Trong lịch sử đấu tranh bảo vệ An ninh Tổ quốc, Kế hoạch phản gián CM12 là một trong những chiến công đặc biệt xuất sắc và tự hào của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. Kế hoạch CM12 là một chiến dịch phản gián có quy mô lớn cả về thời gian, không gian và lực lượng đấu tranh. Chiến thắng Kế hoạch phản gián CM12 là một dấu mốc quan trọng, là một trong những chiến công hào hùng của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. Thắng lợi của Kế hoạch CM12 là một trong chiến thắng hay nhất, lớn nhất và an toàn nhất của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam kể từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Là thắng lợi của trí tuệ, bản lĩnh và sự sáng tạo của lực lượng Công an nhân dân; trong đó, chủ công là lực lượng An ninh nhân dân.
Kế hoạch CM12 được thực hiện từ tháng 9/1981 đến tháng 9/1984. Trung tâm chỉ huy của Kế hoạch được đặt tại Hòn Đá Bạc, thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Kế hoạch do đồng chí Phạm Hùng - Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) chỉ đạo, đặt tên. Đối tượng đấu tranh trong Kế hoạch là bọn gián điệp, biệt kích, các tổ chức phản động lưu vong, nhất là tổ chức phản động “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất nhưng phải đương đầu muôn vàn khó khăn, cùng với việc bảo đảm phục hồi, phát triển kinh tế, phục vụ đời sống, việc bảo vệ thành quả cách mạng là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. Lợi dụng tình hình, các thế lực thù địch hậu thuẫn mạnh mẽ cho các tổ chức phản động trong và ngoài nước ra đời, đẩy mạnh thực hiện âm mưu phá hoại nhà nước, lật đổ nền chính trị tại Việt Nam. Trong số các tổ chức phản động mới ra đời, tổ chức phản động “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu được nhiều cơ quan tình báo nước ngoài chỉ đạo và hỗ trợ vật chất, trang bị vũ khí, xây dựng căn cứ, huấn luyện biệt kích.... Mục đích của chúng là tung bọn gián điệp biệt kích cùng phương tiện, vũ khí chiến tranh xâm nhập về nước hoạt động chống phá, lật đổ chính quyền Việt Nam còn non trẻ.
Cuối năm 1980, Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh tung toán gián điệp, biệt kích đầu tiên với tên gọi “Minh Vương I” gồm 23 tên xâm nhập vào nước ta bằng đường bộ qua Campuchia vào tỉnh An Giang, Việt Nam. Tuy nhiên, toán này bị ta phát hiện, truy lùng, bắt gần hết (trong đó có 01 tên bị tiêu diệt) và thu giữ điện đài, vũ khí cùng nhiều phương tiện hoạt động khác.
Ban Chuyên án CM 12 nhận định nhiều khả năng bọn phản động sẽ không từ bỏ âm mưu nhưng sẽ thay đổi hướng xâm nhập bằng cách đi đường biển vào các tỉnh phía Nam. Dựa trên những thông tin mà các đối tượng chuyển về căn cứ theo chỉ đạo của Ban Chuyên án CM12, các đối tượng Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh tiếp tục chỉ đạo lập kế hoạch “Minh Vương 2” và không di chuyển bằng đường bộ mà thâm nhập bằng đường biển vào Việt Nam. Bằng các biện pháp nghiệp vụ khéo léo, tài tình, Ban Chuyên án CM12 đã xây dựng, chuẩn bị thế trận “đón” địch, dùng người, phương tiện của địch để “câu, nhử” địch, mục đích bắt gọn số gián điệp biệt kích đã được huấn luyện, hàng hóa, vũ khí địch mang vào đất liền. Ban Chuyên án đã lựa chọn những cán bộ công an bản lĩnh, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông địa hình, dũng cảm, mưu trí bố trí xâm nhập vào tổ chức địch (đồng chí Trần Phương Thế - tên thường gọi là Tám Thậm, Trưởng phòng Bảo vệ chính trị Ty Công an tỉnh Minh Hải lúc bấy giờ,....).
