Thế nhưng, các nhà bảo tồn và nghiên cứu vẫn thường nhấn mạnh sự cần thiết của việc thực hiện thêm những đánh giá chất lượng hơn về hiệu quả của các sáng kiến bảo tồn, từ đó có thể xác định được các sáng kiến thực sự có ảnh hưởng. Một loạt nghiên cứu vừa được đăng tải trên tạp chí PLOS ONE đã nỗ lực đánh giá hiệu quả của nhiều chính sách, chương trình bảo tồn rừng nhiệt đới tại Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ-Latinh, bao gồm hệ thống cấp chứng chỉ, chương trình quản lý rừng dựa vào cộng đồng, thúc đẩy thực thi luật lâm nghiệp, chi trả dịch vụ hệ sinh thái và hệ thống các khu bảo tồn.
Jan Borner tại Đại học Bonn (Cộng hòa Liên bang Đức) và Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) chủ trì nghiên cứu tổng quan về sự thay đổi độ che phủ rừng hàng năm, như một thước đo hiệu quả bảo tồn được xác định trong tập hợp 14 nghiên cứu này.
Đánh giá gần đây nhất của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc cho rằng độ che phủ rừng tự nhiên toàn cầu đang tiếp tục thu hẹp, nhưng với tốc độ hàng năm chậm hơn so với trước đây. Theo TS. Borner và các cộng sự, đây có thể là kết quả của sự suy giảm tăng trưởng kinh tế khiến nhu cầu giải phóng mặt bằng xây dựng các khu kinh tế đô thị giảm, hoặc cũng có thể là dấu hiệu thành công của các chính sách bảo tồn.
Vậy những chiến lược bảo tồn nào đang thực sự đem lại hiệu quả cho các khu vực nhiệt đới? Dĩ nhiên, thành lập các khu bảo tồn là một trong những chiến lược được thực hiện thường xuyên nhất, và có tới 4 trong số loạt nghiên cứu trên đây thẩm định hiệu quả của chiến lược này tại các quốc gia Brazil, Chile, Cộng hoà Costa Rica và Indonesia. Theo 4 nghiên cứu này, chiến lược khu bảo tồn có tác động tích cực ở mức thấp đến trung bình.
Chẳng hạn, các khu bảo tồn tại các quốc gia kể trên đã giúp gia tăng độ che phủ rừng trong khoảng từ 0,08-0,59%/năm. Các khu bảo tồn hiệu quả nhất (thuộc khu vực Amazon, Brazil) đảm bảo tăng thêm khoảng 6% diện tích che phủ rừng so với các vùng đất không được bảo vệ chỉ trong vòng một thập kỷ. Các khu bảo tồn quản lý kém hiệu quả nhất (tại Indonesia) chỉ giúp tăng thêm 0,8 % độ che phủ rừng trong vòng hơn 10 năm.
Cũng theo nghiên cứu tổng quan, việc giảm tỷ lệ mất rừng toàn cầu chủ yếu được quyết định bởi một vài quốc gia như Brazil. Theo một nghiên cứu khác trong loạt nghiên cứu này, các khu bảo tồn rừng Amazon thuộc Brazil đã góp phần giảm trung bình 2% tình trạng phá rừng trong giai đoạn 2000 đến 2008. Tuy nhiên, tác động này không đồng nhất về cả mặt không gian và thời gian.
Chính sách “mệnh lệnh và kiểm soát” (command-and-control) tại Brazil là một trong rất nhiều biện pháp giúp giảm đáng kể nạn phá rừng tại khu vực Amazon trong suốt thập kỷ qua. Các hoạt động thúc đẩy thực thi lâm luật và công bố công khai những kẻ vi phạm cũng góp phần giảm 0,13 đến 0,29% tỉ lệ mất rừng hàng năm. Trong khi đó, cách tiếp cận pháp lý cung cấp các hỗ trợ ngân sách cho chính quyền địa phương tại các vùng phía Đông Amazon lại chỉ giúp giảm tỷ lệ phá rừng trong một vài năm nhất định.
Các nghiên cứu đồng thời cũng thẩm định các phương pháp tiếp cận dựa trên hỗ trợ tài chính như Chương trình chi trả dịch vụ hệ sinh thái (PES). Theo thống kê của CIFOR, tại Costa Rica, chương trình này chỉ mang lại “hiệu quả bảo vệ rừng gián tiếp” tương đương 0,32% mỗi năm, trong khi một chương trình cấp địa phương tại Mexico đã đạt được con số ấn tượng với 2,91% diện tích rừng tăng lên mỗi năm. Nghiên cứu cũng cho thấy, tại một số địa phương thuộc Columbia, tác động của PES vẫn được duy trì sau khi kết thúc chương trình. Điều này giúp vẽ nên một bức tranh lạc quan hơn, khi một số nghiên cứu trước đó cho rằng PES chỉ mang lại hiệu quả môi trường rất thấp.
Cũng theo loạt nghiên cứu này, từ năm 2000 đến 2008, các khu vực khai thác gỗ tại Indonesia có chứng nhận FSC đã tăng trung bình 5% độ che phủ so với các khu vực không được chứng nhận. Thêm vào đó, việc cấp chứng nhận cũng giúp giảm đáng kể tình trạng phụ thuộc vào củi đốt (33%), ô nhiễm không khí (31%), các bệnh về đường hô hấp (32%) và tỷ lệ suy dinh dưỡng tại các ngôi làng tham gia vào chương trình.
Ba trong số các nghiên cứu đã xác định các tác động về mặt kinh tế-xã hội và phát triển của các chính sách bảo tồn rừng nhiệt đới. Một trong số đó cho rằng Chương trình PES tại Costa Rica không mang lại lợi ích thúc đẩy hoặc gây tổn hại đến lợi ích của các động đồng địa phương. Trong khi đó, các sáng kiến trong quản lý rừng dựa vào cộng đồng thực hiện tại Tanzania và Nammibia lại góp phần cải thiện đáng kể lợi ích y tế và giáo dục cho cộng đồng nơi đây.
Nhìn chung, các nghiên cứu hiện tại mới chỉ tập trung ước tính ảnh hưởng trung bình của các chương trình bảo tồn gần như tương tự nhau mà chưa xem xét các yếu tố cụ thể trong mỗi chương trình và trong từng hoàn cảnh được thực hiện. Nhóm tác giả nghiên cứu tổng quan cho rằng, cần thêm những nghiên cứu sâu hơn nữa để có thể hiểu rõ cơ chế nào giúp các chương trình bảo tồn đạt được hiệu quả./.