Cơ hội để Điện Biên đưa thế mạnh nông lâm nghiệp vươn xa

Kết thúc năm 2021, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng Điện Biên vẫn đạt được những kết quả ngoài mong đợi trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Điển hình là tốc độ GRDP đạt trên 6%, gấp hơn hai lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân chung của cả nước. Điều đó đã phần nào minh chứng cho sự nỗ lực thay đổi từ tư duy đến hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân Điện Biên trong việc phát huy tiềm năng, thế mạnh và tìm kiếm, tận dụng cơ hội phát triển kinh tế trong tình hình mới.

da25f9235fbc5b5d523df5297f8eb0d0e99f-1648425142.jpg
Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đã đi khảo sát thực tế về tiềm năng trồng sâm tại xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo.

Đặc biệt, đã có rất nhiều nhà đầu tư uy tín trong nước đến khảo sát và đăng ký đầu tư dự án lớn tại Điện Biên, như: Trồng chế biến mắc ca, xây dựng các khu vui chơi giải trí, khách sạn cao cấp, sân golf, năng lượng tái tạo, đến bất động sản ở nhiều phân khúc như các tập đoàn Sun Group, VinGroup, FLC, Him Lam, Bamboo Capital… và mới đây, Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đã đi khảo sát tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Điện Biên.

Là một địa phương có diện tích tự nhiên lớn, với gần 1 triệu ha, Điện Biên có tiềm năng khá lớn về đất đai, nhất là đất cho sản xuất nông lâm nghiệp chiếm gần 80%. Bên cạnh diện tích đất nông lâm nghiệp chưa sử dụng còn nhiều, khí hậu và thổ nhưỡng ở Điện Biên cũng phong phú, đa dạng, là điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều loại nông, lâm sản hàng hóa có giá trị kinh tế.

Bên cạnh đó, Điện Biên còn được thiên nhiên ưu đãi, tạo nên những vùng đất màu mỡ để sản xuất nông, lâm sản có chất lượng. Tỉnh cũng đã và đang phát huy thế mạnh về đất đai để phát triển các loại cây đa mục đích như: cao su, mắc ca và các loại cây ăn quả, cây dược liệu dưới tán rừng... nhiều loại nông, lâm sản đã và đang khẳng định được giá trị kinh tế qua thực tiễn, cải thiện đáng kể nguồn thu nhập của người dân và tiếp tục thu hút được đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

63cd26998439693d-txt6604-1648425207.jpg
Bà Nguyễn Thị Minh Hằng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc tại Việt Nam trao đổi một số nội dung hợp tác đầu tư ở Điện Biên tại Hội nghị đầu tư và phát triển giữa các Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc - Việt Nam và tỉnh Điện Biên ngày 21/3 vừa qua.

Thời gian gần đây, nhận thấy tiềm năng phát triển cây dược liệu dưới tán rừng như sâm đất đã có nhiều hộ dân và doanh nghiệp đầu tư trồng, bước đầu mang lại hiệu quả về kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Điển hình là huyện Tuần Giáo, hiện huyện đã quy hoạch phát triển cây dược liệu ở Tênh Phông; phân thành vùng trồng tập trung các loại dược liệu có thế mạnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và nhu cầu của các hộ dân. Hiện nay, tại các bản Ten Hon, Háng Rùa, Thẩm Nặm hiện đã tập trung phát triển một số loại cây dược liệu có thế mạnh như: Sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, bảy lá một hoa, đẳng sâm, hoàng tinh hoa trắng, tam thất hoang, gừng, nghệ...  Dự kiến đến năm 2025, xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo sẽ phát triển khoảng 200ha các chủng loại dược liệu theo hình thức thâm canh và trồng xen dưới tán rừng.

Với những tiềm năng lợi thế đó, trên cơ sở khảo sát, các Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc đã thống nhất định hướng hợp tác chia sẻ kinh nghiệm trồng, chế biến, phát triển cây sâm Điện Biên trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của các bên nhằm thúc đẩy cơ hội đầu tư và phát triển kinh doanh tại thị trường Việt Nam, Hàn Quốc và cùng tìm kiếm cơ hội phát triển ở các thị trường khác trên thế giới.

Đặc biệt, ngày 21/3 vừa qua, tỉnh Điện Biên và Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc, các Doanh nghiệp Hàn Quốc đã ký kết biên bản ghi nhớ xúc tiến đầu tư, phát triển công, nông, lâm nghiệp công nghệ cao, thương mại, Văn hóa Thể thao - Du lịch giữa Hàn Quốc và tỉnh Điện Biên năm 2022 với 3 nội dung: “Trồng, chế biến chuyển giao công nghệ và phát triển cây sâm Điện Biên, chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá, thu hút đầu tư và hợp tác kinh doanh”; “Chuyển giao công nghệ, phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, phối hợp quảng bá, thu hút đầu tư và hợp tác kinh doanh”; “Chuyển giao công nghệ, phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, phối hợp quảng bá, thu hút đầu tư và hợp tác kinh doanh, phát triển du lịch”. Đây là là cơ hội cho Điện Biên khai thác những tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu thổ nhưỡng và là bước tiến mới đầy triển vọng thúc đẩy sản phẩm nông lâm nghiệp Điện Biên vươn xa.

2997d99c05c1b4ddimg-1118-1648425300.jpg
Các doanh nghiệp Hà Quốc ký Biên bản ghi nhớ với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên

Ngoài diện tích đất đai rộng lớn, nhiều đồi núi cùng nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào lên Điện Biên cũng sớm tận dụng được lợi thế này để phát triển chăn nuôi gia súc, nhất là tại các huyện: Điện Biên Đông, Mường Nhé, Mường Chà, Tuần Giáo. Việc phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa ở Điện Biên những năm gần đây phát triển mạnh nhờ áp dụng những tiến bộ kỹ thuật, đem lại hiệu quả rõ rệt, giúp nguồn thu nhập của người dân cải thiện đáng kể và góp phần tăng trưởng kinh tế nông nghiệp của địa phương.

Tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách, đề án để phát triển sản xuất nông lâm nghiệp một cách toàn diện như: Đề án phát triển cây ăn quả; Đề án phát triển bền vững chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê) theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm; Đề án phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 14, UBND tỉnh đã ban hành 2 Kế hoạch, 4 đề án. Đó là cơ cấu lại ngành nông nghiệp và kế hoạch phát triển xây dựng nông thôn mới; đề án phát triển chăn nuôi, đề án phát triển cây ăn quả, đề án phát triển lâm nghiệp và đề án phát triển sản phẩm OCOP. Với việc triển khai phê duyệt các đề án trên, đây là định hướng hết sức cơ bản cho Điện Biên trong việc phát triển nông lâm nghiệp trong 5 năm tới.

Đồng thời, là cơ sở để các cấp, ngành, đặc biệt, là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, người dân yên tâm tập trung phát triển sản xuất. Cùng với việc ban hành các kế hoạch, đề án, hiện tỉnh đang tiến hành rà soát lại các cơ chế chính sách. Ngoài các cơ chế chính sách của Trung ương, tỉnh sẽ nghiên cứu xây dựng các chính sách của tỉnh, hướng trọng tâm là tập trung thu hút đầu tư các doanh nghiệp vào địa bàn tỉnh, nhất là các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh như nông lâm nghiệp./.

Tuyết Anh