Đắk Nông: 3 trụ cột làm đòn bẩy phát triển kinh tế trong giai đoạn mới

Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh sẵn có, Đại hội lần thứ 12 Đảng bộ tỉnh Đắk Nông đã cơ bản xác định được lợi thế cạnh tranh, định hướng phát triển với 3 trụ cột "đòn bẩy" để sớm đưa nền kinh tế địa phương phát triển bứt phá, bền vững.

Có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế bền vững

Nằm ở cửa ngõ phía Nam Tây Nguyên, đầu mối giao thương giữa các tỉnh Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, Đắk Nông còn là tỉnh nằm trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; có đường biên giới dài 141km với hai cửa khẩu quốc gia là Bu Prăng và Đăk Per nối với nước bạn Campuchia… nên có nhiều lợi thế để thu hút vốn đầu tư.

dak-nong-1-1682060485.jpg
Hệ thống sông suối có độ dốc lớn.

Ngay từ khi thành lập, tỉnh Đắk Nông đã xác định, hoạt động cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Do xuất phát điểm thấp, các điều kiện về nguồn lực ban đầu, như hệ thống hạ tầng giao thông, cơ cấu bộ máy hành chính, nhân lực... còn hạn chế, nên quy mô các dự án đầu tư vào tỉnh trong những năm qua nhỏ, giá trị đầu tư nhiều dự án thấp. Trước thực tế đó, từ ngày thành lập đến nay, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đắk Nông tăng cường tập trung nguồn lực, quyết liệt chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện tại, Đắk Nông xác định ba trụ cột "đòn bẩy kinh tế” đó là, phát triển công nghiệp alumin, luyện nhôm và năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), xây dựng Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị; phát triển kinh tế rừng, trồng và chế biến dược liệu; tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa - đặc trưng sinh thái bản địa, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Hiện nay, Đắk Nông đã đầu tư phát triển một Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ với tổng mức đầu tư là 17.822 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã và đang triển khai Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông tại Khu công nghiệp Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp, có tổng vốn đầu tư trên 15.000 tỷ đồng, công suất đạt 450.000 tấn/năm.

Khi các nhà máy đi vào vận hành sẽ tạo quy trình khép kín chuỗi công nghiệp khai thác bôxít - chế biến alumin - sản xuất nhôm thỏi, kéo theo phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ theo bô xít và điện phân nhôm, như: Sản xuất hóa chất, cơ khí sửa chữa, chế tạo, các ngành luyện kim, chế tạo các thiết bị máy móc...

Ngoài tiềm năng khoáng sản, Đắk Nông còn được đánh giá có tiềm năng, lợi thế lớn để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Tỉnh có tổng số giờ nắng cao, đạt từ 2.000-2.600 giờ/năm. Bức xạ mặt trời trung bình 150 kcal/m2, chiếm khoảng 2.000-5.000 giờ/năm; hướng gió thịnh hành mùa mưa là Tây Nam, hướng gió thịnh hành mùa khô là Đông Bắc, tốc độ gió bình quân 2,4 - 5,4m/s.

Đắk Nông còn có thuận lợi về đất đai, khí hậu để phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả và phát triển chăn nuôi gia súc quy mô lớn, trong những năm qua, Đắk Nông chủ động cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hình thành chuỗi giá trị, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 650.000ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp trên 366.000ha, chiếm hơn 56% tổng diện tích đất tự nhiên… rất thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Bên cạnh đó, tỉnh định hướng chế biến sâu nông, lâm sản; tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và nước ngoài. Với hệ thống sông suối có độ dốc lớn, tổng số giờ nắng và chỉ số bức xạ mặt trời cao, tốc độ gió trung bình hằng năm lớn, là những lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo, Đắk Nông đã tạo điều kiện để các nhà đầu tư phát triển thủy điện có chọn lọc, thu hút và định hướng phát triển điện mặt trời, điện gió.

dak-nong-2-1682060485.jpg
Xây dựng Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia.

Trong lĩnh vực kinh tế du lịch, Đắk Nông đã xác định đúng hướng tiếp cận để khai thác, phát triển du lịch bền vững trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, đặc trưng văn hóa, đặc biệt sau khi các nhà khoa học phát hiện hệ thống hang động núi lửa ở Đắk Nông. Đến cuối năm 2020, Công viên địa chất Đắk Nông đã được UNESCO công nhận, gia nhập Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO đã tạo điểm nhấn mới, là tiềm năng cho ngành du lịch của tỉnh phát triển. Đắk Nông là vùng đất lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của hơn 40 cộng đồng dân tộc cùng chung sống. Tỉnh còn được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều thắng cảnh hùng vĩ, hữu tình như các hồ nước tự nhiên rộng đẹp thích hợp với mô hình du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng.

Còn nhiều thách thức trong phát triển kinh tế địa phương

Vừa thoát ra khỏi tình trạng một tỉnh nghèo, chưa phát triển; nguồn lực hạn chế về nhiều mặt thì đây thật sự là một thách thức lớn đối với tỉnh Đắk Nông. Năm 2020, Đắk Nông vẫn là "vùng trũng" về thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài; một số điểm nghẽn, vấn đề nội tại trong quá trình phát triển như kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, khả năng thu hút nguồn nhân lực,… chưa có tín hiệu "xanh".

Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đắk Nông tập trung phát triển 3 trụ cột của nền kinh tế chính. Trước hết, phát triển công nghiệp alumin, luyện nhôm và năng lượng tái tạo, xây dựng Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia. Tỉnh tập trung thu hút những dự án công nghiệp phụ trợ, dự án chế biến nhôm, sau nhôm, nhà máy điện gió, điện mặt trời… Tỉnh ủy đã yêu cầu phải thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó cần phải thực hiện tốt các khâu đột phá trên 3 lĩnh vực đó là: cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông; phát triển nguồn nhân lực.

Cần huy động, sử dụng hiệu quả tất cả mọi nguồn lực trên tinh thần "nội lực làm nền tảng, nguồn lực bên ngoài là quan trọng"; khơi dậy, phát huy, nguồn lực, tiềm năng, nhất là nguồn lực trong nhân dân để trở thành động lực nội tại cho quá trình phát triển; phát triển đồng bộ các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân; thu hút, kêu gọi một số doanh nghiệp lớn đến đầu tư tại tỉnh để giữ vai trò dẫn dắt, đầu tàu trong phát triển kinh tế xã hội. Xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án cụ thể để thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế địa phương.

Bên cạnh việc phát huy nội lực, quá trình phát triển Đắk Nông rất cần có sự quan tâm, hỗ trợ mạnh mẽ từ Trung ương. Ghi nhận những kiến nghị đó, vừa qua Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phê duyệt tỉnh Đắk Nông có năm dự án tại danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài, giai đoạn 2021-2025. Đây là những yếu tố rất quan trọng để thực hiện các khâu đột phá, góp phần xây dựng, phát triển tỉnh Đắk Nông nhanh và bền vững./.

Đình Văn