Đạm Ninh Bình: Phấn đấu đạt lợi nhuận 100 tỷ đồng năm 2022

Năm 2022, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình (Đạm Ninh Bình) khẳng định “quyết lãi” trên đà thắng lợi của năm trước, với mục tiêu sản xuất và tiêu thụ 420 nghìn tấn urê trong năm 2022, tổng doanh thu cả năm đạt 4.484 tỷ đồng và hiệu quả chung Công ty có lãi khoảng 100 tỷ đồng.

Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình đã nỗ lực vượt lên và lần đầu tiên kinh doanh có lãi sau 10 năm hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cả năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 4.001 tỷ đồng, bằng 158% so với kế hoạch năm 2021 và bằng 241% so với thực hiện năm 2020.

Tổng doanh thu năm 2021 đạt 4.088 tỷ đồng, bằng 168% với kế hoạch năm 2021 và đạt bằng 230% so với thực hiện năm 2020.

Tổng sản lượng urê sản xuất, tiêu thụ đạt 445 nghìn tấn bằng 123% so với kế hoạch năm 2021 và bằng 159% so với thực hiện năm 2020.

Tổng kết lại, năm 2021 Công ty lỗ 57 tỷ đồng, giảm lỗ 1.193 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021 và giảm lỗ 1.674 tỷ đồng so với thực hiện năm 2020.

dam-ninh-binh-phan-dau-loi-nhuan-100-ty-anh1-1649724524.jpg
Đoàn công tác Bộ Công Thương do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thăm và làm việc tại nhà máy

Những nỗ lực này của doanh nghiệp đã được lãnh đạo Bộ, ngành ghi nhận, biểu dương. Tại buổi thăm và làm việc với Công ty nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, những kết quả sản xuất kinh doanh tích cực bước đầu có được nhờ nỗ lực ngoạn mục của Nhà máy.

Bước sang năm 2022, Đạm Ninh Bình khẳng định “quyết lãi” trên đà thắng lợi của năm trước, với mục tiêu sản xuất và tiêu thụ 420 nghìn tấn urê trong năm 2022, tổng doanh thu cả năm đạt 4.484 tỷ đồng và hiệu quả chung Công ty có lãi khoảng 100 tỷ đồng.

Mục tiêu này là hoàn toàn khả thi, nếu nhìn vào kết quả sản xuất kinh doanh chính mà Công ty đạt được trong Quý I/2022: Lượng urê sản xuất và tiêu thụ đạt gần 110 nghìn tấn. Tổng doanh thu đạt 1.728 tỷ đồng, đạt kế hoạch được giao. Thu nhập của gần 1.000 người lao động được cải thiện ổn định, đạt gần 10 triệu đồng/người/tháng. Đạm Ninh Bình đã cơ bản chủ động được nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.

Dù vậy, cần nhìn nhận còn nhiều khó khăn đang đặt ra cho doanh nghiệp. Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp vẫn ít nhiều ảnh hưởng đến việc bố trí lao động sản xuất trong Công ty. Tình hình căng thẳng giữa Nga - Ukraine khiến giá than, giá dầu tăng và các nguyên nhiên vật liệu khác cũng tăng làm tăng chi phí sản xuất.

dam-ninh-binh-phan-dau-loi-nhuan-100-ty-anh2-1649724567.jpg
Đạm Ninh Bình phấn đấu đạt lợi nhuận 100 tỷ đồng năm 2022

Đặc biệt, lãnh đạo Đạm Ninh Bình cho biết, Công ty đang đối mặt với nguy cơ dừng sản xuất vì nguồn than từ Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) thường cấp ít hơn kế hoạch đã đăng ký, dẫn đến không đủ than chạy máy, ảnh hưởng bà con nông dân thiếu phân đạm để vào vụ và giá phân đạm bị đẩy lên rất cao do thiếu nguồn cung urê,…

Do đó, Đạm Ninh Bình kiến nghị Bộ Công Thương có ý kiến chỉ đạo để TKV đảm bảo cung cấp đủ sản lượng than theo Hợp đồng đã ký và ổn định giá than hợp lý.

Đối với kiến nghị này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên từng bày tỏ sự đồng tình và chia sẻ, giao Vụ Dầu khí và Than chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Bộ Công Thương để kết nối, kiểm soát, giám sát hoạt động cung ứng than ổn định cho Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nói chung và các nhà máy có sử dụng nguyên liệu than của TKV nói riêng.

“Dứt khoát phải đáp ứng trong mọi tình huống, thông qua kế hoạch khai thác sản xuất tại chỗ cũng như nhập khẩu, để có được nhiên liệu phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp, kể cả hai lĩnh vực điện lực và sản xuất đạm”, Bộ trưởng khẳng định.

Với nỗ lực đồng hành từ cơ quan quản lý, Đạm Ninh Bình kỳ vọng năm 2022 sẽ ghi dấu bước khởi sắc mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh.