Trong bối cảnh đó, sản xuất công nghiệp duy trì mức tăng trưởng tích cực, cơ bản giữ được chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng trong và ngoài. Cơ cấu nội ngành tiếp tục chuyển biến tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành, tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, giảm dần tỷ trọng của ngành công nghiệp khai khoáng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải Bộ Công Thương đã khẳng định như vậy tại buổi họp báo thường kỳ Quý IV và cả năm 2021 do Bộ Công Thương tổ chức chiều 12/1 tại Hà Nội.
*Dấu ấn năm 2021
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, năm 2021 ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của công nghiệp, với mức tăng 6,37%, đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng GDP của cả nước và đóng góp tới 86,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đặc biệt, năm 2021 ấn tượng nhất với kết quả xuất nhập khẩu khi tiếp tục tạo kỷ lục mới với tổng kim ngạch đạt gần 670 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu đạt 336 tỷ USD, tăng 19%. Nhập khẩu đạt 332 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2020 và cơ bản được kiểm soát tốt. Nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất và hàng hóa thiết yếu luôn chiếm gần 90% kim ngạch nhập khẩu. Cán cân thương mại ghi nhận xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp với giá trị khoảng 4 tỷ USD.
Mặt khác, trong năm, thị trường trong nước tương đối ổn định, cơ bản đảm bảo được cân đối cung cầu, đặc biệt là cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu trong vùng dịch. Thương mại điện tử trở thành phương thức phân phối quan trọng, góp phần duy trì chuỗi cung ứng và chuỗi lưu thông trong và ngoài nước, hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả một lượng lớn nông sản cho người nông dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh những thành tích đạt được, Đỗ Thắng Hải cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong phát triển ngành công thương năm 2021. Đơn cử, năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch, năng lực sản xuất công nghiệp chậm được cải thiện; mức độ liên kết và giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành còn hạn chế; liên kết giữa các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) với doanh nghiệp trong nước còn yếu. Không chỉ vậy, trong năm, xuất khẩu tăng mạnh nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI lại tăng lên so với những năm gần đây. Giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như mong muốn.
“Dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động dịch vụ và làm giảm cầu tiêu dùng hàng hóa trong nước khiến doanh thu bán lẻ trong nước đạt thấp. Trật tự thị trường mặc dù được tăng cường kiểm soát nhưng tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại (kể cả trên môi trường internet) vẫn còn diễn biến phức tạp”, Thứ trưởng thẳng thắn nêu rõ.
Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2022 ở mức 6- 6,5%, ngành công thương phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 7-8 %; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6-8%. Cùng với đó, cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 7-8%; tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu tăng 7,88%; điện thương phẩm tăng 7,1 -9,1%.
Hiện thực hóa các mục tiêu này, trước hết, Bộ Công Thương chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng thể chế; đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành công thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Hơn nữa, tập trung thực hiện đồng bộ và hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, cơ cấu lại các ngành hàng xuất khẩu hiệu quả; nâng cao chất lượng hàng hóa theo hướng đáp ứng các quy định về TBT, SPS, yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường, chất lượng sản phẩm và quy tắc xuất xứ.
*Hỗ trợ tiêu thụ nông sản
Giải đáp về những thắc mắc xung quanh việc tổ chức kết nối tiêu thụ cung cầu và nâng cao chất lượng nông sản của thị trường trong nước, bà Lê Việt Nga- Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định, đến nay Việt Nam đã có hơn 12 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; trong đó, nông sản luôn đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm tại các kênh khó tính nhất.
Theo bà Lê Việt Nga, thị trường trong nước đã tổ chức được một mạng lưới tiêu thụ hàng hoá, kể cả trong bối cảnh khó khăn nhất như bão lụt, bị dội hàng từ biên giới hay dịch bệnh COVID-19. Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng đưa nông sản vào chương trình bình ổn thị trường được triển khai tại phạm vi toàn quốc, đặc biệt tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh. Đây là kênh tiêu thụ đặc biệt với những mức tiêu thụ và hợp đồng tiêu thụ hàng năm được chốt cho các doanh nghiệp rất lớn.
