Gia Lâm chuyển mình mạnh mẽ sang nông nghiệp công nghệ cao, hướng tới quận sinh thái

Từ những cánh đồng manh mún, sản xuất nhỏ lẻ theo lối truyền thống, huyện Gia Lâm (TP. Hà Nội) đã và đang “lột xác” mạnh mẽ với những mô hình nông nghiệp xanh, sạch, ứng dụng công nghệ cao.
anh-lanh-dao-huyen-tham-mh-rau-1747236981.jpg
Lãnh đạo thành phố Hà Nội cùng đại diện các sở, ngành và Huyện ủy Gia Lâm thăm mô hình trồng rau thủy canh công nghệ cao tại xã Đa Tốn.

Cụ thể hóa chủ trương bằng hành động: Gia Lâm hướng tới quận sinh thái đô thị nông nghiệp hiện đại.

Phát triển nền nông nghiệp xanh, sạch, ứng dụng công nghệ cao không chỉ là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập và biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, mà còn là chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong những năm gần đây.

Trong Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã xác định rõ: cần chuyển đổi mạnh mẽ từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, sinh thái, tuần hoàn và có giá trị gia tăng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Từ đó, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và Thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch, hướng đến một nền nông nghiệp thông minh, phát triển bền vững, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sống.

Huyện Gia Lâm, với tiềm năng và truyền thống sản xuất nông nghiệp lâu đời, đã và đang nỗ lực cụ thể hóa chủ trương của Đảng bằng những hành động thiết thực, tạo nên bước chuyển tích cực cả về tư duy lẫn mô hình sản xuất.

Theo lãnh đạo huyện Gia Lâm “quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy Hà Nội, huyện xác định rõ, phát triển nông nghiệp xanh, sạch và công nghệ cao là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là hướng đi tất yếu tạo nền tảng vững chắc để thực hiện mục tiêu trở thành quận sinh thái vào năm 2030”

z6599605957606-d7ad4f147fc68b0a057d7409ea7efc5f-1747236981.jpg
Một góc mô hình rau thủy canh tiêu biểu, không dùng đất, kiểm soát hoàn toàn dinh dưỡng và môi trường sinh trưởng.

Cụ thể, trong quá trình phát triển, huyện đặc biệt chú trọng xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm thông qua Chương trình OCOP – Mỗi xã một sản phẩm. Nhiều sản phẩm đặc trưng như: rau an toàn Văn Đức, nấm sạch Dương Xá, tinh bột nghệ Bà Bé, gốm Bát Tràng, gà đồi Yên Thường… đã được công nhận OCOP từ 3 đến 4 sao, góp phần khẳng định thương hiệu nông sản Gia Lâm trên thị trường trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng đến yếu tố bền vững và thân thiện với môi trường, thể hiện qua việc đẩy mạnh các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, xử lý chất thải hữu cơ tại chỗ, mô hình trồng rau thủy canh – khí canh khép kín, tiết kiệm tài nguyên và giảm phát thải.

Sự kết hợp giữa chủ trương đúng đắn của Đảng – chính sách hỗ trợ hiệu quả của Nhà nước – quyết tâm hành động của chính quyền địa phương – tinh thần đổi mới của người dân, chính là lực đẩy đưa Gia Lâm vươn mình từ mô hình sản xuất truyền thống đang dần bứt phá trở thành một đô thị nông nghiệp xanh, hiện đại, hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Ứng dụng thành công khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Môi trường Gia Lâm, thực hiện Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp vùng nông nghiệp chuyên canh huyện Gia Lâm giai đoạn 2016-2020, đến nay tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch Đề án là trên 5.214ha, trong đó lúa hơn 1.601ha, chiếm 30,52% diện tích; cây ăn quả 1.600ha, rau hơn 636ha, diện tích VAC 278,12ha, hoa cây cảnh 132ha…

Cùng với các lĩnh vực khác, việc ứng dụng thành tựu của công nghệ sinh học đã đem lại những kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện, góp phần xây dựng huyện Gia Lâm đạt chuẩn nông thôn mới, là tiền đề thuận lợi để hoàn chỉnh các tiêu chí, nhằm đưa Gia Lâm trở thành quận quận sinh thái – đô thị nông nghiệp hiện đại vào năm 2030.

Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ khi có quy hoạch vùng sản xuất tại Gia Lâm đến nay nhìn chung có chuyển biến tích cực.

Theo đó, huyện đã chuyển đổi được 2.880ha/4.543ha, với những vùng cây ăn quả nổi tiếng như Đông Dư, Kiêu Kỵ, Đa Tốn, Phù Đổng; hoa cây cảnh Trung Mầu, Phù Đổng, Kim Lan; mô hình sản xuất rau CNC HTX Đa Tốn, Đặng Xá, Yên Thường, Yên Viên, Cổ Bi và đều đem lại giá trị kinh tế cao.

z6599605939182-eea2e15e59979f946124acd2aa52c6ce-1747236980.jpg
Rau thủy canh phát triển xanh tốt trong hệ thống nhà màng của HTX Đa Tốn – minh chứng cho sự chuyển mình hiện đại của nông nghiệp Gia Lâm.

Từ năm 2017 đến nay, huyện đã triển khai 120 lớp tập huấn an toàn thực phẩm, thông tin thị trường, IPM trên cây ăn quả, hoa cây cảnh, rau an toàn; triển khai 41 mô hình thử nghiệm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, xây dựng 7 xã có chứng nhận nhãn hiệu tập thể, hình thành 14 vùng sản xuất cây ăn quả với quy mô từ 20ha trở lên; hình thành 5 vùng rau tập trung quy mô từ 20ha trở lên và thành lập được 125 tổ nhóm PGS để chỉ đạo giám sát nông dân cùng tham gia sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn. Bước đầu đã hình thành một số mô hình liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Kết quả là giá trị sản xuất nông nghiệp và thủy sản trên 1ha năm 2019 của huyện đạt rất cao, bình quân 309,22 triệu đồng/ha, tăng 106,22 triệu đồng/ha/năm so với năm 2016 (203 triệu đồng/ha), tức tăng 1,52 lần.

Trong đó, giá trị sản xuất rau, quả chuyên canh đạt 400-500 triệu đồng/ha; một số mô hình có thu nhập cao từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng tại xã Kiêu Kỵ, Yên Viên, Lệ Chi.

Chia sẻ về những kết quả đã đạt được trong thời gian qua của huyện, đại diện Phòng Nông nghiệp và Môi trường cho biết: "Với sự quyết tâm quyết liệt của lãnh đạo huyện, sự đồng thuận của nhân dân, đến nay huyện đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất, hình thành các vùng nông nghiệp chất lượng cao, thân thiện với môi trường đem lại giá trị kinh tế cao nâng cao thu nhập góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương”./.