Chuyển đổi số các hoạt động quản trị để thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

Hiện nay, chuyển đổi số quốc gia, kinh tế số có tác động, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước. Để thích ứng và thay đổi, doanh nghiệp cần ứng dụng mô hình kinh doanh và vận hành linh hoạt, phát triển văn hoá đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ nhằm tăng cường phân tích và dự báo, ra quyết định bằng dữ liệu chính xác.
chuyen-doi-so-quan-tri-doanh-nghiep-2-1731374309.jpg
Để thích ứng và thay đổi, doanh nghiệp cần ứng dụng mô hình kinh doanh và vận hành linh hoạt, phát triển văn hoá đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ... (Ảnh minh họa)

Theo ông Hoàng Trung Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) khẳng định, trong những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng vai trò có tính chất quyết định của đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đối với sự phát triển của nền kinh tế. Điều này được thể hiện rõ trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030, là một trong các giải pháp quan trọng nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ông Hoàng Trung Hiếu cho biết: Là hạt nhân cho phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia hướng tới mục tiêu trở thành cơ sở đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực, góp phần thúc đẩy chuyển đổi căn bản tương lai kinh tế Việt Nam, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Trung tâm cung cấp cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chú trọng đẩy mạnh hoạt động chuyển giao, nghiên cứu phát triển và thương mại hóa công nghệ trong một môi trường thử nghiệm thể chế thuận lợi để đảm bảo sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

Cũng theo ông Hoàng Trung Hiếu cho biết, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia luôn ủng hộ, đồng hành cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp, cùng nhau hành động hướng về tương lai.

Theo ông Phan Thanh Sơn - Phó Chủ tịch Điều hành kiêm Giám đốc Phát triển kinh doanh, FPT IS khẳng định “linh hoạt" là chìa khóa cho sự ổn định, bền vững trong bối cảnh bất định, trong đó công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng kiến tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt. Phân tích, ông Sơn cho biết: “Bối cảnh VUCA đẩy bất định, sẽ mang tính phá vỡ quy luật vốn có và hình thành một thế giới mới. Do đó, các doanh nghiệp cần có kế kế hoạch dài hạn như một thành phần của chiến lược doanh nghiệp”.

Để thích ứng và thay đổi, doanh nghiệp cần ứng dụng mô hình kinh doanh và vận hành linh hoạt, phát triển văn hoá đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ nhằm tăng cường phân tích và dự báo, ra quyết định bằng dữ liệu chính xác. Dẫn chứng từ câu chuyện “chuyển mình” thời Covid-19, FPT đã có thích ứng kịp thời bằng chuyển toàn bộ sang “thời chiến” với chính sách “chuyển 10” với hàng loạt các giải pháp được đưa ra để thích ứng với bình thường mới. Những đúc kết cũng được giới thiệu thông qua bộ giải pháp FPT.eCovax hỗ trợ doanh nghiệp có thể vận hành xuyên suốt, không gián đoạn trong mùa dịch.

chuyen-doi-so-quan-tri-doanh-nghiep-3-1731374361.jpg
Khách hàng tham quan hệ sinh Công nghệ kiến tạo hạnh phúc của FPT. (Ảnh minh họa)

Nhìn từ câu chuyện FPT và hành trình đồng hành chuyển đổi số với khách hàng Việt Nam, ông Sơn nhận định để đổi mới linh hoạt, chuyển đổi số thành công cần xuất phát từ tầm nhìn và quyết tâm của người đứng đầu. Quá trình chuyển đổi số còn gặp nhiều thất bại do doanh nghiệp vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu, như thế nào? Hoặc tiếp cận chuyển đổi số từ công nghệ chứ không phải từ chiến lược, từ kinh doanh của doanh nghiệp.

Tại FPT áp dụng công thức 3H + 3S đúc kết từ phương pháp luận FPT Digital Kaizen. Theo đó, để có thể thực hiện cuộc "cách mạng" chuyển đổi số, doanh nghiệp cần bắt đầu từ "Heart" - tạo niềm cảm hứng và nhiệt huyết thực hiện chuyển đổi số trong toàn bộ tổ chức; sau đó tới Head - hoạch định chiến lược; rồi tới Hand - bắt tay vào thực hiện. Các lãnh đạo doanh nghiệp cần truyền được niềm cảm hứng, khát khao thay đổi tới từng cấp nhân viên trong đơn vị mình.

Song song, doanh nghiệp liên tục cũng cần xây dựng gene sáng tạo và văn hoá đổi mới. Đơn cử tại FPT đã khởi tạo chương trình iKhiến với mục tiêu tìm kiếm những sáng kiến ứng dụng công nghệ trong công việc, mang lại hiệu quả về mặt kinh tế và quản trị. Thông qua chương trình iKhiến, Tập đoàn ghi nhận hơn 7000 ý tưởng đổi mới. Nhiều sản phẩm công nghệ ra đời, góp phần nâng cao 30% năng suất lao động. Các sản phẩm cũng được đưa ra thị trường, phục vụ khách hàng toàn cầu như như akaBot, FPT.AI, Chip bán dẫn hay gần đây là giải pháp kiểm kê khí nhà kính VértZero…

PGS.TS Đào Ngọc Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho biết: Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, các doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Chuyển đổi số, xu hướng phát triển bền vững và các biến động từ thị trường quốc tế đã và đang thúc đẩy các doanh nghiệp phải đổi mới, không chỉ về sản phẩm và dịch vụ mà còn cả trong các phương pháp quản trị. Các mô hình quản trị truyền thống, dù có nhiều đóng góp đáng kể, nhưng trong bối cảnh hiện nay, cần phải thích nghi và thay đổi để phù hợp với yêu cầu của thị trường và sự phát triển chung của đất nước.

chuyen-doi-so-quan-tri-doanh-nghiep-1-1731374389.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10) năm 2024. (Ảnh TTXVN)

Phát biểu tại sự kiện “Chào mừng ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2024 (ngày 10/10)”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu cho phát triển nhanh và bền vững; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc, không có ai bị bỏ lại phía sau...

Theo Thủ tướng, chuyển đổi số quốc gia tầm nhìn hướng tới năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, phát triển thịnh vượng, tiên phong ứng dụng các công nghệ mới và mô hình mới. Chính phủ xác định thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số ở trình độ cao; vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Thủ tướng Chính phủ vui mừng nhận thấy chuyển đổi số quốc gia, kinh tế số đạt được nhiều kết quả tích cực, có tác động, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam có bước tiến mạnh mẽ trong xếp hạng về chuyển đổi số quốc tế.

Theo Thủ tướng, để thực hiện được chuyển đổi số quốc gia một cách hiệu quả đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm”; người làm chuyển đổi số cần phải có một trái tim nóng, đầy nhiệt huyết và một bộ óc thông minh, sáng tạo và tư duy luôn đổi mới; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển; phải nói thật, làm thật, hiệu quả thật để người dân, doanh nghiệp hưởng thụ thật.

Quán triệt quan điểm về phát triển kinh tế số, nâng cấp nền kinh tế số với những đột phá, cải cách mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa để Việt Nam bắt kịp, tiến cùng và vươn lên trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, thương mại…, hướng tới một xã hội số phát triển, thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chuyển đổi số cần hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy phát triển kinh tế số, chuyển đổi xanh, giảm phát thải gắn với phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trong đó phải đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược số gồm thể chế số, hạ tầng số, nguồn nhân lực số, với "thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, nhân lực thông minh"; tăng tốc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển lực lượng sản xuất mới, chất lượng cao, chuyên nghiệp./.

Trọng Bình