Năm nay, dù khó khăn như vậy nhưng cuối năm 2021, vẫn tổ chức được các chương trình kết nối cung cầu tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, tạo điều kiện ký 500-600 hợp đồng để tiêu thụ, tham gia các chương trình bình ổn thị trường trong nước. Làm thế nào để thị trường trong nước giảm áp lực cho việc dội hàng từ biên giới khi các quốc gia vẫn có chính sách chống dịch khác nhau như Trung Quốc theo đuổi Zero COVID-19 còn Việt Nam thích ứng an toàn với phòng dịch.
Năm nay, Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 08/CT-BCT về việc tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ tại thị trường trong nước các sản phẩm nông sản của địa phương có sản lượng nông sản lớn, sản xuất tập trung trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Ngay sau khi có Chỉ thị này, Bộ Công Thương đã tập trung nguồn lực, nhất là nguồn lực của chương trình xúc tiến thương mại để tiêu thụ nông sản và hàng hoá thiết yếu tại thị trường trong nước.
Ngoài ra, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã trực tiếp tham gia các cuộc kết nối cung cầu không chỉ trong nước mà còn các thương vụ trên thế giới để tiêu thụ nông sản như hơn 300.000 tấn vải thiều; hơn 100.000 tấn nhãn; hơn 4 triệu tấn gạo, nông sản, rau củ quả, hàng trăm triệu quả trứng đã được tiêu thụ…từ tháng 8 đến 31/12/2021.
Điều này cho thấy mạng lưới tiêu thụ nông sản thực sự là bệ đỡ đỡ cho doanh nghiệp trong giai đoạn gặp khó khăn hoặc việc lưu thông giữa các vùng miền gặp khó khăn. Không những thế, để giảm khó khăn cho logistics và hạn chế rủi ro do dịch bệnh, còn có sự vào cuộc của cả các doanh nghiệp phân phối, doanh nghiệp bưu chính… hỗ trợ nhiều cho việc tiêu thụ này.
Theo bà Lê Việt Nga, khi xảy ra vấn đề dội hàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 14/CT-BCT ngày 29/12/2021 về việc tăng cường hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước nhằm giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Cụ thể, Chỉ thị nêu rõ các giải pháp tiêu thụ hàng hoá trong nước, hàng nông sản, hàng hoá phòng chống dịch tại thị trường trong nước, giảm khó khăn cho xuất khẩu. Đến nay, các kênh phân phối lớn nhất đã lên các chương trình tiêu thụ hàng Tết lồng ghép với chương trình kích cầu gắn với bình ổn thị trường, tiêu thụ hàng Tết với nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn.
Đáng lưu ý, ngày 11/1 Sở Công Thương Hà Giang đã báo tin tăng giá 3 lần do áp dụng bán hàng qua mạng, livestream. Nhờ vậy không cần mang hàng xuống Hà Nội bán như mọi năm mà doanh nghiệp đến tận nơi để mua. Hoặc Hưng Yên – một trong những vựa nông sản ngay kề với Hà Nội đã tiêu thụ hết nông sản của tỉnh với giá ổn, nhất là nhãn lồng và cam, rất được giá.
Như vậy, bất cứ địa phương nào, nếu địa phương quan tâm hỗ trợ nông dân tìm kiếm thị trường thì sẽ rất tành công trong tiêu thụ hàng hoá, bắt kịp tín hiệu thị trường. “Chúng ta cần tiêu thụ hàng nông sản theo cách văn minh, bài bản, khoa học bắt kịp theo xu hướng thế giới. Vì thế, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ và được phê duyệt Đề án đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản tại Quyết định 194/QĐ-TTg được phê duyệt cuối tháng 2/2021; trong đó nêu rõ quan điểm, mục tiêu, giải pháp để sắp tới có bước ngoặt trong tiêu thụ nông sản.
Với nguyên nhân khách quan về chống dịch khác nhau giữa các quốc gia đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng thì đây là khó khăn và doanh nghiệp cũng như thị trường trong nước cần vào cuộc chung tay hỗ trợ người nông dân”, bà Lê Việt Nga nhấn mạnh./.