Được sự hỗ trợ. giúp đỡ tích cực của quần chúng nhân dân cùng với triển khai đồng bộ nhiều kế hoạch có liên quan, từ ngày 09/9/1981 đến ngày 09/9/1984, lực lượng Công an đã đón lõng được 18 chuyển xâm nhập của tổ chức do Mai Văn Hạnh và Lê Quốc Túy cầm đầu. Mỗi chuyến xâm nhập, chúng mang theo hàng chục tấn vũ khí, thuốc nổ cực mạnh, gián điệp biệt kích... Đặc biệt, với vai trò chỉ huy, cầm đầu, Mai Văn Hạnh nhiều lần trực tiếp xâm nhập về nước để kiểm tra kho tang, “mật cứ”, gặp gỡ số gián điệp biệt kích đã xâm nhập từ trước cùng với những tên cầm đầu các tổ chức phản động trong nước vạch các kế hoạch đánh phá cách mạng mà không biết rằng tất cả đã nằm trong sự tính toán và kế hoạch của lực lượng CAND Việt Nam. Đến ngày 09/9/1984, khi hai con tàu xâm nhập cuối cùng đổ bộ vào Việt Nam, Ban Chuyên án đã quyết định bắt giữ toàn bộ tài liệu, tang vật cùng Mai Văn Hạnh và Trần Văn Bá, riêng Lê Quốc Túy do bệnh nặng đã không đi trong chuyến này. Như vậy, hầu hết số gián điệp, biệt kích đã được huấn luyện với vũ khí, phương tiện đã được trang bị, lực lượng An ninh Việt Nam quyết định kết thúc Kế hoạch CM12 bằng trận đánh cuối cùng vào đêm 9/9/1984 tại địa điểm Hòn Đá Bạc.
Kết thúc chuyên án sau 3 năm (từ năm 1981 đến 1984), Kế hoạch phản gián CM12 của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam đã thành công rực rỡ. Lực lượng An ninh Việt Nam đã tổ chức, đón bắt 18 chuyển xâm nhập, 189 tên phản động lưu vong, thu giữ 143 tấn vũ khí, 90 tấn đạn dược, 1,2 tấn chất nổ, 14 tấn tiền giả; bắt và tiêu diệt hàng trăm tên gián điệp, biệt kích, thu hàng trăm tấn vũ khí, nhiều phương tiện chiến tranh. Phá tan hàng chục tổ chức phản động trong nước, làm phá sản toàn bộ hoạt động vũ trang và xâm nhập từ bên ngoài vào Việt Nam hỏng gây bạo loạn. lật đổ...Qua thực hiện Kế hoạch CM12, lực lượng An ninh còn phát hiện, đấu tranh bóc gỡ hàng chục tổ chức phản động do địch cài lại trong nội địa, bắt hàng ngàn tên đang ẩn nấp trong các vỏ bọc khác nhau ở miền Trung, miền Đông và miền Tây Nam bộ.
Ghi nhận, đánh giá cao chiến công đặc biệt xuất sắc của các lực lượng tham gia thực hiện thắng lợi Kế hoạch CM12, Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 2 tập thể (Tổ chuyên viên giúp việc cho đồng chí Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm và Đại đội đặc biệt) và 3 cá nhân (đồng chí Nguyễn Phước Tân, đồng chí Trần Phương Thế, đồng chí Nguyễn Thành Lập). Rất nhiều Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, cờ thi đua và bằng khen của Chính phủ và Bộ Công an cho một số đơn vị và đông đảo cán bộ chiến sỹ Công an, Quân đội có công trong Kế hoạch CM12.
Để ghi lại dấu ấn lịch sử Hòn Đá Bạc - địa danh đã thực hiện thắng lợi Kế hoạch CM12, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận địa danh này là di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia. Nơi đây có Nhà truyền thống, Tượng đài chiến thắng CM12, góp phần tăng cường giáo dục truyền thống, chính trị tư tưởng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ CAND.
Kế hoạch CM12 đã triệt phá âm mưu và hoạt động nhằm lật đổ chính quyền cách mạng của tổ chức phản cách mạng do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu và nhiều tổ chức phản động trong nội địa, các đầu mối nội gián địa bàn miền Trung, miền Tây, Đông Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh; phát hiện được âm mưu, ý đồ của các thế lực phản động, các cơ quan tình báo nước ngoài, vạch trần bộ mặt thật của kẻ thù đối với Việt Nam lúc bấy giờ.
Kế hoạch CM12 là chiến công có ý nghĩa và bài học vô cùng to lớn, mang tầm chiến lược không chỉ về mặt nghiệp vụ mà còn có giá trị lịch sử hết sức quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ An ninh quốc gia.
Thành công của Kế hoạch CM12 chính là khả năng dự báo chính xác tình hình, lãnh đạo chỉ huy tập trung thống nhất, hiệp đồng tác chiến đồng bộ và nhịp nhàng, triển khai các kế hoạch chiến đấu một cách sắc sảo; là thắng lợi của trí tuệ, bản lĩnh và sự sáng tạo của lực lượng CAND Việt Nam, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.
Thắng lợi ấy bắt nguồn từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự lãnh đạo chặt chẽ của Bộ Chính trị, lãnh đạo Bộ Công an và sự tham gia tích cực, quan trọng của cán bộ, chiến sĩ lực lượng An ninh và Công an các địa phương Nam Bộ, đặc biệt là Công an tỉnh Minh Hải (nay là Cà Mau, Bạc Liêu), TP HCM, Đồng Nai...
