Ngành gỗ đẩy mạnh doanh số xuất khẩu gắn với tăng trưởng xanh

Thông tin từ Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, nhằm đẩy mạnh doanh số xuất khẩu năm 2024, ngành gỗ và lâm sản sẽ tập trung phát triển thị trường theo hướng gắn sản xuất giảm phát thải với chuyển đổi số, sản xuất xanh và bền vững đáp ứng yêu cầu về cơ chế điều chỉnh biên giới carbon.
go-xuat-khau-04-1705713211.jpg
Việt Nam nỗ lực đảm bảo ngành gỗ không sử dụng và kinh doanh gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp. (Ảnh minh họa)

Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất giảm phát thải

Hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp về vấn đề sản xuất giảm phát thải, trong quý 1 năm 2024, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam sẽ tổ chức các hội nghị, hội thảo tư vấn cho khoảng 6 doanh nghiệp lớn của ngành về sản xuất giảm phát thải như: sản xuất tuần hoàn; sử dụng nguồn gỗ rừng trồng có chứng chỉ; liên kết chuyển đổi số để mang lại giá trị gia tăng cao và phát thải thấp… coi đây là tiêu chuẩn quan trọng của xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ sang các thị trường.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, sẽ đẩy mạnh hoạt động Quỹ Việt Nam Xanh của ngành gỗ để đảm bảo ngành gỗ không sử dụng và kinh doanh gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp. Đặc biệt nhất là đẩy mạnh hoạt động của Quỹ cho trồng rừng, nhất là ở những khu vực có nguy cơ hủy hoại môi trường, nhằm bảo vệ và phát triển rừng.

Cùng với đó sẽ phối hợp với các Bộ: Công Thương, Ngoại giao để doanh nghiệp tham gia các hội chợ quốc tế và hỗ trợ các doanh nghiệp mở các Văn phòng, kho hàng tại các trung tâm thương mại lớn, đặc biệt là ở thị trường Liên minh châu Âu và Mỹ.

“Phát triển thị trường gỗ Việt Nam chủ yếu sử dụng nguồn gỗ rừng trồng có chứng chỉ hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp sản xuất, giảm phát thải, đảm bảo hạ tầng sản xuất cộng với thị trường không xây dựng được tốt thị trường thì sẽ ảnh hưởng rất lớn xuất khẩu xây dựng hình ảnh sản xuất giảm phát thải, trong đó có chuyển đổi số nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp thông qua áp dụng các công nghệ”, ông Đỗ Xuân Lập nói.

go-xuat-khau-02-1705713192.jpg
Các nhà máy sản xuất các sản phẩm gỗ xuất khẩu lựa chọn công nghệ đáp ứng tiêu chuẩn mới. (Ảnh minh họa)

Năm 2024, ngành gỗ sẽ vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là phải đáp ứng các quy định chặt chẽ của thị trường nhập khẩu. Chẳng hạn như châu Âu quy định các sản phẩm nhập khẩu có nguồn gốc gỗ không gây mất rừng, suy thoái rừng và giảm phát thải carbon.

Các dự báo cho thấy, năm sau tăng trưởng ngành gỗ dự kiến chậm lại khoảng 10 - 12% so với những quý cuối năm nay. Vì vậy tạo dựng hình ảnh ngành gỗ phát triển bền vững là giải pháp trọng tâm vừa được các bên đưa ra.

Ứng dụng công nghệ sản xuất xanh và bền vững

Trong năm 2024, trước yêu cầu về cơ chế điều chỉnh biên giới carbon mà EU và nhiều thị trường lớn yêu cầu, các nhà máy sản xuất các sản phẩm gỗ xuất khẩu đang tập trung lựa chọn công nghệ để đáp ứng yêu cầu này.

"Đối với ngành viên gỗ nén thì phát thải CO2 không lớn, tuy nhiên điện năng tiêu thụ thì khá là lớn. Giải pháp lớn nhất với ngành viên gỗ nén là đầu tư các thiết bị hiện đại để giảm tiêu thụ điện năng, đó là giải pháp các nhà máy muốn đạt được năng lượng sạch, môi trường xanh", ông Nguyễn Thanh Phong, Chi hội trưởng Chi hội Viên gỗ nén Việt Nam, cho hay.

Năm 2024, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam sẽ đồng loạt tiến hành nhiều giải pháp để đạt 2 mục tiêu: thứ nhất là gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu đều có chứng chỉ rừng trồng, thứ hai là giảm phát thải các bon.

Những nỗ lực không chỉ đến từ cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng, mà toàn ngành lâm nghiệp cũng đang thể chế hóa và liên tục cập nhật để thích ứng với các quy định mới từ thị trường nhập khẩu thế giới.

Ngành lâm nghiệp đang đẩy nhanh các công tác sửa đổi, bổ sung Nghị định 102 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam, Thông tư số 26 quy định về truy xuất nguồn gốc lâm sản và nhiều quy định khác để kịp với nhịp độ chuyển đổi ngành gỗ.

go-xuat-khau-03-1705713308.jpg
Việt Nam khởi động thí điểm dự án hỗ trợ của Chương trình lâm nghiệp bền vững. (Ảnh minh họa)

Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông tin: "Liên minh châu Âu dự kiến trong quý 1 sẽ có hướng dẫn cụ thể về những giải trình và truy xuất nguồn gốc, ngành lâm nghiệp đã sẵn sàng tiếp cận các tài liệu này, để ban hành các hướng dẫn, đến tận những người chủ rừng và người dân liên quan".

Còn theo ông Hoàng Thành, đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu, cho biết: "Về phía EU, chúng tôi phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua chương trình tài trợ song phương, hiện tại nằm trong dự án xác định tài trợ có khoảng 3 dự án. Tổng ngân sách EU hỗ trợ cho Việt Nam trong 3 dự án đó khoảng 24 triệu Euro".

Từ quý tới, dự án hỗ trợ của Chương trình lâm nghiệp bền vững sẽ thí điểm tại Tuyên Quang và một số điểm ở Tây Nguyên để đẩy nhanh quá trình cấp mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc đến từng toạ độ, đảm bảo yêu cầu của các đối tác.

Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,5 - 2 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ có nguồn gốc từ các quốc gia nhiệt đới. Vì vậy, ngoài hạn chế rủi ro pháp lý, xây dựng ngành gỗ minh bạch bền vững sẽ là cơ sở để sử dụng hiệu quả nguồn gỗ rừng trồng trong nước./.

Trọng Bình