Đầu xuân Về miền đất cổ Đan Phượng

Đầu xuân, chúng tôi có dịp về một huyện nhỏ của thành phố Hà Nội, huyện Đan Phượng, vùng đất giao thoa giữa văn minh đô thị với văn hóa xứ Đoài. Đan Phượng, nghĩa gốc Hán là chim Phượng đỏ.
truong-ban-dan-van-thanh-uy-nguyen-doan-toan-trao-quyet-dinh-diem-du-lich-xa-ha-mo-diem-du-lich-khu-sinh-thai-dan-phuong-cho-ubnd-huyen-dan-phuong-1644588445.jpg
Đan Phượng, vùng du lịch tiềm năng

Một địa danh mỗi khi nhắc đến lại gợi lên trong tôi những hình ảnh thơ mộng cùng biết bao kỷ niệm của một thời gian khó mà hào hùng trong âm vang câu hát “Đan Phượng ơi, quê hương người gái đảm…”.

Xóm làng bình yên, vườn cây trĩu quả, biển lúa rập rờn, và những dòng sông lững lờ trôi. Vùng đất phù xa mầu mỡ bên sông Hồng, sông Đáy, sông Nhuệ vẫn lặng lẽ nuôi sống hàng vạn con người giờ đang thay da đổi thịt từng ngày.

Bến Phùng không còn heo hút như xưa mà bắt đầu có dáng vẻ của phố phường hiện đại. Dọc theo trục đường quốc lộ 32 từ trung tâm Hà Nội đi Thị xã Sơn Tây, những đường phố, những khu đô thị mới san sát mọc lên với gương mặt trẻ trung, sung sức, đã tạo một liên kết vùng với rất nhiều thuận lợi cho sự phát triển của Đan Phượng.

Theo sử sách, huyện Đan Phượng được lập từ thời nhà Trần. Khi giặc Minh chiếm đóng, huyện mang tên Đan Sơn, thuộc Châu Từ Liêm, phủ Giao Châu. Sang thời Hậu Lê, huyện thuộc phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Năm 1888, sau khi vua Đồng Khánh cắt Hà Nội cho Pháp, huyện Đan Phượng được nhập về phủ Hoài Đức tỉnh Hà Đông.

Miền quê trải hàng nghìn năm lịch sử, những thuần phong mỹ tục tích tụ, lắng đọng xây đắp nên truyền thống văn hiến rất riêng của Đan Phượng với những nhân vật lịch sử lưu danh ngàn đời. Đó là Trưng Trắc, Trưng Nhị hai nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc Việt Nam khởi nghĩa chống xâm lược.

Hai bà là thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa vào loại sớm nhất không chỉ trong lịch sử dân tộc Việt Nam mà cả trong lịch sử nhân loại. Hai vị nữ anh hùng ấy đã trở thành những vị vua đầu tiên, cai quản quốc gia sau khi đất nước được giải phóng, vào đầu thế kỷ thứ nhất sau công nguyên.

Cuộc nổi dậy khởi nghĩa chống nhà Lương của Lý Bí cũng phát tích từ đây. Thời Lý Anh Tông và Lý Cao Tông, Đan Phượng đóng góp cho đất nước một nhân vật kiệt xuất, văn võ song toàn, nhân cách sáng ngời đó là Thái uý Tô Hiến Thành (1102 - 1179) với cách chọn người tài ra giúp nước một cách kinh điển.

Đan Phượng cũng chính là nơi tọa lạc của Thành Ô Diên, một trong ba ngôi thành cổ nhất của đất Giao Châu (Cổ Loa, Long Biên, Ô Diên), thuộc địa phận xã Hạ Mỗ, hiện còn lại nhiều dấu tích trong tư liệu sử học và các câu thơ dân gian.

Vùng đất văn hiến Đan Phượng còn là cái nôi của các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, trong đó có Hát ca trù ở xã Thượng Mỗ, Vật truyền thống ở xã Hồng Hà, Thổi cơm thi hội Dầy, Hát Chèo tàu hội Gối (Tân Hội), Hát Chèo bè trên sông của dân chài Vạn Vĩ, Hội thả diều ở Bá Giang, Hội bơi trải ở Đồng Tháp, Hội rước cây bông ở Trung Hà…

Đan Phượng không chỉ hội tụ đầy đủ những nét đặc trưng của văn hóa Xứ Đoài, Đan Phượng còn là nơi khởi nguồn của những phong trào yêu nước, đặc biệt là phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” nổi tiếng giữa thế kỷ XX, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày nay, Đan Phượng có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng thế mạnh nông nghiệp luôn được các cấp lãnh đạo huyện coi trọng, trăn trở tìm hướng đi đúng để phát triển.

Bắt đầu từ Xã Thượng Mỗ, cây bưởi Diễn nhanh chóng bén rễ và phát triển rồi nhân rộng trên nhiều vùng đất của Ðan Phượng. Nhiều hộ gia đình đã cải tạo vườn tạp, chuyển đổi những khu ruộng cao cấy lúa kém hiệu quả sang trồng bưởi, đem lại giá trị kinh tế cao gấp năm lần cây lúa.

Hiện nay, Ðan Phượng có hàng trăm ha trồng bưởi Diễn ở nhiều xã trong huyện. "Lá cờ đầu" Thượng Mỗ có hơn 100 ha, mỗi ha cho thu nhập hơn 150 - 200 triệu đồng/năm. Huyện đang xúc tiến xây dựng thương hiệu "Bưởi tép vàng Ðan Phượng" cho sản phẩm địa phương.

Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Ðan Phượng đang nỗ lực phấn đấu đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Song Phượng là một trong 15 xã của Ðan Phượng được thành phố Hà Nội chọn triển khai thí điểm mô hình xây dựng nông thôn mới. Do làm tốt công tác tuyên truyền, phần lớn người dân đều hiểu những hiệu quả to lớn từ xây dựng nông thôn mới, đồng thuận triển khai chương trình.

Song Phượng đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đời sống tinh thần, vật chất của người dân đã được cải thiện rõ rệt. Thành công bước đầu của Song Phượng là cơ sở để huyện triển khai xây dựng nông thôn mới ở các xã còn lại.

Mục tiêu phấn đấu của huyện đến năm 2025, 100% số xã trong huyện hoàn thành theo tiêu chí mới. Một diện mạo nông thôn mới đầy tiềm năng đang hình thành và khởi sắc trên vùng đất cổ.

Vài nét chấm phá về lịch sử, kinh tế, văn hóa của một vùng quê đầy huyền thoại sau một chuyến đi chớp nhoáng nhưng nhiều cảm xúc. Chúng tôi hy vọng sẽ có dịp trở lại “Quê hương người gái đảm” để đào sâu hơn các vỉa quặng Văn hóa, Lịch sử của miền đất này./.

Anh Tú