Để bình ổn giá thị trường, tại tỉnh Đắk Lắk hiện đã có 10 doanh nghiệp lớn cam kết dự trữ hàng hóa thiết yếu với tổng trị giá hơn 271 tỷ đồng. Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát chống đầu cơ ép giá, chống buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và kiểm tra kê khai niêm yết giá, xử lý các hành vi vi phạm.
Gia đình bà Phạm Ngọc Thu, phường Khánh Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk trồng hoa để cung ứng cho thị trường Tết đã hơn 30 năm nay. Năm 2021, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh nên gia đình bà Thu cũng cẩn trọng hơn khi trồng hoa Tết.
Nếu như mọi năm, gia đình bà xuống giống trồng 2.000 chậu cúc thì dịp Tết nguyên đán 2022, gia đình bà chỉ trồng 1.000 chậu. Đáng mừng là toàn bộ hoa Tết mà gia đình bà Thu trồng đã được thương lái bao tiêu.
Theo các hộ trồng hoa, thời tiết năm nay khá thuận lợi nên hoa phát triển tốt. Tuy nhiên, do giá vật tư, giá nhân công, phân bón đều tăng nên nhiều nhà vườn đã giảm diện tích gieo trồng, chủ động chuẩn bị giống, trồng nhiều chậu nhỏ, giảm số lượng chậu lớn và chú trọng chất lượng hoa để phù hợp túi tiền của người tiêu dùng.
Ông Đặng Đức Chung, phường Khánh Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết, gia đình ông gieo trồng hoa ly phục vụ thị trường Tết từ 3 năm nay. Năm nay, do dịch COVID-19, gia đình ông gặp khó khăn trong việc nhập khẩu giống hoa ly nên đã nghiên cứu tự tạo giống hoa rồi gieo trồng.
Theo ông Chung, hoa ly là loại hoa khó trồng, gia đình ông phải nắm vững quy trình, cách chăm sóc, tạo ra giống hoa chịu được hạn, vừa thơm vừa có thời gian nở lâu nên đã thành công, được thương lái bao tiêu tận vườn.
Còn đối với các nhà vườn trồng rau, nắm bắt nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tươi sống của người dân trong dịp Tết, nhà vườn ở tỉnh Đắk Lắk đã xuống giống đa dạng các loại rau củ quả. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều nhà vườn đã chú trọng trồng những loại rau, củ dài ngày, có đầu ra và giá ổn định, giảm thiệt hại sau thu hoạch như cà rốt, bắp cải, xà lách, cà chua, ớt chuông. Một số hộ cũng mạnh dạn trồng thử nghiệm dưa lưới, măng tây, súp lơ… theo hướng an toàn, có chứng nhận VietGAP để đáp ứng nhu cầu khác nhau của thị trường.
Bà Hoàng Thị Thúy, Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm sạch Núi Xanh cho biết, các loại rau củ quả tươi thường có thời gian bảo quản ngắn, khi nông dân tập trung sản xuất cho vụ Tết thì dễ dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung. Do vậy, vụ Tết năm nay, đơn vị đã bố trí sản xuất các loại rau phù hợp với điều kiện của từng vùng, rải vụ để giãn thời điểm thu hoạch, tránh "no dồn đói góp", đảm bảo cung cấp sản phẩm ổn định cho thị trường dịp cuối năm và Tết nguyên đán.
Đối với các nhà vườn trồng trái cây ở Đắk Lắk, nắm bắt nhu cầu của thị trường về mâm ngũ quả trưng bày dịp Tết, các hộ đã chủ động chuẩn bị nguồn cung, chú trọng mẫu mã hình thức, chú trọng đến chất lượng với giá cả phù hợp. Hay ở mặt hàng thực phẩm khô như cá khô, trứng các loại… nhiều trang trại, hộ dân khá cẩn trọng, không tăng số lượng bán ra so với ngày thường.
Chị Nguyễn Thị Lan, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk cho biết, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nhiều đến mức tiêu thụ sản phẩm. Do đó, dịp Tết nguyên đán 2022 này, gia đình chị cung ứng ra thị trường khoảng 2.000 quả trứng gà/ngày, không tăng so với Tết nguyên đán 2021. Giá trứng ổn định để kích cầu tiêu dùng.
Ghi nhận tại thành phố Buôn Ma Thuột, nhờ sự chủ động chuẩn bị nguồn cung của các nhà vườn, doanh nghiệp, lượng hàng hóa phục vụ Tết khá đa dạng, dồi dào và chưa có hiện tượng khan hàng, sốt giá. Theo dự đoán của các nhà cung cấp, thị trường Tết năm 2022 không sôi động bằng những năm trước do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Song các nhà cung cấp cũng dự đoán, nhu cầu mua sắm của người dân tăng từ 5 - 10% so với Tết nguyên đán 2021, người tiêu dùng có xu hướng mua sắm Tết sớm hơn để tránh tập trung đông người vào một thời điểm, hạn chế lây lan dịch bệnh.
Ông Bùi Văn Quân, Giám đốc Siêu thị Go Buôn Ma Thuột cho biết, để đáp ứng nhu cầu mua sắm trong dịp Tết năm nay, đơn vị đã tăng 14% lượng hàng hóa so với dịp Tết 2021. Việc phòng, chống dịch được đơn vị chú trọng thực hiện để đảm bảo sức khỏe cho nhân viên cũng như khách hàng như: trang bị máy đo thân nhiệt tự động, nước sát khuẩn tại các lối vào, nhân viên mang kính chắn giọt bắn và đeo găng tay... Bên cạnh đó, đơn vị đẩy mạnh bán hàng trực tuyến, đặc biệt là trên mạng xã hội để kích thích mua sắm dịp Tết.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 Cục Quản lý Thị trường tỉnh Đắk Lắk cho biết, Cục đã thành lập 5 đội kiểm tra, giám sát thị trường trong dịp Tết. Các đội chủ yếu kiểm tra, giám sát các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ tiêu dùng dịp Tết và trang thiết bị y tế.
Các đội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cơ sở, đơn vị kinh doanh tuân thủ quy định của pháp luật và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong bối cảnh dịch COVID-19 và nhu cầu mua sắm dịp Tết tăng cao, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk cũng tăng cường giám sát, kiểm soát mua bán hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Việc chủ động được nguồn cung hàng hóa và tình hình người dân đi mua sắm Tết sớm đã mang lại những tín hiệu lạc quan cho thị trường Tết nguyên đán 2022 tại tỉnh Đắk Lắk. Không khí Xuân đã đến, Tết đã cận kề mang theo những kỳ vọng về một vụ Tết được mùa được giá, gia tăng doanh thu, mọi người dân đều có khả năng mua sắm để nhà nhà vui Xuân đón Tết sum vầy./.