Đà tăng của nhóm cổ phiếu này được hỗ trợ bởi thông tin giá dầu thế giới tiếp tục tăng. Trên thế giới, giá dầu châu Á tăng lên mức cao của 7 năm trong phiên 14/2, do những lo ngại về khả năng Nga xâm chiếm Ukaine có thể khiến Mỹ và châu Âu đưa ra các lệnh trừng phạt, làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu từ nhà sản xuất hàng đầu thế giới khi nguồn cung thị trường vốn đã thặt chặt.
Cập nhật lúc 14 giờ 42 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển bắc tăng 1,21 USD, tương đương 1,3% lên 95,65 USD/thùng sau khi chạm mức đỉnh 96,16 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2014. Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng 1,28 USD (1,4%) lên 94,38 USD/thùng, gần mức cao nhất kể từ tháng 9/2014 là 94,94 USD/thùng.
Các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI nhận định, giá dầu tăng đem lại cơ hội đầu tư cả ngắn và dài hạn. Bởi, dù có sự khác nhau về các yếu tố cơ bản, giá cổ phiếu ngành dầu khí đều có tương quan rất chặt chẽ với giá dầu, hay nói cách khác độ “nhạy” của giá cổ phiếu với giá dầu rất cao.
Dựa trên mối tương quan này, phía SSI cho rằng, biến động giá dầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến GAS khi doanh thu, biên lợi nhuận và nhu cầu khí khô từ nhà máy điện do giá điện khí ở mức cao. Giá dầu cao cũng củng cố doanh thu và lợi nhuận hàng tồn kho của PLX; tương tự với BSR, tăng biên lợi nhuận lọc hóa dầu và hàng tồn kho.
Trong khi đó, đối với các công ty dầu khí thượng nguồn như PVD và PVS, giá dầu không ảnh hưởng ngay đến lợi nhuận ròng trong ngắn hạn do các công ty này dựa và các dự án, mang tính chất dài hạn hơn. Dù vậy, SSI ước tính mảng khoan của PVD hồi phục từ quý II/2021 và ghi nhận lợi nhuận từ 2022 nhờ hiệu suất sử dụng và giá thuê tăng. Giá dầu duy trì tích cực sẽ giúp đẩy mạnh các hoạt động đầu tư thăm dò khai thác, đặc biệt là việc triển khai các dự án lớn, giúp đem lại khối lượng công việc tiềm năng cho PVD, PVS trong dài hạn.
Đối với các công ty sử dụng khí làm nguyên liệu đầu vào như điện khí, đạm, giá dầu tăng sẽ làm tăng giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, các công ty đạm vẫn có khả năng tăng giá bán do nguồn cung tại Trung Quốc vẫn còn hạn chế.
Cùng quan điểm này, về phía Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, các chuyên gia cũng đánh giá cao triển vọng giá dầu trong năm 2022. Khi nguồn cung dầu mới được dự báo sẽ tăng chậm trong thời gian tới khi Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận tại COP26 về hạn chế sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch.
Cùng với đó, Tổ chức các Nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+ đang phải vật lộn để tăng sản lượng bất chấp cam kết sẽ tăng sản lượng lên 400.000 thùng/ngày mỗi tháng cho đến tháng 3/2022, trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ đang phục hồi mạnh.
Trước đó, cổ phiếu dầu khí cũng có một tuần giao dịch “tưng bừng” với mức tăng 5,4% giá trị vốn hóa nhờ được hưởng lợi từ đà tăng của giá dầu thế giới. Cụ thể, PVB tăng 5,6%, PVS tăng 7%, OIL và PVC đều tăng 7,6%, BSR tăng 11%.../.