Hấp dẫn nhất là trường chiến giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn! Oanh liệt và phi thường hơn là nhiều cuộc chiến đấu, những trận đánh giáp lá cà của quân và dân ta trong thời kì chống Mỹ - Ngụy đã tạo nên dấu tích lịch sử oai hùng Đại Thiện, Đại Nẫm, Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận!
Trên gò cao dưới chùm cây bồ quân cổ thụ, bên vệ đường hương thôn từ Phan Thiết đi Đại Thiện, Đại Nẫm là quán nước của bà Tám Cụt (bà Võ Thị Cụt). Quán cách nhà tôi chỉ hơn 100 mét, quán quê là một phần tuổi thơ của tôi. Cha tôi thường bảo tôi đi mua rượu, nước mắm, xì dầu, dầu hôi (dầu hỏa), thuốc rê, dầu chiên, mỡ rán, giấy hút thuốc, cây kim may, cuộn chỉ đến gói thuốc tán cảm ban nóng ho, chai dầu gió Nhị Thiên Đường... Tôi thích nhất là miếng kẹo gừng ở quán bà Tám Cụt. Hương thơm của gừng sẻ cổ truyền chêm thêm vị ngọt của đường mía thủ công, khiến đầu óc trẻ con chúng tôi tỉnh táo siêng năng nhiều việc giữa thời chiến tranh ác liệt!
Cha tôi kể rằng, ông Ba Xích (ông Phan Xích) cùng nhiều người từ Nghệ Tĩnh theo tàu lửa (tàu hỏa) xuống ga Mường Mán (ga Bình Thuận ngày nay) về ga Phú Hội vào làng Đại Thiện, Đại Nẫm tìm việc làm. Nhóm người của ông Ba Xích rất gần gũi với người dân trong làng Đại Thiện, rất siêng năng và thành thạo chữ nghĩa, nên là ân nhân thân thiết của người dân làng Đại Thiện.
Ông Ba Xích thành vợ thành chồng với bà Tám Cụt, quán nước ven đường là nơi hội tụ đồng hương xứ Nghệ, cùng những bậc cao nhân có học trong làng Đại Thiện.
Sau khi Đảng ra đời vào ngày 3/2/1930, tháng 5 năm 1930, tại quán nước của bà Tám Cụt đã hình thành cơ sở lãnh đạo của Đảng. Theo Truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân xã Hàm Hiệp anh hùng, xuất bản năm 2008, trang 29 có ghi: “Năm 1930 nhóm cộng sản làng Phú Hội – Đại Nẫm được ông Dương Chước (Trợ Chước hoặc Trợ Châm), một đảng viên từ đồng muối Hòn Khói (Khánh Hòa) vào tổ chức. Các ông Năm Tỵ, Ba Xích... trở thành đảng viên. Các đồng chí tuyên truyền và tập hợp được một số cảm tình trong làng.. .tổ chức đấu tranh bằng rải truyền đơn và treo cờ... mít tinh thắng lợi, bầu Ủy ban cách mạng lâm thời xã, ông Phan Xích làm chủ tịch”.
Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Thuận xuất bản tháng 2/1994; Lịch sử công tác tổ chức xây dựng Đảng tỉnh Bình Thuận (1930 – 2014), Tỉnh ủy Bình Thuận xuất bản năm 2016 ghi nhận: “Vào giữa năm 1930, ông Dương Chước là đảng viên chi bộ Hòn Khói (Khánh Hòa) đến làng Đại Nẫm (Đại Thiện), đồng chí kết nạp một số đảng viên như Nguyễn Tỵ, Phan Xích, Ngô Đức Tốn. Riêng đồng chí Ngô Đức Tốn, sau khi tiếp thu chủ nghĩa Cộng sản đã về làng Tam Tân (nay thuộc thị xã La Gi), tập hợp quần chúng, kết nạp 06 quần chúng vào đảng, chi bộ Cộng sản làng Tam Tân được thành lập ở Bình Thuận cuối năm 1930, do đồng chí Ngô Đức Tốn làm Bí thư. Đồng chí bị bệnh mất tháng 5/1931.”
Theo Phong Nẫm truyền thống cách mạng anh hùng, trang 43 ghi: Năm 1930, tại làng Đại Nẫm (Đại Thiện), ngay sau khi Đảng ra đời, một đảng viên đảng Cộng sản là đồng chí Dương Chước vào làng Đại Nẫm (Đại Thiện) hình thành một nhóm đảng viên đảng cộng sản là ông Phan Xích, ông Nguyễn Tỵ và ông Ngô Đức Tốn. Sau khi trở thành đảng viên, ông Ngô Đức Tốn từ Đại Nẫm đi Hàm Tân hình thành một chi bộ tại dốc Ông Bằng (nay là xã Tân Tiến, thị xã La Gi). Tại Đại Nẫm (Đại Thiện) các đảng viên Phan Xích, Nguyễn Tỵ hình thành nhóm cảm tình với Đảng như các ông Mười Lâu, ông Bảy Ỉn, ông Hai Dương, ông Ba Sâm, ông Phạm Hữu Bến, ông Phạm Hữu Giang đấu tranh bí mật rải truyền đơn, cắm cờ đế công khai biểu tình, đòi quyền lợi...
Lích sử đã chứng minh, Đại Thiện, Đại Nẫm nay là Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận là nơi đã có sự hoạt động của Đảng từ năm 1930, là nơi khai sinh ra đảng bộ tỉnh Bình Thuận. Thời điểm tháng 5/1930, đã hình thành chi bộ tại nhà ông Phan Xích là quán nước bà Võ Thị Cụt, gồm 4 đảng viên là ông Dương Chước, ông Phan Xích, ông Nguyễn Tỵ và ông Ngô Đức Tốn. Chi bộ phân công đồng chí Ngô Đức Tốn về hướng Nam tỉnh Bình Thuận, hình thành chi bộ Tam Tân, tại dốc Ông Bằng. Đảng viên Nguyễn Tỵ về hướng Bắc tỉnh Bình Thuận hoạt động và phát triển đảng viên cơ sở cách mạng! Đảng viên Phan Xích bảo vệ và phát triển cơ sở cách mạng tại chổ Phan Thiết, Hàm Thuận, Bình Thuận.
Tài liệu tại Ban Tuyên giáo Huyện ủy huyện Hàm Thuận Bắc ghi nhận: Khu đất Gò cao bồ quân - Nơi quán nước bà Võ Thị Cụt, cơ sở hoạt động cách mạng của ông Phan Xích – đã bị san ủi, diện tích 135m2, thuộc quyền quản lý của UBND xã Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc. Nhiều Đảng viên và nhân dân kiến nghị nên xây dựng khu bảo tồn Di tích, xây Đền thờ nhà cách mạng Phan Xích tại nơi đây!
Theo ông Văn Minh Trường, sinh năm 1935, Đại tá quân đội nhân dân Việt Nam về hưu đang sống tại Đại Thiện, Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc: “Thực hiện khu bảo tồn Di tích để tôn vinh người có công và đồng thời là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ là điều rất cần thiết và còn tự hào về dũng khí của cha ông mình trong công cuộc chống ngoại xâm”./.