Các việc này cần phải xong trước tháng 5/2006, thời gian ta đàm phán vòng cuối với Hoa Kỳ. Công việc lớn nhất là hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, đặc biệt là các luật về kinh tể cho phù hợp với tiêu chuẩn thành viên WTO. Với thời hạn đó, Chính phủ đã bàn và đưa ra tiến độ triển khai các việc. Đối với việc sửa các luật, dứt khoát phải được Quốc Hội biểu quyết thông qua vào kỳ họp cuối năm 2005.
Thông thường muốn Quốc Hội thông qua 1 luật hoặc 1 luật sửa đổi thì phải qua 2 kỳ họp. Kỳ đầu nghe cơ quan soạn thảo trình bày. Kỳ sau thảo luận và biểu quyết thông qua. Giữa 2 kỳ là hội thảo, thảo luận, lấy ý kiến cử tri, các hội đoàn, các doanh nghiệp và hội doanh nghiệp .v.v.
Thường trực Chính phủ làm việc với Thường vụ Quốc Hội xin ý kiến giải quyết và đề nghị cho cơ chế đặc thù, vì thời gian quá gấp, không thể trình vào kỳ họp giữa năm mà trình và thông qua trong cùng 1 kỳ họp vào cuối năm 2005. Thường vụ Quốc Hội đồng ý và yêu cầu luật thông qua theo cơ chế đặc nhưng phải được thống nhất cao, không gò ép. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao triển khai 3 luật: Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư và Luật Đấu thầu.
Chúng tôi bắt tay ngay vào triển khai công việc. Mọi việc rất khẩn trương. Hiện tại ở ta đang có 3 luật liên quan đến doanh nghiệp và đầu tư. Luật doanh nghiệp chỉ điều chỉnh doanh nghiệp trong nước. Luật đầu tư nước ngoài điều chỉnh cả đầu tư và hoạt động doanh nghiệp cho nhà đầu tư nước ngoài và luật khuyến khích đầu tư trong nước. Công việc rất phức tạp rất gấp, phải đáp ứng được cả yêu cầu về thời gian và chất lượng.
Chúng tôi nhanh chóng đưa ra dự thảo. Cùng với Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội tổ chức nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến của các đơn vị và cá nhân trong và ngoài nước có liên quan. Các cơ quan liên quan cũng tổ chức hội thảo góp ý kiến. Không khí thật là sôi động! Suốt mùa hè năm 2005 chúng tôi cùng với các anh bên Ủy ban Kinh tế và Ngân sách làm việc gần như không có ngày nghỉ.
Rất nhiều ý kiến góp ý. Nhưng cũng rất đa chiều và khác biệt thậm chí ngược nhau. Vì đây là vấn đề rất phức tạp. Liên quan đến vấn đề mở cửa thị trường trong nước, bảo hộ doanh nghiệp trong nước đang rất non yếu. Liên quan đến vai trò của doanh nghiệp nhà nước.
Nó liên quan cả đến việc quản lý nhà nước trong đầu tư và kinh doanh nhất là với đầu tư của nước ngoài. Mọi việc phức tạp nhưng rồi cũng tạm ổn. Ngày 15-16/8/2005 chúng tôi cũng trình được dự thảo 3 luật ra Hội nghị các đại biểu chuyên trách của Quốc hội. Sau đó lại tiếp tục tiếp thu và hoàn thiện. Ngày 26/9/2005 Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến, đề nghị Chính Phủ tiếp thu hoàn chỉnh và trình Quốc Hội trong phiên họp tháng 10/2005.
Ban soạn thảo tiếp thu chỉnh sửa. Ngày 1/11/2005 tôi thay mặt Chính phủ đọc tờ trình trước Quốc Hội về 3 luật. Sau ngày đó các đại biểu Quốc Hội thảo luận tại tổ. Đổng thời các viện nghiên cứu, các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước lại tổ chức hội thảo góp ý. Ngày 21/11/2005 Quốc Hội thảo luận cho ý kiến lần cuối về 3 luật trên hội trường. Không khí thảo luận sôi nổi. Vẫn còn ý kiến khác! Ngày đó Quốc Hội vẫn họp ở Hội trưởng Ba Đình cũ.
Phía bên phải hội trường có một phòng nhỏ dành cho các thành viên ủy ban Thường vụ hội ý và nghỉ giải lao. Phòng bên trái thì dành cho các thành viên chính phủ. Hôm đó giờ giải lao tôi vào phòng hội ý của Thường vụ Quốc Hội. Có đầy đủ các đồng chí lãnh đạo Quốc Hội ở đó. Vừa ngồi xuống uống nước. Thì có một vị đại biểu, nguyên là bộ trưởng, nguyên Ủy viên Trung ương, lại là lớp đàn anh thân thiết của tôi ở Trung ương và chính phủ đưa cho tôi 2 tờ Thanh Niên và Tuổi Trẻ rồi nói: “Bộ trưởng thì đang ra sức bảo vệ luật. Trong hội thảo thì lính tráng của Bộ nói ngược lại. Phải là lính của tôi thì tôi vặn sái cổ.”
