Sản phẩm thẻ tín dụng nội địa có nhiều tiện ích, ưu đãi hấp dẫn không kém gì thẻ tín dụng quốc tế
Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và Báo Lao Động phối hợp với tổ chức hội thảo “Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt”.
Theo số liệu thống kê, trong Quý I/2024, hoạt động TTKDTM tiếp tục đạt được những kết quả tích cực so với cùng kỳ: Giao dịch TTKDTM tăng 56,57% về số lượng và 31,35% về giá trị; qua kênh internet tăng 48,81% về số lượng và 25,73% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 58,70% về số lượng và 33,12% về giá trị. Theo xu hướng đó, thẻ tín dụng vừa là phương tiện thanh toán tiện lợi, vừa là công cụ để người dân tiếp cận dễ dàng với nguồn tín dụng của ngân hàng. Đặc biệt, thẻ tín dụng nội địa là sản phẩm tiện ích, an toàn bảo mật, hiệu quả chi phí nhắm đến phân khúc khách hàng thu nhập trung bình khá, góp phần phổ cập tài chính, hạn chế tín dụng đen.
Sản phẩm thẻ tín dụng nội địa có nhiều tiện ích, ưu đãi hấp dẫn không kém gì thẻ tín dụng quốc tế. Với những lý do tích cực như cơ cấu dân số trẻ, thu nhập người dân ngày càng tăng, xu hướng thương mại điện tử, hoạt động kinh tế số ngày càng thịnh hành thì thị trường thẻ tín dụng nội địa còn nhiều tiềm năng phát triển nữa. Tính đến tháng 3.2024, Việt Nam với quy mô dân số 100 triệu dân đã có trên 904,7 nghìn thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành (tăng 18,37% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức tăng thẻ tín dụng quốc tế là 9,53%). Giao dịch thẻ tín dụng nội địa trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 1,3 triệu giao dịch với giá trị đạt 10 nghìn tỉ đồng (tăng 75,43% về số lượng và 89,85% về giá trị, cao hơn mức tăng tương ứng của thẻ tín dụng quốc tế là 27,26% và 25,1%).
Tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, NHNN đã ban hành và trình ban hành nhiều quy định để dần hoàn thiện hành lang pháp lý, các cơ chế, chính sách phù hợp, liên quan đến hoạt động thanh toán, bao gồm: Trình Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2024; Trình Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật Các TCTD; Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt; các Thông tư của NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, Thông tư hướng dẫn mở và sử dụng tài khoản thanh toán, Thông tư hướng dẫn về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; các quy định về mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ ngân hàng bằng phương tiện điện tử (eKYC), ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật (QR, thẻ chip…), tăng cường chuẩn hóa, tăng tính liên thông trong ngành ngân hàng và giữa ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục triển khai nhiều thông tư hướng dẫn kịp cho Nghị định 52 mới đây của Chính phủ, trong đó có quy định về việc mở tài khoản bằng thẻ căn cước công dân gắn chip, trường hợp khách hàng không thể xác thực thông tin cần phải làm thủ tục trực tiếp tại quầy giao dịch. Thêm vào đó, từ ngày 1.7.2024, đối với những giao dịch thanh toán, chuyển khoản từ 10 triệu đồng trở lên, khách hàng bắt buộc phải xác thực sinh trắc học. Phó Thống đốc cho biết, hiện nay hạ tầng công nghệ của các TCTD đã được nâng cấp để đảm bảo việc hiện thực hóa các quy định trên, cho phép thực hiện sinh trắc học chỉ trong 1-2 giây, đảm bảo lợi ích về độ an toàn và tiết kiệm thời gian cho người sử dụng, ngăn chặn vấn nạn sử dụng giấy tờ giả, vấn nạn thuê, mượn tài khoản.
Đối với công tác truyền thông, Phó Thống đốc mong muốn và đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông cùng các cơ quan báo chí sẽ tiếp tục đồng hành cùng NHNN trong việc phổ biến, tuyên truyền các chính sách của NHNN nói chung và chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt, về thẻ tín dụng nói riêng. Phó Thống đốc chia sẻ, theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, năm 2017 Việt Nam chỉ có 31% người trường thành có tài khoản ngân hàng, hiện nay đã tăng đến hơn 80%; đây là nền tảng cơ bản để phát triển tiếp các hoạt động ngân hàng như hiện nay, mà một mình ngành ngân hàng sẽ khó có thể làm được nếu và đạt nhiều kết quả tích cực nếu không có sự hỗ trợ về công tác truyền thông đến từ các cơ quan nhà nước, các đơn vị ngoài ngành.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo đối với ngành ngân hàng trong thời gian tới, Phó Thống đốc yêu cầu các TCTD và các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện tốt các công tác thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy thẻ tín dụng nội địa; triển khai có hiệu quả Nghị định số 52/2024/NĐ-CP; dần hoàn thiện và ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn Nghị định này, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, hỗ trợ phát triển thẻ tín dụng nội địa. Phó Thống đốc cho biết, về cơ bản, các hoạt động chủ chốt của ngành ngân hàng như thanh toán, cho vay, huy động đều đã có văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể của NHNN.
NHNN với tư cách là cơ quan quản lý, đã xây dựng, triển khai xây dựng chính sách, cơ chế phù hợp, tổ chức các Hội thảo về chuyển đổi số, giải pháp tích hợp hạ tầng công nghệ,... với mục tiêu hỗ trợ và đồng hành cùng các TCTD trong vấn đề an ninh thông tin, an toàn tài sản. Do đó, Phó Thống đốc yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN và các TCTD cần đặc biệt lưu tâm, nghiên cứu các quy định để đảm bảo an toàn bảo mật cho hoạt động thanh toán, đặc biệt là Quyết định 2345/QĐ-NHNN về Triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, để phòng ngừa gian lận, lừa đảo, tăng cường lòng tin của người dùng khi sử dụng các phương tiện điện tử, khi vấn đề an ninh, an toàn bảo mật là một vấn đề hết sức quan trọng của ngành, trong bối cảnh gia tăng các hình thức lừa đảo phức tạp, khó kiểm soát và chủ yếu xuất hiện trên môi trường mạng như hiện nay./.