tiếp tục rà soát, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn mở rộng quy mô, chuyển đổi mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân, khuyến khích doanh nhân ở tất cả các thành phần kinh tế tham gia, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng các vấn đề mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp, quản trị kinh doanh hiện đại, kiến thức pháp luật, kinh nghiệm thực tiễn, xu hướng kinh doanh mới./.