Tôi xem kỹ 2 tờ báo. Hai tờ đều đưa tin ý kiến của Nguyễn Đình Cung và Võ Trí Thành. Cả hai đều là Trưởng ban của Viện Quản lý Kinh tế TW thuộc Bộ KH và ĐT. Ý kiến của hai anh khác với một điều trong dự thảo luật. Ý kiến vừa phát trong hội thảo chỉ cách đó vài ngày. Mọi người chuyển tay nhau xem bài báo. Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An hỏi tôi: “ Phúc nghĩ sao?”
Tôi trả lời “Báo cáo anh, anh em ở Viện nghiên cứu họ nói thì để họ nói. Ta cân nhắc tiếp thu đến đâu là việc của ta. Họ nói trên góc độ cán bộ nghiên cứu. Ta làm công tác quản lý nên phải nghe nhiều chiều hơn”.
Chủ tịch Nguyễn Văn An bảo: “Đúng, cậu nghĩ thế là đúng. Cứ đề cho anh em họ nói. Càng nhiều ý kiến càng tốt, càng có nhiều lựa chọn. Nhưng mà mình phải biết chắt lọc! Làm lãnh đạo càng phải biết lắng nghe. Cậu cứ cho anh em góp ý. Cần phải chú ý thống nhất cao trong các Đại biểu và đảm bảo thông qua được luật. Phải nêu cao vai trò phản biện nhất là khi làm luật. “Quốc Hội thảo luận trong 2 ngày 21 và 22/11/2005. Ý kiến khá thống nhất. Ngày 29/11 Quốc Hội thông qua 3 luật trên.
Sau đó ít hôm, Bộ họp tổng kết công tác xây dựng luật. Nhiều anh em nhắc lại chuyện cũ. Tôi gạt đi và nói: “Anh em cán bộ nghiên cứu họ nói theo góc độ nghiên cứu. Anh An, chủ tịch Quốc Hội cũng biết việc này và đã nói: “Cử để cho anh em họ nói”. Tôi nói thêm: “Các anh biết rồi, Cung và Thành xưa nay là những người hay nói. nói ở hội nghị, hội thảo. Nói hay, nói mạnh, tôi vẫn gọi đó là người “bạo ngôn”.
Mọi người cho qua… Năm 2008 cán bộ lãnh đạo viện QLKTTW nghỉ hưu và chuyển công tác. Viện khuyết 2 viện phó. Thăm dò anh em trong viện để cứ mấy người. Cung và Thành xếp trên. Viện trưởng sang thăm dò ý kiến tôi. Tôi ủng hộ cả hai anh. Viện làm thủ tục giới thiệu Cung và Thành lên Ban Cán sự Đảng và Đảng ủy cơ quan. Mọi người lại nhắc chuyện cũ. Khi soi hồ sơ lại phát hiện thêm một lỗi nữa.
Đó là cả 2 vị đều chưa có bằng Lý luận Chính trị Cao cấp. Tôi lại phải thuyết phục Ban Cán sự Đảng và Thường vụ Đảng ủy. Chuyện cũ thì mọi người cho qua vì trước đây đã cho qua rồi. Chuyện mới thì nhiều ý kiến gay gắt, yêu cầu cứ theo tiêu chuẩn bằng cấp.
Tôi lại thuyết phục mọi người bằng một câu chuyện cũ: “Chuyện hồi tôi lên Thứ trưởng, lúc đó Ủy ban Kế hoạch Nhà nước để nghị 3 người. Một bộ nữa đề nghị 2. Cả 3 chúng tôi đều có bằng Lý luận Chính trị Cao cấp. Có một cán bộ ở bộ nọ không có. Nhưng xét hoàn cảnh công tác, lãnh đạo cấp trên cho nợ.” Làm lãnh đạo không thù vặt, anh em mới hào hứng phản biện".
Mọi người cùng cười và đồng ý với đề nghị của tôi: Đồng ý đề bạt Cung và Thành lên Viện phó. Giao Bộ trưởng, Bí thư Ban Cán sự Đảng nói rõ yêu cầu phải đi học Lý luận Chính trị Cao cấp khi trao quyết định bổ nhiệm. Tôi biết Cung và Thành từ khi Viện QLKTTW nhập về Bộ KH và ĐT từ năm 1995.
Chỉ biết nhau trên công việc, vì sở thích khác nhau nên ngoài công việc cũng không giao du. Bây giờ tất cả đã nghỉ hưu lại càng ít gặp. Nhưng mỗi lần có việc gì cần trao đổi. Vừa bấm điện thoại, ngay tức khắc trong máy đã bật ra một giọng Hà tĩnh rất thân thiết: “Anh à! Em đây”. Khác hẳn giọng “bạo ngôn” khi trong hội nghị, hội thảo!./.