Chùa Bồ Đề (nơi Ni sư Thích Đàm Lan trụ trì) nằm nép mình bên dòng sông Hồng, ngôi chùa u tịch, thâm nghiêm, rợp bóng cây xanh với dãy nhà sạch sẽ tinh tươm. Dịp Đại lễ Phật đản (Phật lịch 2567-Dương lịch 2023) năm nay, đông đảo Phật tử khiêm mình cúi người lễ Phật, tiếng chuông xen lẫn tiếng thì thầm nguyện cầu nơi cửa Phật.
Trong không gian chốn thanh tịnh, giọng Ni sư Thích Đàm Lan khúc triết khi kể về quãng thời gian làm từ thiện của mình. Câu chuyện của thầy thi thoảng bị ngắt quãng, khi những Phật tử tới chào thầy.
Thầy lý giải những việc làm của mình trong suốt thời gian qua là công sức của các sư trong chùa, tấm lòng của các Phật tử trong và ngoài nước. Nhiều trẻ em bị gia đình bỏ rơi từ thuở lọt lòng, lang thang cơ nhỡ, người già không nơi nương tựa, cũng tìm đến chùa tá túc, nương thân. Ròng rã hơn 30 năm qua, Ni trưởng đã trực tiếp hoặc gián tiếp nuôi dưỡng hàng trăm người. Thầy cưu mang, đỡ đầu cho nhiều trẻ em được ăn học, nhiều em nay đã trưởng thành, thành người có ích cho xã hội.
Việc làm từ thiện xuất phát từ một trong những điều giáo lý nhà Phật, khuyên giải con người hướng tới: Giúp đỡ người nghèo, cứu vớt những mảnh đời lầm lạc… Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, Ni sư Thích Đàm Lan không quản ngại khó khăn đã cưu mang, chăm sóc những mảnh đời bất hạnh, không nơi nương tựa hàng chục năm qua.
Bản thân nhận thức được tấm lòng từ bi cứu khổ cứu nạn; ngay từ những ngày đầu tu học Ni sư Đàm Lan đã có ý thức về công tác từ thiện nhân đạo. "Năm 1989, thấy cảnh sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn, tôi đã tích cực tham gia các công tác Phật sự song song giữa đạo và đời, trong 49 năm gắn bó với đạo đã hết lòng giúp đỡ bà con, cùng bà con chung sức xây dựng đời sống mới khu dân cư. Hơn 30 năm giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh như các cháu nhiễm chất độc da cam, Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng, các cháu tàn tật, mồ côi cha mẹ, các cụ già cô đơn không nơi nương tựa, những mảnh đời sa ngã nhẹ dạ,… giúp được hơn 300 người, lớn lên đã có cuộc sống trở lại, có công ăn việc làm, có gia đình bình thường như mọi người khác", Ni sư chia sẻ.
Không chỉ nuôi dưỡng người nghèo, trẻ em không nơi nương tựa, thầy còn năng nổ với công tác xã hội. Mỗi khi biết tin ở đâu gặp nạn, thầy đều tận tình chia sẻ. Bản thân Ni sư Đàm Lan còn tham gia rất nhiều các phong trào từ thiện xã hội như xây dựng nhà tình nghĩa, phát triển Quỹ vì người nghèo, Hội khuyến học, giúp đỡ các đồng bào bị thiên tai lũ lụt…, giúp đỡ những người bị nhiễm HIV, động viên, tuyên truyền cho bà con Phật tử hiểu và thương, chống kỳ thị với những người bệnh bị HIV… Với cả tấm lòng nhiệt huyết dành cho công tác thiện nguyện xã hội, thầy đã đóng góp công sức vào mục tiêu an sinh xã hội của Thủ đô và đất nước.
“Cá nhân tôi rất xúc động khi được chứng kiến những hoạt động thiện nguyện của Ni trưởng Thích Đàm Lan trong thời gian qua. Những việc làm của Ni trưởng góp phần lan tỏa, khơi dậy trách nhiệm, tình cảm tương thân tương ái . Thay mặt Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới Ni trưởng cùng toàn thể các vị chư tôn đức, tăng ni, đồng bào Phật tử đón một mùa Phật đản an lành, vui tươi, hạnh phúc. Mong rằng, thời gian tới Ni trưởng tiếp tục phát huy truyền thống hộ quốc, an dân, “Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật”, góp phần khơi dậy trách nhiệm, tình cảm tương thân tương ái của toàn xã hội”, Uỷ viên trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cảm động nói.
Trăn trở về chuyện xã hội, Ni sư Thích Đàm Lan bộc bạch: “Tôi buồn vì không có cách gì để xã hội bỏ hẳn tệ nạn được. Không ít người con khi đến tuổi trưởng thành, chỉ vì “tham, sân, si” đã không phụng dưỡng quên hết công cha nghĩa mẹ, đẩy những bậc sinh thành của mình ra lề đường”- Ni trưởng giãi bày.
Ni sư cho biết, thầy luôn trăn trở, làm sao chở che, cưu mang được nhiều mảnh đời bất hạnh, không nơi nương tựa. Những việc làm của thầy được nhiều người ủng hộ, nhưng không ít dèm pha. Vượt lên trên dư luận, thầy tự nhủ với lòng: Mình làm việc thiện với cái tâm trong sáng, không vụ lợi. “Bản thân nhà chùa làm từ thiện thật và tin vào Phật, không cầu điều gì cả. Tôi tin vào luật nhân quả… ", Ni Trưởng Thích Đàm Lan nói.
Góp chuyện, Chị Vũ Thị Huyền (Ba Đình, Hà Nội) người đã gắn bó nhiều năm với Chùa Bồ Đề chia sẻ: “Trên đời tôi hiếm gặp một ai tốt như Ni Trưởng Thích Đàm Lan, người đã cưu mang và hồi sinh nhiều mảnh đời bất hạnh dưới mái nhà bình yên, ở ngôi chùa này. Ngày nào cũng như ngày nào, thầy đều dành thời gian ân cần hỏi han từng người một. Chưa bao giờ tôi thấy sư thầy quát mắng hay nặng lời với ai”.
Chạng vạng chiều, chùa Bồ Đề dường như sôi động hẳn bởi những thanh âm thường nhật cuộc sống, tiếng trẻ con bi bô tập nói, tiếng í ới chào hỏi của những đứa trẻ, tiếng mâm đũa va vào nhau lạch cạch… Tôi rảo chân cùng Ni sư Thích Đàm Lan sang khu sinh hoạt thăm các con. Thoáng thấy bóng thầy, lũ trẻ con tranh nhau được ngồi gần, một vài đứa trẻ òa khóc tị phần khi có em được thầy bón cơm. Nụ cười rạng rỡ của Ni trưởng bên những tâm hồn trẻ thơ non nớt, sau bao nhiêu năm qua, thầy đã gắn trọn đời mình với những mảnh đời bất hạnh.
Tiếng chuông chùa dần xa, dòng người đi lễ chùa kẹt cứng cầu Chương Dương. Những chiếc xe ô tô đắt tiền, bóng lộn đang cố nhoài lên trước, bỏ lại phía sau những đụn khói. Văng vẳng bên tai tôi lời của Ni trưởng “Cát bụi rồi lại trở về với cát bụi. Tất cả chỉ là hư vô. Khi sống, mình làm gì có ích cho xã hội, khi ra đi cũng cảm thấy an lòng”. Trong ánh mắt của thầy hằn lên những vết chân chim, trăn trở về tương lai của những đứa trẻ được nuôi nấng ở chùa với đau đáu mong mỏi mai sau các em trở thành người có ích cho xã hội.