Đặc điểm, vai trò, vị trí của ngành nông nghiệp

Nông nghiệp là ngành có lịch sử phát triển lâu đời, các hoạt động nông nghiệp đã có từ hàng nghìn năm nay kể từ khi con người bỏ nghề săn bắn và hái lượm.
usfarm-1698894209.jpg
Đặc điểm, vai trò, vị trí của ngành nông nghiệp.

Nông nghiệp là một ngành kinh tế quốc dân, một trong những bộ phận chủ yếu của sản xuất vật chất, sản xuất thực phẩm cho nhân dân và nguyên liệu cho công nghiệp. Trong nông nghiệp, việc sản xuất sản phẩm không những gắn liền với quá trình kinh tế, mà cũng gắn liền với quá trình tự nhiên của tái sản xuất. Muốn kinh doanh nông nghiệp một cách đúng đắn điều quan trọng là hiểu biết và khéo sử dụng các quy luật kinh tế của sự phát triển động vật và thực vật. Nông nghiệp bao gồm hai tổng hợp ngành: ngành trồng trọt và chăn nuôi. Ngành trồng trọt bao gồm sản xuất ngũ cốc, cây công nghiệp, khoai tây, trồng rau, làm vườn, nghề trồng cỏ… Ngành chăn nuôi bao gồm việc nuôi súc vật lớn, cừu, lợn, gia cầm…

Trong nông nghiệp ruộng đất là một trong những tư liệu sản xuất chủ yếu. Đặc điểm của ruộng đất với tư cách tư liệu sản xuất là: nếu sử dụng ruộng đất đúng đắn, thì độ phì của đất không bị cạn kiệt, mà tăng lên. Đặc trưng cho nông nghiệp là tính chất thời vụ của những công việc quan trọng nhất về sản xuất, sản phẩm, là sự tách rời khá lớn giữa thời gian sản xuất và thời kỳ làm việc do đặc điểm của sản xuất nông nghiệp tạo nên.

Nông nghiệp truyền thống Việt Nam là một nền nông nghiệp thâm canh lúa nước và trồng màu, nay đã phân chia thành nhiều ngành sản xuất. Từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những tiến bộ quan trọng: sản xuất nông nghiệp trở nên phong phú và đa dạng, phát huy được tiềm năng của các vùng tự nhiên đồng bằng, trung du, miền núi, bộ giống cây (nhất là lúa và giống cây lương thực) và vật nuôi được cải biến; hệ thống thủy lợi phát triển; phân bón và thuốc trừ sâu được cung cấp tương đối đầy đủ. Sản lượng và năng suất trồng trọt và chăn nuôi đều tăng rõ rệt.

Đặc điểm của sản xuất nông nghiệp: Đất trồng là tư liệu sản xuất chủ yếu và không thể thay thế

Đây là đặc điểm quan trọng phân biệt nông nghiệp với công nghiệp. Không tí có sản xuất nông nghiệp nếu không có đất đai. Quy mô và phương hướng sản xuất mức độ thâm canh và cả việc tổ chức lãnh thổ phụ thuộc nhiều vào đất đai. Đặc điểm này đòi hỏi trong sản xuất nông nghiệp phải duy trì và nâng cao độ phì cho đất, phải sử dụng hợp lí và tiết kiệm đất.

Đối tượng của sản xuất nông nghiệp là các loại cây trồng và vật nuôi

Đối tượng của sản xuất nông nghiệp là các sinh vật, các cơ thể sống. Chúng sinh trưởng và phát triển theo các quy luật sinh học và chịu tác động rất lớn của quy luật tự nhiên. Vì vậy, việc hiểu biết và tôn trọng các quy luật sinh học, quy luật tự nhiên là một đòi hỏi quan trọng trong quá trình sản xuất nông nghiệp.

Sản xuất nông nghiệp có tính mùa vụ

Đây là đặc điểm điển hình của sản xuất nông nghiệp, nhất là trong trồng trọt. Thời gian sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi tương đối dài, không giống nhau và thông qua hàng loạt giai đoạn kế tiếp nhau. Thời gian sản xuất bao giờ cũng dài hơn thời gian lao động cần thiết để tạo ra sản phẩm cây trồng hay vật nuôi. Sự không phù hợp nói trên là nguyên nhân gây ra tính mùa vụ. Để khắc phục tình trạng này, cần thiết phải xây dựng cơ cấu nông nghiệp hợp lí, đa dạng hóa sản xuất (tăng vụ, xen canh, gối vụ), phát triển ngành nghề dịch vụ.

Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên

Đặc điểm này bắt nguồn từ đối tượng lao động của nông nghiệp là cây trồng và vật nuôi. Cây trồng và vật nuôi chỉ có thể tồn tại và phát triển khi có đủ năm yếu tố cơ bản của tự nhiên là nhiệt độ, nước, ánh sáng, không khí và dinh dưỡng. Các yếu tố này kết hợp chặt chẽ với nhau, cùng tác động trong một thể thống nhất và không thể thay thế nhau.

Trong nền kinh tế hiện đại, nông nghiệp trở thành ngành sản xuất hàng hóa

Biểu hiện cụ thể của xu hướng này là việc hình thành và phát triển các vùng chuyên môn hóa nông nghiệp và đẩy mạnh chế biến nông sản để nâng cao giá trị thương phẩm.