Thắng lợi của KHCM12 là sự kế thừa truyền thống yêu nước cách mạng, khẳng định sức mạnh của sự đoàn kết, gắn bó, sự hợp đồng tác chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam và sự giúp đỡ quý báu của các cơ quan, ban, ngành địa phương, sự đóng góp hy sinh to lớn của nhân dân Minh Hải, nay là Bạc Liêu và Cà Mau đã góp phần đặc biệt quan trọng làm nên chiến công lẫy lừng của CM12, trở thành mốc son trong trang sử vàng đáng tự hào của lực lượng CAND Việt Nam.Tuy đã kết thúc gần 40 năm, song ý nghĩa chiến lược và bài học về các mặt chính trị, nghiệp vụ và lịch sử của Kế hoạch CM12 sẽ còn mãi giá trị theo thời gian.
Hướng tới kỷ niệm 40 năm thắng lợi của Kế hoạch phản gián CM12 (09/09/1981-09/09/1984), Công an Thành phố Hải Phòng đã tổ chức chuyến đi về nguồn, thăm di tích lịch sử Hòn Đá Bạc tại xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Trưởng đoàn là đồng chí Đại tá Đào Quang Trường-Phó giám đốc phụ trách An ninh cùng đại diện lãnh đạo các phòng nghiệp vụ An ninh, lãnh đạo công an các quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Vượt qua quãng đường dài hơn 2000 km, từ thành phố Hoa Phượng Đỏ đến Khu di tích Hòn Đá Bạc, đoàn đã tổ chức các hoạt động: dâng hương, dâng hoa nhà thờ Bác Hồ, tượng đài Bảo vệ An ninh Tổ quốc và tham quan khu di tích, cùng ôn lại những chiến công hào hùng, một mốc son chói lọi, tô đậm truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân.
Nhìn lại chiến thắng vẻ vang của lực lượng An ninh nhân dân cách đây 40 năm, “Chúng ta vinh dự, tự hào về những thành tích chiến công đã lập được. Chúng ta càng biết ơn và mãi mãi khắc ghi tấm lòng, sự giúp đỡ đùm bọc của nhân dân, sự phối hợp hiệp đồng của các lực lượng Quân đội, cấp ủy, chính quyền, các ngành, cấp, tổ chức, đoàn thể trên địa bàn Tây Nam Bộ, đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng của Kế hoạch CM12, một dấu ấn lịch sử dệt nên truyền thống anh hùng vẻ vang của lực lượng Công an Nhân dân. Tự hào về truyền thống và những chiến công oanh liệt, hào hùng năm xưa, chúng ta nguyện tiếp bước vững vàng trên con đường của các thế hệ cha anh đi trước, phấn đấu lập nhiều thành tích, chiến công, tiếp tục xây dựng, vun đắp truyền thống anh hùng vẻ vang của Công an Nhân dân”, (trích câu nói của Đại tướng Tô Lâm-Bộ trưởng Bộ Công an, nay là Tổng bí thư-Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Đồng chí Phó giám đốc Công an thành phố nhận định:Trong thời gian tới, nhiệm vụ đảm bảo An ninh quốc gia đặt ra hết sức nặng nề, đòi hỏi mỗi cán bộ chiến sỹ phải nhận thức nhạy bén về tình hình, nhiệm vụ và những thách thức đã đặt ra; không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiệp vụ; nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, kiên quyết ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Đồng thời, xác định rõ nhiệm vụ bảo vệ An ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội không chỉ là nhiệm vụ riêng của lực lượng Công an nhân dân, mà đòi hỏi phải phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, trong đó là sự phối hợp chặt chẽ của toàn thể cơ quan, ban, ngành, lực lượng Quân đội nhân dân với lực lượng Công an nhân dân; cùng với đó là vai trò không thể thiếu của quần chúng nhân dân trong tham gia xây dựng thế trận an ninh nhân dân và thế trận lòng dân, theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”. Qua đó, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự ổn định chính trị, xã hội, môi trường hòa bình, hợp tác, tạo thế và lực cho sự phát triển.
Là chiến sỹ Công an nhân dân, chúng ta cần nhận thức: luôn tiếp bước, phát huy hơn nữa truyền thống anh hùng của các lớp thế hệ đi trước; luôn học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy; không ngừng nỗ lực học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt; trau dồi bản lĩnh chính trị vững vàng; tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng; nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, tận tụy trong công tác, chiến đấu; vượt lên khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Đảng, Ngành giao phó; góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng An ninh nhân dân nói riêng thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới./.