Lãi suất bất ngờ tăng vọt do hiệu ứng mùa vụ
Cụ thể, trong phiên 25/12, lãi suất bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính, chiếm khoảng 90% doanh số giao dịch) đã tăng vọt lên 0,74%/năm từ mức 0,25%/năm ghi nhận vào cuối tuần trước.
Còn kỳ hạn 1 tuần ở mức 1,76%, tăng 1,2% so với cuối tuần trước, kỳ hạn 2 tuần lên 1,74%, kỳ hạn 1 tháng ở mức 1,57%.
Tiếp đến phiên 27/12, lãi suất bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm tiếp tục nhích lên mức 0,79%/năm. Lãi suất kỳ hạn 1 tuần từ 1,76%/năm lên 2,17%/năm, 2 tuần từ 1,74%/năm lên 2,06%/năm, 1 tháng từ 1,57%/năm lên 2,06%/năm.
Phiên ngày 28/12 cũng là phiên gần nhất theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất bình quân liên ngân hàng ở kỳ hạn qua đêm và kỳ hạn 1 tuần đã dịu lại.
Đơn cử, kỳ hạn qua đêm lãi suất giảm còn 0,51%/năm. Lãi suất kỳ hạn 1 tuần giảm từ 2,17%/năm về 1,85%/năm. Tuy nhiên, lãi suất kỳ hạn 2 tuần từ 2,06%/năm lên 2,21%/năm, kỳ hạn 1 tháng lãi suất từ 2,06%/năm lên 2,29%/năm.
Lãi suất kỳ hạn qua đêm và kỳ hạn 1 tuần đã dịu lại là do Ngân hàng Nhà nước đã bơm tiền ra thị trường trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2023.
Theo ghi nhận, trước đó lãi suất qua đêm đã có hơn 1 tháng duy trì ở vùng thấp - dưới 0,2%/năm sau khi Ngân hàng Nhà nước dừng phát hành tín phiếu mới và các lô tín phiếu cũ lần lượt đáo hạn.
Các chuyên gia cho rằng, việc lãi suất liên ngân hàng bất ngờ tăng vọt là do hiệu ứng mùa vụ, tuy nhiên không xảy ra tình trạng thiếu hụt thanh khoản.
Ở chiều ngược lại, tại thị trường dân cư, lãi suất huy động liên tục giảm sốc. Hiện, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng tại Vietcombank chỉ còn 1,9%/năm, giảm thêm 0,3%/năm so với mức trước đó.
Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) cũng đã giảm mạnh lãi huy động kỳ hạn 1 - 2 tháng xuống mức 1,9%/năm - ngang với mức lãi suất huy động tại Vietcombank và cũng là mức thấp nhất thị trường hiện nay. Sau lần điều chỉnh này, lãi suất huy động kỳ hạn 6 - 11 tháng tại SCB chỉ còn 3,2%/năm; kỳ hạn 12 tháng trở lên chỉ còn 4,8%/năm.
Tương tự, OceanBank cũng giảm lãi suất huy động từ 0,3 - 0,7%/năm ở các kỳ hạn. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 1 - 2 tháng còn 3,7%/năm. Kỳ hạn 12 - 15 tháng cũng chỉ còn 5,5%/năm.
Công ty CP chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, lãi suất huy động giảm phần nhiều do nhu cầu vốn trong nền kinh tế còn yếu khiến các ngân hàng không có nhiều áp lực trong huy động.
Lãi suất thấp nhưng tiền gửi của người dân vẫn "chảy" vào ngân hàng
Theo Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi tiết kiệm của người dân vào hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 9/2023 đạt hơn 6,449 triệu tỉ đồng, tăng 9,95% so với cuối năm 2022. Đây là tháng thứ 13 tiền gửi của người dân "chảy" vào ngân hàng. So với cuối tháng 8/2023, tiền gửi của người dân vào ngân hàng tăng thêm 15.935 tỉ đồng. Còn so với cuối năm 2022, tiến gửi tăng thêm hơn nửa triệu tỉ đồng, với 583.494 tỉ đồng.
Đối với tiền gửi của tổ chức kinh tế, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, cuối tháng 9 này, lượng tiền đạt hơn 6,23 triệu tỉ đồng, tăng đột biến tới 217.353 tỉ đồng so với cuối tháng 8/2023.
Theo các chuyên gia kinh tế, kinh tế thế giới vẫn có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế trong nước. Các kênh đầu tư bất động sản, vàng có nhiều rủi ro, nhất là thị trường bất động sản gần như đóng băng.
Do vậy, để đảm bảo tài sản, người dân chọn gửi tiền vào ngân hàng. Đây được xem là kênh giữ tiền an toàn và sinh lợi dù lãi suất tiền gửi liên tục giảm kể từ tháng 3 trở lại đây./.