Trong những năm qua, các nước trong khu vực Bắc Âu được biết đến với những cam kết mạnh mẽ đối với môi trường và tính tuần hoàn, đang dẫn đầu trong quá trình đổi mới sáng tạo xanh. Đây là khu vực đã triển khai nhiều chính sách phát triển bền vững, đặc biệt là giảm phát sinh chất thải và tái sử dụng nguyên vật liệu; khởi động sáng kiến Công nghiệp Xanh để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, tạo việc làm, tăng xuất khẩu.
Trong đó, Đan Mạch đã thực hiện chiến lược chuyển đổi xanh, tập trung vào việc giảm 70% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với mức của năm 1990 và tiến tới mức phát thải ròng bằng 0 vào muộn nhất là năm 2050. Còn tại Phần Lan, quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng Lộ trình Quốc gia tiến tới Nền Kinh tế Tuần hoàn (2016–2025) nhằm mục đích giảm phát sinh chất thải và thúc đẩy việc tái sử dụng nguyên vật liệu. Lại kể, Na Uy hiện đang khởi động Sáng kiến Công nghiệp Xanh để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, tạo việc làm, tăng xuất khẩu và cắt giảm phát thải khí nhà kính. Trong khi đó, Thụy Điển đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng về tính bền vững, bao gồm cả việc không sử dụng nhiên liệu hóa thạch và sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2045.
Cùng với đó, Việt Nam cũng đã đặt ra các mục tiêu cam kết Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ngoài ra, với Chiến lược Tăng trưởng Xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam cũng đặt mục tiêu hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững thông qua thúc đẩy công nghệ xanh, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Chiến lược này cũng chú trọng tới quản lý chất thải và giảm thiểu ô nhiễm nhựa. Áp dụng những công nghệ hiện đại và giải pháp sáng tạo, Việt Nam còn có thể trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về phát triển bền vững.
Tại Tọa đàm "Giải pháp xanh cho kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải: Kinh nghiệm của Bắc Âu và hàm ý chính sách đối với Việt Nam" diễn ra ngày 23/3 vừa qua, PGS.TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Đây thực sự là thời điểm thích hợp để lồng ghép kinh tế tuần hoàn nhằm quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên, hạn chế khí thải và chất thải, cũng như tái tạo môi trường. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong đó có các nước Bắc Âu về phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ giúp có thêm những gợi mở chính sách phù hợp với điều kiện thực tế đất nước để xây dựng nền kinh tế vững mạnh, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân".
Cũng trong khuôn khổ Tọa đàm, các chuyên gia Bắc Âu đều thống nhất: Việt Nam đang ở vị thế sẵn sàng để thực hiện các bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh. Với chiến lược tăng trưởng Xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam cũng đặt mục tiêu hướng tới một nền kinh tế xanh bền vững thông qua thúc đẩy công nghệ xanh, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm phát khí thải nhà kính.
Cụ thể, theo Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Måwe, tính tuần hoàn và phát triển bền vững là trọng tâm của các quốc gia Bắc Âu. Mong rằng thông qua những bài học và kinh nghiệm quý báu của mình, Thụy Điển có thể hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng bền vững hơn, vừa tăng trưởng kinh tế vừa thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Đại sứ Thụy Điển đề xuất, Việt Nam có thể bắt đầu quá trình phát triển nền kinh tế tuần hoàn từ việc xử lý rác, chất thải theo hướng tái chế, tái sử dụng thay vì cách xử lý chôn lấp, đốt bỏ như hiện nay; cần phát huy tối đa mô hình hợp tác công tư trong xây dựng, phát triển nền kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh những nỗ lực trong việc nâng cao kỹ năng, tài chính, áp dụng công nghệ cũng như môi trường pháp lý thuận lợi sẽ là chìa khóa để tận dụng tối đa quá trình chuyển đổi xanh và khai phóng toàn bộ tiềm năng cho tương lai của Việt Nam./.