Là vùng đất cực Nam của tỉnh Quảng Ngãi, được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan đẹp, đa dạng các giá trị văn hóa, lịch sử, Đức Phổ đã và đang phát huy tối đa lợi thế sẵn có để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thị ủy Đức Phổ đề ra.
Nhiều tiềm năng phát triển
Nằm cách trung tâm Thành phố Quảng Ngãi 40km về phía Nam, Đức Phổ được biết đến là vùng đất hội tụ nhiều danh lam thắng cảnh đẹp để phát triển du lịch. Sở hữu bờ biển dài gần 40km, với nhiều bãi biển đẹp, có giá trị phát triển du lịch như: Bãi biển Sa Huỳnh, Mỹ Á, Hội An, Nam Phước. Một số cảnh quan hấp dẫn có nhiều tiềm năng phát triển khác: Đầm An Khê, Hồ Liệt Sơn, Hồ Núi Ngang, Suối Đá Giăng…
Ngoài ra, Đức Phổ còn sở hữu nhiều di tích lịch sử được xếp hạng di tích cấp tỉnh và cấp Quốc gia. Gồm có 26 di tích văn hóa, thắng cảnh xếp hạng cấp tỉnh và 4 di tích lịch sử văn hóa xếp hạng Quốc gia (Trường Lũy, Di tích mộ và nhà thờ Huỳnh Công Thiệu, Cuộc biểu tình chiếm huyện đường Đức Phổ và đặc biệt là Di chỉ khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh).
Đây còn là vùng đất có nhiều giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc, lễ hội dân gian mang đậm bản sắc văn hóa Nam Trung bộ nói chung và Quảng Ngãi nói riêng, như: Lễ hội cầu ngư, Hát BáTrạo, hát Sắc Bùa, và Lễ hội ra quân đánh bắt hải sản.
Đức Phổ còn là cái nôi của nền văn hóa ẩm thực, với nhiều món ăn ngon, đặc trưng văn hóa địa phương.
Đặc biệt, Đức Phổ còn có Di chỉ khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh, một quần thể di tích Quốc gia đặc biệt, có niên đại khoảng 2.500 năm và Làng cổ Gò Cỏ. Đây được xem là 2 điểm sáng của ngành du lịch ở địa phương này.
Gần đây, Cát Mộc Farm nổi lên như một làng gió mát, mang đến sự tươi mới, một mô hình du lịch trải nghiệm, check in cực kỳ hấp dẫn, thu hút rất đông du khách từ khắp nơi đến với Đức Phổ.
Hạ tầng cơ sở về giao thông, công tác tôn tạo, chỉnh trang các điểm di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn Thị xã được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư xây dựng.
Tất cả những tiềm năng, lợi thế trên sẽ góp phần quan trọng vào phát triển du lịch Đức Phổ xứng tầm trong tương lai.
Phát huy thế mạnh, tạo sinh kế cho người dân
Điểm sáng của mô hình du lịch cộng đồng phải kể đến Làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ. Đây làm mô hình đang phát huy rất tốt, mang lại nhiều giá trị KT-XH cho TX Đức Phổ trong thời gian vừa qua. Là một ngôi làng cổ thuộc Phường Phổ Thạnh, có lịch sử trên 3000 năm, đến nay vẫn giữ nguyên vẹn nét hoang sơ, mộc mạc của một làng quê vùng biển cổ xưa.
Nằm nép mình bên cạnh Đầm An Khê và bờ biển Sa Huỳnh thơ mộng, Gò Cỏ như tách biệt với thế giới bộn bề, xô bồ bên ngoài. Nơi đây, còn lưu giữ nhiều dấu tích của nền văn hóa Sa Huỳnh xưa. Chính những nét khác biệt, độc đáo của cảnh vật, cộng với sự hiền hòa, chân chất của con người nơi đây đã tạo nên một làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ nổi tiếng mà ai cũng muốn đến một lần để trải nghiệm.
Bà Trần Thị Thu Thủy, Chủ tịch HTX du lịch cộng đồng Làng Gò Cỏ chia sẻ, hiện tại HTX có 33 thành viên, chủ yếu là người dân địa phương. Trước đây, công việc chính của người dân là nông nghiệp và đánh bắt cá. Từ khi tham gia vào HTX du lịch cộng đồng Gò Cỏ họ được đào tạo, tập huấn biết làm du lịch chuyên nghiệp hơn. Từ đó tạo được nhiều công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần tạo điều kiện để người dân phát triển hoạt động du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị truyền thống nơi đây.
