Cổ nhân dạy “Cúi đầu là bông lúa, ngẩng đầu là cỏ dại”: Sống thế nào để muôn đời lưu danh?

Cuộc sống vốn ẩn chứa vô vàn khó khăn và thử thách. Muốn vượt qua nó, người thấu hiểu sẽ biết cúi đầu và khom lưng, nghiêng người khiêm tốn. Người cố chấp sẽ đụng tường, tự gây thương tích cho mình mà vẫn không thể vượt qua nổi. Vì thế, người xưa mới có câu răn dạy rằng: “Cúi đầu là bông lúa, ngẩng đầu là cỏ dại”.
31935448-169503160379624-2941125829716869120-o-1677397496.jpg

Dù sở hữu sự nghiệp lẫy lừng nhưng Isaac Newton vẫn chỉ coi mình là một đứa trẻ dạo chơi trên bãi biển, may mắn nhặt được một hòn sỏi đẹp và trước mắt là một bể trời chân lý rộng lớn bao la. Chân lý trong cuộc sống của ông chính là: "Sở dĩ tôi nhìn xa là bởi tôi ngồi trên vai người khổng lồ". Có thể thấy, chưa bao giờ ông tự nhận mình là một người khổng lồ.

Cuộc sống này không phải lúc nào cũng được trải toàn hoa hồng. Mỗi khó khăn và biến cố đều giống như một cánh cửa. Điều đáng nói, mỗi cánh cửa này đều không vừa vặn với kích thước của chúng ta. Có lúc, cánh cửa này sẽ thấp hơn ta một cái đầu, có khi lại chỉ bằng một nửa thân người. Nếu như muốn vượt qua cánh cửa này, người thấu hiểu sẽ biết cúi đầu, khom lưng và nghiêng người sao cho vừa vặn, trong khi đó người cố chấp sẽ đụng vào tường, khiến bản thân đau đớn nhưng vẫn chẳng thể vượ qua nổi. Vì thế, người xưa mới có câu nói rằng “Cúi đầu là bông lúa, ngẩng đầu là cỏ dại” với ý nghĩa vô cùng triết lý và sâu xa

- Học cách cúi đầu trước những sai lầm của bản thân

Con người chẳng ai là hoàn hảo, không ai có thể tránh được những lúc mắc sai lầm. Đã mắc sai lầm thì phải sửa chữa. Thế nhưng trước khi sửa chữa lỗi lầm, chúng ta cần phải biết can đảm cúi đầu và thừa nhận lỗi lầm của bản thân.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ can đảm để làm điều này. Chính vì thế, họ cứ mãi dậm chân tại chỗ, thậm chí là lún sâu xuống nơi mà mình ngã xuống, chẳng thể nào có thể vực dậy mà tiến về phía trước. Hiểu đơn giản, cúi đầu ở đây không phải là khuất phục, cũng không phải là hành động thấp hèn. Đó là một sự dũng cảm, biểu thị rằng chúng ta đã biết sai và sẵn lòng sửa chữa. Những người can đảm biết cúi đầu trước những lầm lỗi mà mình gây ra chính là biểu hiện của sự thông minh, quyết đoán, dám làm dám chịu. Đồng thời, theo quan niệm của người xưa đây cũng là một loại cảnh giới của phẩm chất cao quý, cũng là một loại rộng lượng không phải ai cũng có thể làm được. Sống phải biết co biết giãn, biết tiến biết lùi, vừa nhu vừa cương thì mới vẹn toàn.

- Học cách cúi đầu trước những dục vọng của bản thân

Sống ở đời, những mong muốn, dục vọng của con người chính là vô hạn và không có điểm dừng. Nếu không biết tiết chế và kiểm soát, con người sẽ trở thành nô lệ của những dục vọng đáng sợ này. Thực tế, có những người luôn thích phải trèo lên thật cao để vượt mặt người khác, để mọi người bàn tán, khen ngợi. Thế nhưng, việc đuổi theo những dục vọng đó chỉ khiến họ mệt mỏi, kiệt sức mà thôi. Cuộc đời vốn không phải giấc mơ, từ mong ước đến thực tế là một quãng đường rất dài. Cuộc sống vốn khắc nghiệt hơn bạn tưởng tượng, cỏ dại thích thể hiện bản thân, lúc nào cũng ngẩng đầu lên cao dù mọc ở những vị trí thấp bé.

Con người là thế, hễ thấy bạn bè đồng nghiệp thăng tiến, thành công trong khi bản thân chẳng có gì cả liền nảy sinh tâm tư đố kỵ, ghen ghét. Thậm chí, có người còn oán trời trách đất, kêu than xã hội bất công, nói ra những lời lẽ khó nghe hoặc làm những hành động không thể chấp nhận được. Những lúc như thế, họ chỉ cần cúi đầu xuống một chút sẽ nhận ra bản thân cũng đã có khá nhiều rồi. Nếu càng cố chấp muốn ngẩng lên, họ sẽ không biết trân quý và hài lòng những gì mình có.

- Học cách cúi đầu để trưởng thành

Cổ nhân dạy rằng “Biết cúi đầu mới là trưởng thành, biết hạ mình mới là cao thủ.” Sống khiêm tốn, biết cúi đầu không phải là cúi xuống để cam chịu, đó là cách sống biết lùi mà tiến, ứng xử hài hòa. Khi còn trẻ, chúng ta luôn có ý thức khẳng định mình, sức sống tràn trề, đầy ý chí và khát khao vươn lên. Điều này rất đáng quý. Tuy nhiên, nếu không biết kiểm soát, chúng ta sẽ dễ mắc phải những nhược điểm như: Hiếu thắng, tự phụ, tự mãn, thiếu nhường nhịn, kiêu căng... Nhiều khi vì quá tự tôn nên chúng ta không chịu cúi mình để công nhận người khác cũng như học tập những bí quyết từ họ.

Ngoài ra, mỗi người cần phải biết học cách cúi đầu để vượt qua những cánh cửa thấp bé, ngắn hẹp trên con đường nhân sinh. Theo người xưa, biết cúi đầu cũng là một loại năng lực. Cúi đầu không phải vì tự ti, nhu nhược mà là do năng lực và tâm trí của ta đã đủ thâm sâu và chín chắn. Các vĩ nhân đều sống rất khiêm tốn. Dù có được sự nghiệp lẫy lừng, họ vẫn sống giản đơn, tôn trọng mọi người. Chỉ khi ta biết tôn trọng người khác thì mới có thể nhận lại sự tôn trọng từ họ.

Có thể khẳng định câu nói “Cúi đầu là bông lúa, ngẩng đầu là cỏ dại” ẩn chứa nhiều điều triết lý sâu xa mà đến tận ngày nay vẫn gần như giữ được nguyên giá trị. Sống ở đời đừng nên quá kiêu căng, tự mãn, thay vào đó hãy khiêm tốn và nhìn nhận sự vật, sự việc một cách toàn diện. Đừng để cái tôi quá cao của mình hủy hoại tất cả, từ cuộc sống cho đến sự nghiệp của bản thân mình./.

Tú Anh TH