Vai trò của nông nghiệp với phát triển kinh tế: Ngành nông nghiệp cung cấp lương thực, thực phẩm cho nhu cầu xã hội:

Nông nghiệp là ngành sản xuất vật chất cơ bản, giữ vai trò to lớn trong việc phát triển kinh tế ở hầu hết cả nước, nhất là ở các nước đang phát triển. Ở những nước này còn nghèo, đại bộ phận sống bằng nghề nông. Tuy nhiên ở những nước có nền công nghiệp phát triển cao, mặc dù tỷ trọng GDP nông nghiệp không lớn, nhưng khối lượng nông sản của các nước này khá lớn và không ngừng tăng, đảm bảo cung cấp đủ cho đời sống cho con người những sản phẩm tối cần thiết đó là lương thực, thực phẩm. Lương thực thực phẩm là yếu tố đầu tiên, có tính chất quyết định sự tồn tại phát triển của con người và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Xã hội càng phát triển, đời sống của con người ngày càng được nâng cao thì nhu cầu của con người về lương thực, thực phẩm cũng ngày càng tăng cả về số lượng, chất lượng và chủng loại. Điều đó do tác động của các nhân tố: sự gia tăng dân số và nhu cầu nâng cao mức sống của con người. Thực tiễn lịch sử các nước trên thế giới đã chứng minh, chỉ có thể phát triển kinh tế một cách nhanh chóng, chừng nào quốc gia đó đã có an ninh lương thực. Nếu không đảm bảo an ninh lương thực thì khó có sự ổn định chính trị và thiếu sự đảm bảo cơ sở pháp lý, kinh tế cho sự phát triển, từ đó sẽ làm cho các nhà kinh doanh không yên tâm bỏ vốn vào đầu tư dài hạn.

Cung cấp yếu tố đầu vào cho phát triển công nghiệp và khu vực đô thị:

Nông nghiệp của các nước đang phát triển là khu vực dự trữ và cung cấp lao động cho phát triển công nghiệp và đô thị. Khu vực nông nghiệp còn cung cấp nguồn nguyên liệu to lớn cho công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến. Thông qua công nghiệp chế biến, giá trị của sản phẩm nông nghiệp nâng lên nhiều lần, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hoá, mở rộng thị trường…

Khu vực nông nghiệp là nguồn cung cấp vốn lớn nhất cho sự phát triển kinh tế trong đó có công nghiệp, nhất là giai đoạn đầu của công nghiệp hóa, bởi vì đây là khu vực lớn nhất, xét cả về lao động và sản phẩm quốc dân. Nguồn vốn từ nông nghiệp có thể được tạo ra bằng nhiều cách, như tiết kiệm của nông dân đầu tư vào các hoạt động phi nông nghiệp, thuế nông nghiệp, ngoại tệ thu được do xuất khẩu nông sản… trong đó thuế có vị trí rất quan trọng.

Làm thị trường tiêu thụ của công nghiệp và dịch vụ:

Nông nghiệp và nông thôn là thị trường tiêu thụ lớn của công nghiệp. Ở hầu hết các nước đang phát triển, sản phẩm công nghiệp, bao gồm tư liệu tiêu dùng và tư liệu sản xuất. Sự thay đổi về cầu trong khu vực nông nghiệp, nông thôn sẽ có tác động trực tiếp đến sản lượng ở khu vực phi nông nghiệp. Phát triển mạnh mẽ nông nghiệp, nâng cao thu nhập dân cư nông nghiệp, làm tăng sức mua từ khu vực nông thôn sẽ làm cho cầu về sản phẩm công nghiệp tăng, thúc đẩy công nghiệp phát triển, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm của nông nghiệp và có thể cạnh tranh với thị trường thế giới.

Nông nghiệp tham gia vào xuất khẩu:

Nông nghiệp được coi là ngành đem lại nguồn thu nhập ngoại tệ lớn. Các loại nông, lâm thủy sản dễ dàng gia nhập thị trường quốc tế hơn so với các hàng hóa công nghiệp. Vì thế, ở các nước đang phát triển, nguồn xuất khẩu để có ngoại tệ chủ yếu dựa vào các loại nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên xuất khẩu nông, lâm thuỷ sản thường bất lợi do giá cả trên thị trường thế giới có xu hướng giảm xuống, trong lúc đó giá cả sản phẩm công nghiệp tăng lên, tỷ giá kéo khoảng cách giữa hàng nông nghiệp và hàng công nghệ ngày càng mở rộng làm cho nông nghiệp, nông thôn bị thua thiệt so với công nghiệp và đô thị. Gần đây một số nước đa dạng hoá sản xuất và xuất khẩu nhiều loại nông lâm thuỷ sản, nhằm đem lại nguồn ngoại tệ đáng kể cho đất nước.

Nông nghiệp có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường:

Nông nghiệp và nông thôn có vai trò to lớn, là cơ sở trong sự phát triển bền vững của môi trường vì sản xuất nông nghiệp gắn liền trực tiếp với môi trường tự nhiên: đất đai, khí hậu, thời tiết, thủy văn. Nông nghiệp sử dụng nhiều hoá chất như phân bón hoá học, thuốc trừ sâu bệnh… làm ô nhiễm đất và nguồn nước. Quá trình canh tác, sản xuất nông nghiệp dễ gây ra xói mòn ở các triền dốc thuộc vùng đồi núi và khai hoang mở rộng diện tích đất rừng. Vì thế cần tìm những giải pháp thích hợp để duy trì và tạo ra sự phát triển bền vững của môi trường./.

Lê Văn Long