Về với làng muối nổi tiếng Sa Huỳnh, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước cánh đồng muối 115ha, trải dài tít tắp. Những “hạt ngọc” trắng phau kết tinh từ nước biển được những diêm dân nơi đây tạo nên. Dưới cái nắng như đổ lửa của mùa hè ở vùng biển miền Trung, nhưng đối với các hội viên HTX muối Sa Huỳnh đó là điều hết sức bình thường. Vì nắng càng lớn đồng nghĩa chất lượng muối càng ngon và đạt tiêu chuẩn.
Chia sẻ với phóng viên trong niềm vui, ông Thái Thuần Lăng, Chủ tịch Hội nông dân phường Phổ Thạnh cho biết, mới đây tỉnh Quảng Ngãi đã trao Quyết định về Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Bảo tồn đồng muối truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng” cho Hội Nông dân phường Phổ Thạnh. Mục tiêu của Dự án nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo tồn đồng muối truyền thống có từ lâu đời gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa Sa Huỳnh và lợi thế sẵn có nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Phát triển du lịch xanh bền vững
Phát triển du lịch xanh, du lịch cộng đồng bền vững là định hướng chung của ngành du lịch Việt Nam. Việc phát triển du lịch xanh là xu thế tất yếu và là định hướng lâu dài cho ngành du lịch tỉnh Quảng Ngãi nói chung và TX Đức Phổ nói riêng.
Tại Nghị quyết số 05, ngày 02/11/2021 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, về đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đã xác định: “Phát triển các loại hình du lịch cộng đồng và tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia và hưởng lợi từ du lịch. Phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với việc tìm hiểu, trải nghiệm các giá trị văn hóa, đời sống của cộng đồng dân cư và sản phẩm OCOP của các địa phương…”
Trên cơ sở đó, Thị ủy Đức Phổ cũng đã ban hành Nghị Quyết số 05, ngày 30/12/2022, có nhiều nội dung định hướng về phát triển du lịch“… Tiếp tục đầu tư, khai thác, phát triển du lịch cộng đồng tại Làng Gò Cỏ (Phổ Thạnh);… Du lịch xây dựng sản phẩm, chuyển giao mô hình quảng bá du lịch cộng đồng, phát triển điểm đến gắn với di chỉ văn hóa Sa Huỳnh và đầm An Khê. Khuyến khích phát triển các loại hình du lịch cộng đồng và tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia làm du lịch, kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch theo mô hình OCOP…”
Chia sẻ về định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới, ông Bùi Văn Lý - Chủ tịch UBND Thị xã Đức Phổ cho biết: “Để du lịch cộng đồng phát triển mang tính bền vững thì người dân phải là trung tâm của mọi hoạt động. Người dân là chủ thể quan trọng tạo ra các giá trị vật chất và tinh thần, định hướng phương thức hoạt động của HTX dựa trên những giá trị, nét đặc trưng riêng biệt của mình. Bên cạnh đó, địa phương sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tham gia làm du lịch ngày một chuyên nghiệp hơn, có nguồn thu nhập ổn định hơn”.
Ngày nay, xu hướng du lịch đã thay đổi, du khách quan tâm hơn tới chất lượng trải nghiệm những nơi mình đến. Du khách ngày nay, thường quan tâm hơn đến môi trường, các giá trị văn hóa địa phương và những địa danh còn giữ nét hoang sơ, mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên, ở đó con người ta như được tìm về với cội nguồn, tìm về với chính mình.
“Xác định văn hóa bản địa, các di tích lịch sử và làng nghề truyền thống là tương lai của du lịch xanh, du lịch cộng đồng, là hướng phát triển bền vững của TX. Đức Phổ. Để phát triển, mở rộng và nâng tầm giá trịsản phẩm du lịchtheo mô hình OCOP, Chính quyền luôn khuyến khích, tạo đều kiện tốt nhất để các chủ thể tham gia hoạt động hiệu quả. Giá trị cốt lõi nhất là làm sao giải quyết việc làm, người dân có thêm thu nhập,góp phần giảm nghèo bền vững” - ông Bùi Văn Lý cho biết thêm./.