Đặc sản mơ chùa hương vào mùa, "hút" khách Hà thành

Đặc sản mơ vàng chùa Hương đang vào mùa có giá dao động từ 30-35 nghìn đồng/kg. Vì giá bình dân, lại hết mùa khá nhanh nên mơ vàng chùa Hương đang rất hút khách Hà thành.

Quả mơ chùa Hương nổi tiếng ngon từ lâu. Mơ Hương Sơn đã đi vào thơ ca, nhạc họa. Giờ đây, đến chùa Hương, người ta chỉ có thể tìm thấy loại quả này tại rất ít nơi ở Hương Sơn.

Giá không đắt đỏ nhưng để mua được những quả mơ vàng ươm, cùi dày, hạt nhỏ, hương thơm dịu, vị chua thanh,... nhiều người Hà Nội phải “xếp hàng” canh mua khá lâu. Bởi, loại quả đặc sản chùa Hương này rất nhanh hết mùa.

Sau mấy ngày liên tục trả đơn mơ vàng đặc sản chùa Hương mà khách đã đặt trước đó khá lâu, chị Lê Ngọc Yến ở Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội) cho biết, trước mùa mơ chín, lượng đơn khách đặt mơ đã lên tới hơn 4 tạ. Thế nên, mấy ngày hôm nay hàng về chị bắt đầu chia mơ trả dần đơn khách đã đặt.

1428923119-mo-chin-1649462760.jpg
Mơ Hương Tích - món quà quý từ thiên nhiên

Các khách đặt mơ đều là để ngâm với đường làm nước mơ uống giải nhiệt mùa hè, hoặc lấy ngâm rượu. Do đó, mọi người thường đặt mua số lượng lớn, thậm chí có khách còn đặt luôn rượu mơ chị ngâm, chị cho hay.

Theo chị Yến, mơ chùa Hương nổi tiếng thơm ngon nhưng giá lại khá rẻ, không hề đắt đỏ như những loại đặc sản khác. Ở Hà Nội, mua mơ chùa Hương về ngâm đã thành thói quen của nhiều gia đình khi vào mùa quả chín. Thậm chí, có những người còn đặt mua cách đây cả tháng khi quả vẫn còn nhỏ và xanh.

Chị Trần Bảo Ngân bán đặc sản online ở Hà Đông (Hà Nội) thổ lộ: “Khách sành ăn đa phần đều đặt mua từ 5-10kg, có người còn đặt 20kg về ngâm hoặc làm ô mai. Đến nay lượng đơn khách đặt lên tới hơn một tấn, tôi mới về được 3 chuyến để trả hàng dần”, chị Ngân tiết lộ.

Trên thị trường, mơ chùa Hương được rao bán khá nhiều, giá dao động từ 15.000-20.000 đồng/kg. Song, đây là mơ xô, quả xanh thường nhiều hơn quả chín. Còn đối với loại mơ chín vàng ươm, thịt quả cứng có giá lên tới 35.000-50.000 đồng/kg.

Mơ chùa Hương hay còn gọi là mơ Hương Tích, là giống mơ nổi tiếng thơm ngon bởi hạt nhỏ, cùi dày, vị chua nhẹ đặc biệt có mùi thơm dịu thoang thoảng. Nhắc đến chùa Hương, không thể không nói đến mơ Hương Tích. Nhờ thổ nhưỡng đặc biệt của vùng núi đá vôi nên mơ chùa Hương nổi tiếng khắp đất Bắc bởi quả to, hạt nhỏ, cùi dày và mọng nước, vị chua nhẹ, thanh mà không gắt. Quả mơ là món quà quý của Hương Sơn, thường được dùng để làm nước giải khát hay chế biến thành rượu mơ. Trước đây, chùa Hương với một rừng mơ Hương Tích có những cây mơ già hàng trăm tuổi cho thu hoạch hàng tấn quả chất lượng.

Rừng mơ Hương Tích tập trung ở sườn núi các thung lũng nằm ở phía Nam Hương Tích thuộc địa phận thôn Yến Vĩ và một số ít phân bổ ở các thung lũng vùng núi Tuyết Sơn thuộc thôn Phú Yên.

Riêng về trái mơ, dẫu miền Bắc nhiều nơi có, tựu trung vẫn chỉ có hai dòng: mơ đồng bằng và mơ núi đá vôi. Mơ đồng bằng hình dáng to mập, bầu bĩnh, song chất lượng kém, hạt to, thịt mỏng, ít độ chua. Còn mơ núi đá vôi, nhất là mơ Hương Tích, thì hình thon, dáng chắc, cùi dày hạt nhỏ, không những chua hơn mà còn có mùi thơm, đang khát chỉ cần ăn một trái thôi là khỏi khát liền tức khắc.
 
Tuy nhiên, mơ Hương Tích cũng có những chủng loại khác nhau. Cây mơ mọc ở giữa thung, trái thưa và có vị hơi đăng đắng. Còn những cây mọc ở sườn và cật núi, trái vừa sai, vừa nhỏ chắc, lại giòn. Người trồng mơ vùng Hương Tích thường phân biệt: Mơ chấm đỏ, trái có nhiều chấm đỏ như son, sai trái, ăn rất thơm. Mơ chấm đen, trái chín da có nhiều chấm màu thẫm, chất lượng kém, màu cũng không đẹp. Mơ đào, hình mẩy to, giống trái đào, chất cũng khá. Mơ trắng, loại này lúc chín da bóng lộn màu vàng sáng, ít chua hơn một chút, nhưng nhiều thịt, cũng nhiều người thích.

Hàng năm đến vụ mơ. Nếu mỗi gia đình ngâm được một bình mơ với đường, nhất là loại mơ Hương Tích thì đến mùa hè sẽ có một loại nước giải khát tuyệt vời. Chưa kể, nếu ta cố tình bỏ quên bình nước “cốt mơ” ấy đến năm sau, thì dám chắc chẳng có thứ rượu vang nào sánh kịp.
 
Uống một ly rượu ấy vào một bữa trời chiều động gió nào đấy, dù không phải là thi sĩ Nguyễn Bính, bạn vẫn có thừa tưởng tượng để hình dung ở phía trước mặt mình, đang... “thấp thoáng rừng mơ, cô hái mơ”... (trích đoạn bài viết của tác giả Nguyễn Hà).

Anh Vân (t/h)