Chia sẻ tại phiên tọa đàm về thương hiệu Việt Nam trong Tuần lễ Thương hiệu quốc gia vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu khẳng định, cộng đồng doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài với kiến thức, kinh nghiệm và tình yêu quê hương đã vượt qua nhiều thách thức để đưa hàng hóa từ Việt Nam đến các nước sở tại. Các cơ sở phân phối, quảng bá hàng Việt Nam ở nước ngoài của kiều bào tuy quy mô còn hạn chế nhưng đã phủ sóng trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần quảng bá sản phẩm thương hiệu Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Trong đó, một số trung tâm thương mại, chợ Việt Nam có quy mô lớn và còn nhiều dư địa để hợp tác với doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, cộng đồng này cũng có thể hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp trong nước tìm hiểu về hệ thống luật pháp các nước, thị hiếu của người bản địa nhằm chọn lọc và đưa những sản phẩm Việt Nam vào hệ thống phân phối nước sở tại. Thậm chí đưa cả các sản phẩm Việt Nam lên các nền tảng giao dịch trực tuyến quốc tế giúp được biết đến rộng rãi hơn,…
Cũng bày tỏ tầm quan trọng của kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, ông Hoàng Mạnh Huê, Chủ tịch Liên hiệp các Hội doanh nhân Việt Nam tại châu Âu cho rằng, với hơn 5 triệu kiều bào đang sinh sống tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ thì đây sẽ là cầu nối cực tốt để sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam thâm nhập vào thị trường nước ngoài.
Cụ thể, tại châu Âu (EU), cộng đồng người Việt có thể mang hàng hóa, quảng bá thương hiệu Việt qua việc trực tiếp kinh doanh hàng hoá Việt tại khu vực các nước EU. Hiện nay có khoảng 80% người Việt làm ăn kinh doanh tại Đông Âu thông qua nhập khẩu trực tiếp hàng hóa của Việt Nam vào EU, phân phối trực tiếp tới tay người tiêu dùng hoặc đưa vào hệ thống cung ứng của các doanh nghiệp nước sở tại.
Ông Huê khẳng định, hệ thống kiều bào có thể quảng bá, đem hàng hóa thương hiệu Việt Nam vào EU thông qua các hệ thống Trung tâm thương mại của người Việt. Dù là những doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng những doanh nghiệp Việt tại nước ngoài sở hữu những công ty rất đáng tự hào như công ty có thương hiệu trong lĩnh vực đồ cao cấp thể thao ở Cộng hòa Séc được định giá 400-500 triệu USD. Ở Ba Lan có một công ty do người Việt làm chủ, chuyên nhập khẩu các sản phẩm nông thuỷ sản. Đáng chú ý, doanh nhân Việt này nằm trong top 100 người giàu nhất tại Ba Lan. Ngoài ra, còn có những trang thương mại điện tử được định giá lớn, có thể lên tới khoảng 50 triệu USD,...
Các ông chủ người Việt này đều có quan hệ chặt chẽ với nhiều chuỗi cung ứng và quan hệ với các thương hiệu khác của nước sở tại. Nếu doanh nghiệp trong nước tận dụng và đưa được các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam qua EU thông qua những ông chủ này, thì con đường chinh phục người tiêu dùng EU sẽ được rút ngắn đáng kể. Chưa kể, cơ hội để giới thiệu văn hóa đặc sắc, các mặt hàng truyền thống tiềm năng của Việt Nam thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa tại EU cũng đưa thương hiệu Việt vào với người tiêu dùng EU dễ dàng hơn.